Detox nội y xanh - dự án tái chế đồ lót cũ - được hãng đồ lót không gọng LOC cùng REshare thu gom quần áo cũ, kéo dài vòng đời, tái chế thành vật liệu, đồ dùng có ích cho cộng đồng cùng bắt tay thực hiện.
Cùng góp một tay
Một ngày cuối tuần, chị Trần Trúc Nguyên (32 tuổi) ngụ huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) gói ghém mớ đồ lót cũ của các thành viên trong nhà. Gói hàng sau đó được chuyển đến địa chỉ tiếp nhận ở TP.HCM để biến thành nguyên liệu sản xuất xi măng.
Chị Nguyên kể vùng quê chị đang sống chưa có nơi thu gom và xử lý rác thải. Chị vẫn đem đốt đồ lót cũ rồi chôn tro xuống đất. Biết đến chiến dịch tái chế nội y không phát thải, chị gửi đồ của nhà mình và vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Chị nói nhiều người vẫn e dè khi chị rủ gửi đồ lót cũ đi xử lý, nhưng tin rồi mọi người sẽ nghĩ thoáng hơn.
"Chỉ cần mỗi người chôn hoặc loại ra chục cái nội y mỗi năm, chúng ta, xa hơn là con cháu chúng ta sẽ sống trên đống rác không phân hủy ấy thế nào, tệ hơn có thể cây cối không sinh trưởng được nữa. Quá nhiều câu hỏi khiến mình phải hành động, cùng góp một tay bảo vệ môi trường", chị Nguyên cười.
Cùng suy nghĩ đó, chị Lê Hải Anh (31 tuổi) ngụ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khoe chị cũng tích cực kêu gọi bạn bè tham gia, rồi chia sẻ cách thức gửi đồ, hướng dẫn điền link đăng ký.
"Để bảo vệ sức khỏe, lời khuyên tốt nhất là nên thay đồ lót sau sáu tháng sử dụng, nên việc xử lý đồ lót cũ rất cần thiết. Mình mong chiến dịch này kéo dài, phủ sóng khắp nơi để nhiều người cùng tham gia", chị Hải Anh bày tỏ.
Đồ lót thành nguyên liệu làm xi măng
Chị Su Nguyễn (tên thật Nguyễn Thị Nhường) - sáng lập và điều hành thương hiệu đồ lót không gọng LOC - cho biết là nhà nghiên cứu, sản xuất sản phẩm tới tay người tiêu dùng, chị muốn doanh nghiệp của mình không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn phải nghĩ đến việc kết thúc vòng đời sản phẩm khi khách hàng không còn sử dụng nữa.
Chị cùng cộng sự đã nung nấu ý nghĩ tái chế nội y. Song thời điểm 2019, có nhà máy nhận xử lý với yêu cầu phân loại các nguyên phụ liệu ra để dễ dàng tái chế. Tuy nhiên, khi ấy chưa thể đầu tư nhân lực để phân loại, nên ý tưởng này đành phải tạm ngưng.
Mỗi khi có cơ hội gặp ai đó, chị Su Nguyễn vẫn thường chia sẻ về mục tiêu của mình. Hồi đầu năm nay, chị gặp được đối tác REshare. Ý tưởng lớn gặp nhau nên cùng bắt tay khởi động chiến dịch tái chế nội y không phát thải ra môi trường.
Nhưng ngay khi đưa ra cộng đồng đã vấp sự phản bác, thậm chí đòi tẩy chay chiến dịch này vì bị nghi ngờ nội y cũ được thu về để "làm gì đó bậy bạ". Không ít người hoài nghi phương pháp xử lý. Họ ngại bỏ công, bỏ chi phí để đưa về nơi tập kết. Chưa kể việc vứt đồ lót cũ vào thùng rác đã thành thói quen của nhiều người, cả tâm lý đồ lót là thứ riêng tư, nhạy cảm sao lại đưa cho người khác. Có ý kiến bảo rằng tự nhiên kêu lấy đồ lót làm nguyên liệu sản xuất xi măng thấy... sao sao!
"Chúng tôi phải cùng nhau học cách thấu cảm, chấp nhận những góc nhìn khác biệt và chọn cùng họ gỡ bỏ rào cản để thoải mái hơn khi làm. Chúng tôi truyền thông minh bạch cách xử lý sau khi thu gom, tập trung vào ý nghĩa của việc xử lý không phát thải, rồi tặng voucher để thêm động lực cho người tham gia" - chị Su Nguyễn cho hay.
Đến nay, nhiều người chủ động tham gia làm đại sứ xanh, trở thành người truyền thông hướng dẫn, khích lệ mọi người tham gia. Có người còn tình nguyện đến các hộ dân thông báo, phát tờ rơi về chiến dịch và sẵn sàng thu gom luôn khi cần.
Lan tỏa để đánh động ý thức cộng đồng
Khởi động từ tháng 5-2023 đến nay chiến dịch đã thu về khoảng 2 tấn đồ lót cũ. Vận hành với kinh phí trích từ hoạt động kinh doanh của LOC và REshare, dự án tiếp nhận nội y cũ từ khắp nơi gửi về TP.HCM.
Anh Nguyễn Trung Nghĩa - sáng lập dự án REshare - nói dự án muốn lan tỏa để mọi người chú ý hơn việc phân loại, xử lý quần áo, nhất là đồ lót. Nội y cũ được đưa vào lò đốt, dùng chính lượng nhiệt đốt từ quần áo để luyện xi măng. Toàn bộ tro xỉ sau khi đốt được tận dụng trộn với clinker (một trong những thành phần chính của xi măng) để cho ra thành phẩm hoàn chỉnh.
"Hiện chúng tôi phải tốn phí xử lý, nhân lực vận hành, kho bãi, cả chi phí vận chuyển về nhà máy nhưng với quyết tâm giảm lượng phát thải thời trang ra các bãi chôn lấp, chúng tôi cố gắng xây dựng mô hình kinh doanh bền vững để duy trì" - anh Nghĩa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận