Du lịch Hà Giang dần lấy lại phong độ, đặc biệt là thời điểm từ mùa thu năm nay đến hết vụ xuân năm sau. Du khách miền Nam ra phía Bắc tận hưởng không khí lạnh đặc trưng, đổi mới thước cảnh trong tầm nhìn và trải nghiệm những nền văn hóa độc đáo của vùng Đông Bắc - nơi mà mỗi phiến đá hát một bài ca giữa đại ngàn.
Lịch trình khép kín một vòng phía Tây Hà Giang dưới đây sẽ giúp bạn tự tin hơn trước hành trình sắp tới.
Ngày đầu tiên: Hà Giang - Cổng trời Quản Bạ - Yên Minh - Dốc Thẩm Mã - Nhà Vương - Đồng Văn (khoảng 100km)
Lên xe tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) lúc 19h, bạn sẽ có mặt tại thành phố Hà Giang vào sáng sớm hôm sau, chỉ việc ngủ một giấc thật ngon.
Tại trung tâm thành phố có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn có dịch vụ cho thuê xe máy kèm nón bảo hiểm. Một miếng dán giữ nhiệt vào lưng, hành lý gọn gàng nhất có thể buộc chặt ở sau xe, trang phục đủ ấm, thoải mái, giày thể thao, găng tay, kính chắn gió, đầy đủ giấy tờ tùy thân, thế là bạn sẵn sàng hành trình chinh phục cao nguyên đá.
Điểm dừng chân đầu tiên là cổng trời Quản Bạ, sau những khúc cua uốn lượn và độ cao tăng dần. Gió rít, nhiệt độ xuống thấp, chỉ tầm 5 độ C. Lúc này, nhiều người mới bắt đầu mặc thêm áo ấm, khăn đội đầu, quàng cổ và găng tay. Một tách cà phê hoặc ca cao nóng ở đây cũng không thể duy trì nổi nhiệt độ trong 3 phút. Nhấp một ngụm và phóng tầm mắt về xa, ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ bên dưới mà thấy mình thật bé nhỏ nhưng tâm hồn lại được trải rộng giữa núi rừng.
Từ Quản Bạ đến Yên Minh, đoàn dừng chân tại cây cô đơn nằm trên quốc lộ 4C thuộc xã Cán Tỷ. Đây là một trong những cây gỗ nghiến quý giá bậc nhất đang được bảo tồn. Cây thân gỗ sừng sững nghiêng mình bên vực thẳm này không phải đoàn xe nào cũng tìm thấy nếu không có người địa phương mách đường đi.
Dừng chân một chút tại dốc Thẩm Mã để ngắm lại một đoạn đèo ngoạn mục mà đoàn xe vừa vượt qua trước khi ghé đến điểm dừng chân Nhà của Pao và Dinh nhà Vương. Ngày xưa, con dốc này được dùng để thử sức với những con ngựa khỏe nhất, nay là một điểm ngắm cảnh được du khách săn tìm.
Khi nắng chiều chiếu xuyên qua những khe núi, làm ửng hồng đôi má của em bé dân tộc đang nheo nheo đôi mắt một mí đáng yêu cũng tạo nên bức tranh hồn nhiên, tươi sáng. Một vài âm thanh trong trẻo từ tiếng sáo, tiếng khèn của những cậu bé trên sườn núi cũng làm du khách phải lắng nghe một hồi lâu.
Dinh nhà Vương hay còn gọi là dinh thự của Vua Mèo, Vương Chính Đức - một công trình kiến trúc mang hơi thở văn hóa Mông - Pháp - Trung Quốc được khởi công vào năm 1898 và mất 9 năm để hoàn thành. Đây là nơi mà bạn sẽ được tận mắt chứng kiến sự vương giả của một gia tộc vùng cao với khuôn viên hơn 3.000m2 gồm nhiều gian nhà được xây dựng kiên cố, nhiều chi tiết tinh xảo.
Khoảng 17h, bạn nên xuất phát đi Đồng Văn để tránh trời tối, và có một bữa lẩu nóng hổi vào tầm 19h là hoàn hảo cho ngày đầu tiên.
Ngày thứ hai: Đồng Văn - Lũng Cú - Đèo Mã Pí Lèng - Sông Nho Quế - Mèo Vạc (khoảng 95km)
Hoàn thành cung đường ngày thứ hai là một trải nghiệm ngoạn mục trong hành trình này khi chinh phục thành công Mã Pí Lèng, một trong "tứ đại đỉnh đèo Việt Nam" và sông Nho Quế, được ví như sợi chỉ mềm mại màu xanh ngọc bắc xuống từ trời.
Nếu may mắn, bạn có thể tham dự chợ phiên ở trung tâm thị trấn Đồng Văn, hòa mình vào không khí vui tươi, tấp nập người mua, kẻ bán, thưởng thức các đặc sản của cao nguyên núi. Bà con ở khắp nơi đeo gùi đi chợ. Họ bán các thực phẩm, rau trái của nhà trồng được như lợn giống, gà, vịt, bắp cải, lá thảo mộc, thuốc, gia vị… để đổi lấy các nhu yếu phẩm khác.
Ăn sáng tại chợ và thưởng thức cà phê tam giác mạch tại khu phố cổ Đồng Văn rồi chuẩn bị xuất phát đi Lũng Cú. Điểm đầu cực Bắc và cột cờ Lũng Cú là 2 địa điểm khác nhau mà nhiều người hay nhầm lẫn là một. Hai điểm tham quan này cách nhau khoảng 3km. Điểm đầu cực Bắc có đài vọng cảnh, từ đây bạn có thể nhìn sang biên giới Trung Quốc. Đường đi vào điểm cực Bắc đang được cải tạo nhưng phong cảnh từ vách núi nhìn sang biên giới cũng rất nên thơ, xinh đẹp.
Cột cờ Lũng Cú mang đến cảm giác thiêng liêng khi tình yêu quê hương, đất nước như hội tụ ở một điểm đỏ thắm. Một bức ảnh kỷ niệm tại cột cờ quốc gia là điều không thể thiếu của điểm dừng chân này.
Buổi sáng của niềm tự hào sẽ được nối tiếp bởi sự hùng vĩ của đại ngàn với cung đường quanh co ôm lấy đèo Mã Pí Lèng huyền thoại và thẳng tiến đến sông Nho Quế. Lái xe đường đèo cần có sức khỏe, sự tập trung và kỹ năng sử dụng xe số, nên lời khuyên là không bỏ bất kỳ bữa ăn chính, phụ nào của hành trình này.
Dừng chân tại hẻm Tu Sản để ngắm nhìn sông Nho Quế từ trên cao giữa hai vực núi sâu thẳm là một điểm chụp ảnh được đề xuất. Song bạn cần biết chính xác tọa độ hoặc được dẫn đường bởi người bản địa để không bị đi quá.
Hơn 15h có mặt ở bến sông Nho Quế là hợp lý. Bạn có thể ngắm nhìn những giọt nắng cuối ngày vắt sang các sườn núi 2 bên sông. Xe trung chuyển sẽ đưa bạn đến tận bến tàu rồi vi vu trên sông trong khoảng 1 tiếng.
Nước sông trong vắt, êm đềm và xanh biếc một màu, diệu kỳ đến mức chỉ có thiên nhiên mới tạo ra được nước màu tuyệt phẩm này. Thuyền sẽ dừng ở điểm đẹp nhất, đúng thế nhìn sông dựa núi để du khách chụp ảnh. Nét cảnh này cũng là "nhất định phải chụp" khi tới Hà Giang.
Kết thúc ngày thứ hai, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông sẽ là điểm nghỉ ngơi tối hôm đó. Những homestay nhỏ sáng đèn đón khách và chuẩn bị sẵn những mẹt đầy ắp đặc sản của địa phương. Nổi bật nhất vẫn là xôi nếp cẩm tím nhạt, hạt nếp to, dẻo, thơm và ngọt hậu, ăn với muối vừng, thịt gà, lợn quay đều bắt vị.
Buổi tối, bạn có thể đi dạo quanh làng, thưởng thức cà phê, trà nóng và ngồi quanh bếp lửa giữa tiết trời lạnh giá. Một vài củ khoai lang mật, mía hoặc bắp ngô vùi trong lửa ấm cũng làm câu chuyện của bạn thêm ngọt bùi, giấc ngủ cũng thêm ngon.
Ngày thứ ba: Mèo Vạc - Mậu Duệ - Du Già (khoảng 100km)
Hai ngày lái xe cũng thấm mệt nhưng sẽ nhanh chóng tan biến trước những gì bạn nhận được từ Hà Giang. Đường đi từ Mèo Vạc đến Mậu Duệ đang được cải tạo một đoạn dài hơn 20km, nên bạn cần tập trung lái xe an toàn.
Cung đường này nổi tiếng với đoạn đèo hình chữ "M" mà bạn nhất định phải ngắm nhìn từ trên cao và hít thở không khí mát mẻ. Lúc này cũng hết đoạn đường gập ghềnh. Người ta bảo chữ "M" là Mèo Vạc, là "may mắn", "minh mẫn" và cũng có thể là "money", toàn những điều tốt lành nên ai cũng tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm.
Sau khi nghỉ chân ăn trưa, đoàn tiếp tục xuất phát đi tìm thác Du Già nước chảy quanh năm. Thác cao hơn 5m và rộng khoảng 3m, nước trong vắt, mát lạnh đổ xuống từ trên cao, tạo thành dòng suối nhỏ róc rách nhìn rõ từng phiến đá bên dưới.
Nằm ở tỉnh lộ 176 thuộc bản tiên xã Du Già, huyện Yên Minh, bạn sẽ rất khó tìm được thác nước này nên phải hỏi đường liên tục hoặc có người dẫn đoàn. Đường mòn khoảng 4km dẫn vào thác đi qua khu dân cư, len lỏi giữa những bản làng và rất gập ghềnh nên bạn cần phải chắc tay lái hoặc dắt bộ xe nếu không tự tin.
Nếu trời không quá lạnh hoặc hửng nắng, rất nhiều du khách, đặc biệt là người nước ngoài rất thích ngâm mình dưới làn nước trong xanh như vậy. Bốn bề xung quanh được ôm ấp, che chở bởi những ngọn núi, phiến đá, cỏ cây hoang sơ, tĩnh lặng chỉ nghe tiếng nước chảy thuần khiết. Khung cảnh thực sự động lòng người.
Ở Du Già, rất nhiều homestay nhà gỗ độc đáo mở cửa đón khách nên bạn không phải lo lắng nhiều về chỗ ăn ở. Các chủ nhà đều là người dân địa phương và rất nồng hậu. Cảm giác gần gũi, an nhiên sẽ khiến bạn muốn ở thật lâu.
Ngày thứ tư: Du Già - Đường Thượng - Lùng Tám - Hà Giang (khoảng 110km)
Chặng cuối trong hành trình chinh phục Hà Giang sẽ đi qua Lùng Tám để tìm hiểu về nghề dệt lanh nổi tiếng của người Mông. Tấm vải lanh thành phẩm phải trải qua 41 công đoạn thủ công tỉ mỉ. Bên bờ sông Miện, các bà, các mẹ vẫn cần mẫn ngày ngày gìn giữ làng nghề truyền thống này vừa để may trang phục cho chính mình, vừa để giới thiệu với khách du lịch một ngón nghề độc đáo của địa phương.
Người ta bảo rằng tấm vải lanh ở đây bền chắc với nắng mưa, thời tiết khắc nghiệt, mùa hè mặc mát nhưng mùa đông cũng giúp giữ ấm rất tốt. Màu sắc lại sặc sỡ, tươi sáng nên người Mông vẫn rất yêu quý trang phục, trân trọng trang phục của mình.
Về đến trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 16h, lúc này cả đoàn nên chụp chung một tấm ảnh tại cột mốc 0km. Hơi ngược một chút, nhưng việc chụp tại cột mốc này vào cuối hành trình thực sự mang đến cảm giác lắng đọng, lưu luyến vô cùng khi thoáng nghĩ về hành trình 4 ngày nhận của Hà Giang quá nhiều tình cảm trân quý. Có lẽ đây là một lời hẹn ước để bạn sẽ trở lại thành phố này vào một ngày không xa.
Mong rằng những chia sẻ từ trải nghiệm thực tế trong 4 ngày rong ruổi Hà Giang bằng xe máy sẽ giúp bạn có thêm những thông tin và sự chuẩn bị tốt nhất để hành trình được trọn vẹn.
Nếu thấy bài viết hữu ích, bạn hãy bấm "Thích" hoặc thả tim cuối bài, hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao nhé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận