Cô Đào và em Trần Quang Thuận, học sinh được cô vận động hỗ trợ điều trị bệnh ung thư máu - Ảnh: T.TRANG |
Cách đây ba năm, khi bắt đầu làm công tác quản lý ở phòng giáo dục, cô Đào tiếp xúc nhiều hoàn cảnh éo le như thầy cô giáo không có tiền chữa bệnh, nhà sập không tiền sửa; học sinh bị tai nạn, bệnh nặng không tiền chữa trị... Cô trăn trở phải làm việc gì đó cho cả thầy và trò trong quận của mình.
Cô nghĩ đến việc vận động gây quỹ từ các thầy cô giáo có đời sống khá, thậm chí vận động cha mẹ học sinh để có tiền hỗ trợ những hoàn cảnh khốn khó.
Sau khi nghe cô Đào đề xuất về việc này, thầy Nguyễn Văn Xuân, trưởng Phòng giáo dục quận Bình Thủy, đã gật đầu ngay và còn hào phóng “mở hàng” quyên góp nửa tháng lương.
Cô Đào mừng rơn vì được lãnh đạo hiểu và hưởng ứng. Nhưng để được nhiều người tin tưởng và chia sẻ, cô đến từng trường để trình bày nguyện vọng của mình mong các trường chung tay ủng hộ.
Rồi cô bền bỉ cập nhật tất cả hoàn cảnh khó khăn của thầy cô giáo, học sinh ở địa bàn để có cơ sở trình bày thiện ý của mình.
“Lúc đầu tôi run lắm vì sợ mọi người nói tôi tư lợi gì trong việc đó, nhưng nghĩ nếu mình không dám làm thì ai làm” - cô Đào nói.
Một tuần sau đó, các trường đồng ý vận động mạnh thường quân để thành lập quỹ “Vòng tay nhân ái”. Lúc đầu số tiền vẫn còn ít ỏi nên chỉ đủ trao sách vở, mua đường, gạo... để đến thăm nhà học sinh và giáo viên nghèo.
Năm 2013, em Huỳnh Thị Như Ý (đang học lớp 5 Trường tiểu học An Thới 2, quận Bình Thủy) không may bị máy ép nước mía cuốn một lớp da đầu phải đi cấp cứu.
Nhà nghèo không tiền đưa đi TP.HCM chữa trị, cô Đào đã đến tận các trường, gặp phụ huynh học sinh để vận động quyên góp giúp đỡ Ý.
Số tiền quyên góp được 56 triệu đồng, ngoài sức tưởng tượng của cô Đào và đã giúp em thoát khỏi cơn nguy kịch.
Rồi đến em Huỳnh Trà My, bị tai nạn giao thông dập não chi phí hàng trăm triệu đồng, cô Đào cũng “đứng mũi chịu sào” để quyên góp cho em chữa.
Thậm chí gia đình thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, có ma chay đều nhận được sự hỗ trợ của quỹ “Vòng tay nhân ái”.
Cô Đào trở thành tổng đài, hễ ở đâu có học sinh hoặc thầy cô giáo gặp hoàn cảnh khó khăn đều gọi cô đến để cô tìm cách hỗ trợ.
Cô Đào cũng là người khởi xướng phong trào thầy thăm trò. Cứ hằng năm, công đoàn phòng giáo dục quận và thầy cô các trường trên địa bàn quận Bình Thủy dành hẳn ngày 20-11 để đi thăm hỏi, động viên học sinh khó khăn.
“Chúng tôi muốn các em cảm nhận rằng thầy cô luôn quan tâm, chia sẻ với các em chứ không phải lúc nào cũng cứng nhắc như đứng ở bục giảng, có vậy tình thầy trò mới khắng khít hơn” - cô Đào nói.
Cũng nhờ vậy mà nhiều học sinh cá biệt có hạnh kiểm yếu kém đã thoát khỏi mặc cảm để vươn lên học giỏi. Thầy Lư Văn Sáu, hiệu trưởng Trường THCS Thới An Đông, cho biết việc làm đó rất có ý nghĩa và hiệu quả để các em học cách làm người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận