TTCT - 1. Cô Dịu - hướng dẫn viên du lịch của Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam - nói trong hành trình đưa khách đi thăm đảo ngoài giới thiệu chiếc giếng cổ, ngôi chùa hơn 300 tuổi, cô sẽ đưa khách đến thăm một “di sản” khác của Cù Lao Chàm. Đó là hai người còn lại vẫn còn đan võng ngô đồng. Phóng to Mỗi năm cụ Môn đan được sáu chiếc võng - Ảnh: Hoàng Điệp Không nói võng đẹp hoặc xấu, vừa đi đường Dịu vừa kể: “Khi xưa còn sống, nội em cũng biết đan võng. Nhưng trong nhà em không ai học cách làm vì quá mất công và tỉ mỉ. Có chiếc võng nội đan từ trước khi sinh em đến giờ vẫn còn, sợi võng không hề bị mủn dù bao năm tháng. Đó cũng là chiếc võng nội thích nằm nhất”. Căn nhà nhỏ. Bên cạnh cửa sổ sát đường là bà lão tóc bạc trắng, lưng hơi còng đang cần mẫn, mải miết đan võng. Đó là cụ Phan Thị Môn, 87 tuổi, ở thôn Cấm. Dăm năm, mười năm nữa ở Cù Lao Chàm có bao nhiêu chiếc võng ngô đồng được hoàn thành... Lo rằng những hoa võng, mắt võng cùng kỹ thuật xe và tết võng sẽ không được lưu truyền. Mất nó không chỉ là mất đi những chiếc võng, mà còn mất đi một nét văn hóa sống đã tồn tại hàng mấy trăm năm ở hòn đảo xanh như ngọc này.Không một ai ở Cù Lao Chàm biết được nghề đan võng và xe sợi cây ngô đồng có từ bao giờ. Cụ Môn cũng không nhớ: “13 tuổi tui đã bắt đầu học làm võng. Cha mẹ mất sớm nên phải tự tần tảo kiếm ăn. Thân gái, không đi biển được nên chỉ ở nhà đan lưới và đan võng. Đến giờ cũng đã hơn 70 năm tui gắn bó với công việc này”. Tóc cụ Môn đã bạc trắng, y như màu những sợi vỏ ngô đồng. Dáng cụ bé nhỏ, còng gập bên cửa sổ đón chút ánh sáng ban ngày. “Mỗi chiếc võng làm mất hai tháng, có khi còn nhiều hơn”. Đôi tay người già không nhanh nhẹn nhưng đôi mắt cụ còn rất tinh. Dù chậm chạp nhưng tất thảy đều được làm hết sức tỉ mỉ và cẩn thận. Hàng ngàn mắt võng đều tăm tắp, hàng trăm hoa võng xòe ra không khác nhau một li. Và dù phải xe nối hàng ngàn vỏ sợi mảnh nhưng trên từng mắt võng không hề nhìn thấy một mối nối nào. Cụ Môn nói bí quyết này phụ thuộc vào sự khéo léo của người làm võng. Vì phải làm thủ công, tỉ mỉ, vừa xe sợi vừa tết lại đan nên mỗi ngày cụ chỉ làm được một phần rất nhỏ: “Khó nhất là làm “óc” và “viền” võng. Đây là phần quan trọng nhất, dùng để mắc võng nên cần chắc chắn và bền. Không làm cẩn thận phần này thì dù có làm thân võng tốt bao nhiêu cũng chẳng giá trị gì”. Người đan võng vừa tỉ mẩn xe sợi, vừa tính chi li từng khoảng cách giữa các mắt võng sao cho các sợi võng căng đều mà không có sợi nào trùng. 2. Võng ngô đồng được đan bằng sợi vỏ cây ngô đồng, một loại cây thân gỗ mọc tự nhiên rất nhiều trên những cánh rừng của đảo Cù Lao Chàm. Cây ngô đồng có lá màu xanh thẫm, mùa xuân ra hoa đỏ tươi. Trước khi đan võng, cụ Môn thường đem theo con dao quắm dài lần lên cánh rừng sau nhà chặt những cành ngô đồng bằng cổ tay: “Mỗi năm tui đan được sáu chiếc võng. Không bao giờ đủ để bán. Mỗi năm cũng chỉ chặt cành ngô đồng chừng ấy lần vì cây ngô đồng còn phải để cho lớn, chỉ tỉa cành để tước lấy vỏ thôi”. Cành ngô đồng mang về được chặt ngắn thành từng khúc, mỗi khúc dài từ 40cm trở lên. Dùng cán dao quắm đập giập vỏ cây rồi lột ra khỏi thân. Mang những vỏ ấy ngâm dưới suối mười ngày cho nát hết phần vỏ thịt. Thứ còn lại là xơ màu trắng như ngọc trai. Giặt sạch, phơi khô, tước nhỏ rồi xe lại dùng dần. Mỗi chiếc võng có giá 1,5 triệu đồng: “Tôi làm để lấy tiền tiêu vặt, đỡ phải xin con cháu. Hơn nữa, quanh năm làm việc quen rồi giờ ngồi không buồn tay” - cụ Môn miệng nói mà tay vẫn không rời tay sợi. Ngày xưa, còn trẻ, chân tay nhanh nhẹn, mắt mũi tinh tường, hằng ngày cụ lên núi hái rau rừng và lá cây về làm nước uống bao giờ cũng kèm theo một vài đoạn cây ngô đồng. “Hai năm nay tôi không lên núi hái lá được nữa rồi. Con trai phải đi chặt cành ngô đồng cho vì đôi chân đã yếu”. Phóng to Bà Bạ, 72 tuổi, đã có hơn 30 năm đan võng ngô đồng - Ảnh: Hoàng Điệp 3. Có lẽ chính vì độ bền, sự tỉ mỉ, mất công của người làm võng mà mỗi chiếc võng được đan xong, ai may mắn mới mua được. Bởi mỗi năm cụ Môn chỉ đan được sáu chiếc võng và bà Nguyễn Thị Bạ (72 tuổi) ở thôn Bãi Làng cũng vậy. Bà Bạ cũng có đến hơn 30 năm làm võng. Buổi tối, không có điện, phải thắp đèn dầu để xe. Xe sợi nhiều đến nỗi ngón tay trỏ vẹt xuống một vệt sâu. “Lúc mới tập xe, các ngón tay phồng lên, rộp nước rồi chai lại. Sau này lõm xuống thành vệt” - bà Bạ nói. Bà Bạ có bảy người con nhưng không ai biết làm võng: “Con dâu, con gái đi hái rau rừng, nấu cơm thuê phục vụ khách du lịch mỗi ngày công được 80.000-130.000 đồng. Chẳng ai muốn làm võng với thu nhập 30.000 đồng. Tôi làm cho đỡ buồn. Cũng bởi nhiều người đến hỏi mua nhưng không có bán”. “Công cán chẳng đáng là bao bởi giá thành một chiếc võng đối với người tiêu dùng là quá đắt, không thể nâng giá thêm được nữa” - con trai bà Bạ, một ngư dân lực lưỡng, vừa tước sợi ngô đồng vừa nói. Khi xưa vá lưới, bây giờ đan võng như một niềm vui của tuổi già vậy thôi. 4. “Giờ nhà em chẳng ai biết đan võng. Những người trẻ như em càng không đủ kiên nhẫn để ngồi cả ngày đan. Dù cây ngô đồng trên rừng rất nhiều, dù bao nhiêu chiếc võng đan xong đều được khách du lịch mua hết, thậm chí có người còn đặt tiền trước” - Dịu nói trên con đường dọc bờ biển thôn Bãi Làng. Như vậy không biết dăm năm, mười năm nữa ở Cù Lao Chàm có bao nhiêu chiếc võng ngô đồng được hoàn thành. Mỗi chiếc võng như một công trình kiến trúc tỉ mỉ, chắc chắn và bền đẹp thể hiện sự kiên trì của người dân đảo trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Chỉ tiếc người biết đan võng ngày càng ít. Lo rằng những hoa võng, mắt võng cùng kỹ thuật xe và tết võng sẽ không được lưu truyền. Mất nó không chỉ là mất đi những chiếc võng, mà còn mất đi một nét văn hóa sống đã tồn tại hàng mấy trăm năm ở hòn đảo xanh như ngọc này. Tags: Du lịchDi sảnCù Lao ChàmCâu chuyện cuộc sốngVõng ngô đồng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.