Đây là kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban chính sách - pháp luật phối hợp cùng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện với 3.000 người tại 6 tỉnh thành cả nước vừa được công bố tuần trước.
Với công nhân, nhất là lao động không tay nghề, vượt qua khoảng tối việc làm hiện nay không dễ dàng gì. Khó khăn bủa vây, nhiều người tìm đến các gói tín dụng giải ngân "sau một nụ cười".
Họ thừa biết những khoản vay đó không giúp mọi thứ sáng sủa hơn, nhưng trong tình cảnh hiện tại hầu như khó có lựa chọn khác.
Tải app, alo là tiền về
Chỉ cần từ khóa vay, vay tiền, hàng chục app liên quan hiện ra ngay. Những lời chào mời cực hấp dẫn: vay đến 20 triệu, trả góp, không thu phí trước, nhận đủ khoản vay, chi phí thấp; hồ sơ đơn giản, xét duyệt tự động, giải ngân nhanh chóng...
H. từng làm công nhân da giày tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM). Thẫn thờ trong góc quán cà phê dù ly nước đã cạn khô, H. kể thất nghiệp, nợ tiền trọ ba tháng liền, rồi phải lo cho cha mẹ ở quê. Bí quá, anh tìm đến các app vay tiền.
Không tài sản thế chấp, dù đang thất nghiệp nhưng hồ sơ của anh được duyệt trong "phút mốt". Chừng 15 phút sau khi xong hồ sơ, tiền được chuyển thẳng vào tài khoản của anh. Vay 10 triệu đồng nhưng số tiền anh thực nhận chỉ còn gần 8,7 triệu đồng. Hơn 1,3 triệu kia được tính vào phí tư vấn (615.000 đồng), phí dịch vụ (709.000 đồng).
Nửa số đó H. trả tiền nhà trọ, 2 triệu gửi về cho cha mẹ ở Kiên Giang, phần còn lại lận lưng ăn uống qua ngày. Câu chuyện thực sự bắt đầu khi H. ngược xuôi tìm việc, xoay xở trả lãi. Rủi cái một lần băng qua đường, H. bị người ta ủi vào. May mắn cú va chạm nhẹ, anh chỉ bị trật gân chân nhưng cần nghỉ dưỡng gần hai tuần.
Bí bách, H. tiếp tục phải tìm đến app khác vay thêm 4 triệu để "bù qua đắp lại". Tổng số nợ hai lần vay đã 14 triệu, mỗi tháng trả cả tiền gốc lẫn lãi hai bên gần 2 triệu đồng. "Vay tính trang trải đỡ rồi kiếm việc làm, trả ngay nhưng xoay đủ kiểu không xong. Việc rất khó kiếm, lãi mẹ đẻ lãi con, có tháng xoay chưa ra, trễ hai ngày đã có người tìm đến tận phòng, khiếp lắm", H. nói.
Vòng luẩn quẩn
Nhiều người cho biết chính sự tiện lợi, giải ngân "sau một nụ cười", cả người đang dính nợ xấu cũng không trục trặc gì càng khiến họ lún sâu vào vòng luẩn quẩn. Có người bật khóc phân trần bảo đường cùng, đã tìm đủ cách mới tìm đến khoản vay ấy.
Anh Ngô Thắng (28 tuổi) thú thật đang chạy vạy khắp nơi để trả dứt điểm khoản vay tín dụng. Để mua chiếc xe máy mình đứng tên, anh tìm đến nhóm tín dụng từ dòng thông tin dán ở cột điện trước cửa phòng trọ. Chỉ cần một cuộc gọi, họ về đến tận phòng, chỉ cần giấy phép lái xe và căn cước công dân là hoàn tất thủ tục. Đặt bút ký, Thắng lập tức nhận liền khoản vay 16 triệu đồng đúng như chào mời "giải ngân sau một nụ cười".
Tính toán mức lương công nhân đang khoảng 8 triệu đồng/tháng, tằn tiện chi tiêu góp mỗi tháng 2,3 triệu cũng "dễ thở". Ngờ đâu mới vay được hai tháng, anh mất việc. Không một đồng tích cóp, giờ cũng không có lương lại phải trả lãi, mọi thứ như đi vào ngõ cụt.
Trong tình cảnh ấy, anh buộc đem giấy tờ xe đi cầm lấy 3 triệu đồng, góp thêm được một tháng. Vài trăm ngàn còn lại anh nhét túi đổ xăng để chạy xe ôm. "Không có cà vẹt xe nên không đăng ký chạy Grab được đành chạy xe ôm, ai thuê gì làm đó để có tiền tới tháng đóng lãi hai bên", anh Thắng ngậm ngùi.
Anh Phan Văn Thới (27 tuổi) - lao động tự do ở quận Bình Tân (TP.HCM) - cho biết ở quê mãi không có việc làm nên lên TP mà tìm mãi không công ty nào nhận. "Tới khúc đóng tiền trọ ù cả đầu, rồi "dính" luôn vào tụi "tín dụng đen", vay nóng mới được mấy hôm", anh Thới kể.
Để vay 5 triệu, anh Thới phải trình sổ hộ khẩu bản chính của gia đình, giấy đăng ký xe, cả căn cước công dân, hợp đồng thuê trọ. Họ cho vay theo gói và anh chọn gói 26 ngày, mỗi ngày góp 250.000 đồng. Nhưng ngay lúc nhận tiền đã bị trừ liền phí dịch vụ hết 10%. Rồi bên cho vay thu trước hai ngày tiền góp "cho anh đỡ áp lực". Vậy là số tiền về túi còn đúng 4 triệu đồng.
Để có tiền góp nợ, anh Thới xin vào công trình làm sắt, phụ hồ. Chưa kinh nghiệm, sức cũng chẳng bằng ai nên lương mỗi ngày được trả 300.000 đồng. "Có hôm bận việc ở công trình quên đóng tiền, lập tức bị gọi "cháy máy". Đóng chậm vài tiếng đã bị gọi cả bố mẹ ở quê, khổ sở thật sự, chỉ muốn trả hết cho xong", anh Thới ngao ngán.
Cầm thứ gì cầm được
Ngoài tìm tới tiệm cầm đồ, vay tín dụng, nhiều công nhân còn tìm đến các "khu chợ online" cầm cố, thanh lý, mua bán sổ bảo hiểm. Trường hợp chị Cẩm (công nhân da giày ở Đồng Nai) là một ví dụ. Thất nghiệp từ đầu năm 2023, tháng trước con ốm, trong người không một xu dính túi buộc chị phải cầm sổ bảo hiểm xã hội. Chị đã đóng được 6 năm 4 tháng, một người thân cầm giúp cho chị giá 10 triệu, lãi 10%/tháng.
Chị Cẩm nói thay vì vay nóng, "tín dụng đen" tiềm ẩn nhiều rủi ro, cầm sổ này dù gì cũng an toàn hơn, đa số người cầm đều quen biết. "Dù lãi suất cao nhưng tiền tươi thóc thật, muốn vay giá cao thì lãi cao. Cầm tạm để lo việc trước mắt chứ không bán đâu, lấy gì nuôi con rồi sau này sống sao", chị Cẩm nói.
Chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu
Cũng trong cuộc khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động nói trên, 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống.
Còn lại đến 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có người nói thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu. Chỉ 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập, 11,2% người tham gia khảo sát nói không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận