15/11/2024 12:56 GMT+7

Voyager-Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 2: Người thiết kế chuyến du hành vũ trụ vĩ đại

TS Edward C. Stone là người tiên phong dám làm những điều vĩ đại trong không gian. Ông đã đưa nhân loại vào chuyến du hành qua hệ Mặt trời, là người thiết kế chuyến du hành vũ trụ vĩ đại...

Voyager-Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 2: Người thiết kế chuyến du hành vũ trụ vĩ đại - Ảnh 1.

TS Edward C. Stone đã dành trọn 50 năm cho chương trình thám hiểm Voyager - Ảnh: NASA

Voyager là chuyến du hành của cả cuộc đời… Tôi không thể tưởng tượng một sứ mệnh nào có nhiều khám phá hơn Voyager.
EDWARD C. STONE

Sáu năm sau khi TS Gary Flandro ở phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA đưa ra ý tưởng thám hiểm bốn hành tinh vòng ngoài của hệ Mặt trời (sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương) vào năm 1965, kết quả nghiên cứu hết sức chập chờn.

Năm 1972, TS vật lý Edward C. Stone (36 tuổi) được mời về JPL. Ông nổi tiếng với vai trò nhà khoa học dự án cho chương trình thám hiểm vũ trụ Voyager suốt nửa thế kỷ sau đó.

Ham học hỏi, thích khám phá từ thời học sinh

Edward C. Stone chào đời ngày 23-1-1936 và lớn lên ở Burlington (bang Iowa) bên bờ sông Mississippi. Ông là anh cả trong gia đình có hai con trai. Cha ông làm giám đốc xây dựng thường hướng dẫn con trai tháo ráp các vật dụng. Mẹ ông ban đầu là nội trợ, sau đó làm giám đốc cửa hàng nhượng quyền Overhead Door do gia đình mua lại.

Theo tạp chí Nature, thời trẻ Stone là một học sinh rất ham học hỏi. Có lần ông đã kể: "Tôi luôn muốn tìm hiểu tại sao thứ đó lại như thế này chứ không phải thế kia. Tôi muốn tìm hiểu, đo lường và quan sát". Cha mẹ ông đã khuyến khích con theo đuổi hoạt động khoa học kỹ thuật như lắp ráp radio và các thiết bị điện tử, còn giáo viên vật lý là người giúp ông đào sâu kiến thức khoa học. Sau trung học, ông đăng ký học ngành vật lý tại Đại học Chicago (bang Illinois) vào tháng 10-1956.

Voyager-Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 2: Người thiết kế chuyến du hành vũ trụ vĩ đại - Ảnh 2.

TS Edward Stone giảng dạy tại Học viện Công nghệ California - Ảnh: Caltech

Một năm sau, trong lúc đến trường học học kỳ mùa thu của lớp vật lý, ông nhìn thấy một bài báo loan tin Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 và vệ tinh đã truyền tín hiệu trong lúc bay vòng quanh Trái đất. Sự kiện này đã gây ấn tượng mạnh đối với ông.

Ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ khoa học và tiến sĩ vật lý tại Đại học Chicago. May mắn ông được GS.TS John Simpson làm cố vấn luận án bởi ông Simpson chính là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu tia vũ trụ.

Mùa hè năm 1958, ông làm việc trong nhóm của TS Simpson và hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ thiết kế thiết bị đầu tiên là kính viễn vọng đo hạt năng lượng Mặt trời.

Thiết bị đã được thử nghiệm trên vệ tinh do thám Discoverer 36 (phóng đi vào năm 1961). Năm 1964, ông về Học viện Công nghệ California (Caltech), đơn vị đồng quản lý JPL cùng với NASA và hợp tác với người bạn học TS Rochus Vogt thành lập phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về bức xạ không gian.

Theo trang web The Planetary Society (Mỹ), cơ duyên đưa ông vào làm việc tại JPL khởi đầu từ Harris "Bud" Schurmeier, người quản lý dự án Voyager đầu tiên. Năm 1972, Schurmeier mời ông về giữ vị trí nhà khoa học dự án (nhà khoa học trưởng của dự án) cho chương trình Voyager. Ông rất băn khoăn vì đang làm cho Caltech và chỉ muốn nghiên cứu khoa học trong khi nhà khoa học dự án buộc phải giải quyết thêm công việc hành chính.

Schurmeier hiểu ý nên cuối cùng đồng ý ông sẽ dành trung bình 30% thời gian cho vai trò nhà khoa học dự án. Đây là lần đầu tiên JPL thử nghiệm phương thức làm việc này vì trước nay các nhà khoa học dự án đều phải làm việc toàn thời gian. Theo thỏa thuận, ông phải cùng làm với một nhà quản lý khoa học làm việc toàn thời gian và nhóm đại diện cho các nhóm nghiên cứu. Nói là làm việc 30% thời gian nhưng lúc cao điểm ông vẫn dành trọn 100% thời gian cho chương trình Voyager.

Voyager-Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 2: Người thiết kế chuyến du hành vũ trụ vĩ đại - Ảnh 3.

TS Edward C. Stone (thứ hai từ trái sang) và các đồng nghiệp cùng mô hình tàu Voyager vào năm 1977 - Ảnh: NASA-JPL-Caltech

Xác định khoa học là mục tiêu cao nhất

TS động lực vũ trụ Steve Synnott thuộc nhóm dẫn đường cho hai tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 thăm dò sao Mộc. Chàng kỹ sư trẻ này không bao giờ quên kỷ niệm TS Edward Stone cho phép mình đặt tên cho một vệ tinh mới phát hiện. Vào lúc bay gần sao Mộc, tàu Voyager đã chụp được hình ảnh về một vật thể nhỏ quay quanh sao Mộc với vận tốc kinh hoàng. Nếu xét về kích thước, vận tốc và độ cao thì đây chỉ có thể là một vệ tinh của sao Mộc.

Một ngày năm 1980, chờ lúc Stone đi thăm các văn phòng, Synnott đến gần trình một bức thư ngắn dự định gửi cho Liên minh Thiên văn quốc tế (IAU), cơ quan phê chuẩn danh xưng các vật thể không gian mới phát hiện.

Stone hỏi lại: "Anh có biết chu kỳ quỹ đạo của nó không?". Synnott trả lời: "Khoảng 18 tiếng", rồi đưa cho Stone một trang giấy tính toán. Stone hỏi han rồi đọc lại các phép tính và cười nói: "Tốt. Có vẻ như bạn vừa phát hiện một vệ tinh mới". Sau đó được IAU đồng ý, Synnott đã chọn tên nữ thần Thebe trong thần thoại Hy Lạp đặt tên cho vệ tinh mới.

Voyager-Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 2: Người thiết kế chuyến du hành vũ trụ vĩ đại - Ảnh 4.

TS Edward Stone (người ngoài cùng bên phải) xem ảnh chụp vệ tinh Triton của sao Hải Vương được tàu Voyager truyền về năm 1989 - Ảnh: Corbis/VCG

TS Tom Krimigis là một trong các nhà nghiên cứu tại JPL đã kể lại: "Ed Stone luôn hiểu biết, sâu sắc và công bằng trong mọi quyết định. Ông ấy xác định khoa học là mục tiêu cao nhất và không bao giờ đi chệch mục tiêu đó". Năm 1991, Stone giữ chức giám đốc JPL trong 10 năm. Ông luôn điềm tĩnh trong quan hệ đối xử với các đồng nghiệp và cố gắng đạt đồng thuận trong mọi cuộc tranh luận.

Suốt 50 năm làm việc tại JPL, ông đã điều phối 11 nhóm do NASA lựa chọn để nghiên cứu các hành tinh, vệ tinh, vành đai và từ trường của chúng. Ông đã chứng kiến nhiều khám phá không gian quan trọng của hai tàu Voyager 1 và Voyager 2 cùng các chương trình khác. Năm 2022, ông nghỉ hưu vì lý do sức khỏe. Ông được Tổng thống George Bush trao tặng huân chương Khoa học quốc gia vào năm 1991. Năm 2019, ông nhận được giải thưởng Shaw về thiên văn học.

TS Edward C. Stone - nhà khoa học dự án của chương trình Voyager và giáo sư danh dự tại Caltech đã từ trần ngày 9-6-2024 (hưởng thọ 88 tuổi). TS Nicola Fox thuộc ban giám đốc các chương trình khoa học của NASA nhận xét: "Ed Stone là người tiên phong dám làm những điều vĩ đại trong không gian... Ed đã đưa nhân loại vào chuyến du hành qua hệ Mặt trời và xa hơn nữa, đưa NASA đến những nơi mà chưa có tàu vũ trụ nào từng đến trước đó. Di sản của ông tác động to lớn và sâu sắc đối với NASA, cộng đồng khoa học và thế giới".

Giữa tháng 11-2023, tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1 bắt đầu truyền về Trái đất những dữ liệu hết sức vô nghĩa. Nhưng phép lạ xảy ra, các nhà khoa học NASA đã sửa được con tàu vũ trụ có tuổi thọ 46 năm ở cách xa Trái đất 24 tỉ km sau năm tháng trục trặc. Họ đã làm điều đó như thế nào?

Những khám phá thú vị từ hai tàu vũ trụ Voyager

- Hai tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 di chuyển với vận tốc 16km/giây và đi được hơn 1 triệu km mỗi ngày. Tàu gửi dữ liệu về Trái đất với công suất phát 12 watt (tương đương công suất đèn thắp sáng tủ lạnh).

- Hai tàu đã khám phá tổng cộng 48 vệ tinh mới quanh bốn hành tinh vòng ngoài (sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương), các vành đai hoặc một phần vành đai mới quanh sao Mộc, sao Thiên Vương và sao Hải Vương.

- Sao Mộc tưởng bình an qua ống kính viễn vọng nhưng thật ra đã xảy ra hàng trăm cơn bão dữ dội, cực quang rực rỡ ở cực bắc và ba vành đai mỏng. Các núi lửa xuất hiện rất nhiều trên vệ tinh Io.

- Các vành đai của sao Thổ trước đây có thể đếm được trên đầu ngón tay thì trên thực tế có đến hàng ngàn vành đai nhỏ. Trên vệ tinh Triton của sao Hải Vương xuất hiện các mạch nước phun trào nitrogen.

- Tàu Voyager đã tìm thấy hai môi trường hứa hẹn nhất để tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, đó là vệ tinh Europa của sao Mộc và vệ tinh Enceladus của sao Thổ. Bên dưới lớp băng hai vệ tinh này ẩn chứa đại dương mặn chát, nơi các sinh vật có thể phát triển.

Voyager-Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ - Kỳ 2: Người thiết kế chuyến du hành vũ trụ vĩ đại - Ảnh 3.Voyager - Phi thuyền loài người bay xa nhất vũ trụ -Kỳ 1: 'Chiếc ná cao su' Gary Flandro và 24 tỉ km

Thành tựu vĩ đại của NASA đã phóng hai tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1 và Voyager 2 gắn liền với công sức của nhiều nhà khoa học ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên