31/05/2013 05:31 GMT+7

Vốn tín dụng sẽ được khơi thông?

A.HỒNG - L.THANH
A.HỒNG - L.THANH

TT - Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được phép thành lập, mang lại hi vọng về xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn cho tín dụng.

oah5F5Ob.jpgPhóng to
Nhiều chuyên gia kỳ vọng dòng vốn tín dụng sẽ lại được lưu thông sau khi nợ xấu được xử lý - Ảnh: TH.ĐẠM

Các chuyên gia cho rằng đây là cách duy nhất để phá băng tín dụng, nhưng phía ngân hàng (NH) lại e ngại điều kiện mua bán nợ quá ngặt nghèo.

Ngân hàng và doanh nghiệp chờ “xử” nợ xấu

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng mục tiêu quan trọng số 1 của nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng là phá băng tín dụng. Mà muốn vậy phải làm cho các NH không còn nợ xấu thì khi đó NH mới dám đẩy tín dụng ra. Do vậy việc thành lập công ty quản lý tài sản là cần thiết giúp các NH có thể xử lý dứt điểm nợ xấu, từ đó có thể bơm vốn ra thị trường. Nếu không thì NH sẽ chần chừ không xử lý nợ xấu, từ đó sợ không dám cho vay, nền kinh tế đói vốn.

Theo ông Nghĩa, thông qua việc xử lý nợ, trước hết sẽ góp phần trong sạch bảng tổng kết tài sản của các NH. Về phía doanh nghiệp (DN), thông qua việc mua bán nợ, DN không còn nợ NH nữa, từ đó có thể vay vốn NH.

Còn nếu NH không cho vay mà DN tốt thì VAMC có thể bảo lãnh để NH cho vay hoặc biến nợ thành vốn góp, trả lại tài sản cho DN. Với những DN mà ngành kinh doanh chính còn tốt nhưng thời gian qua lún vào bất động sản có thể được khoanh nợ bất động sản và được vay vốn để tiếp tục ngành nghề kinh doanh chính.

Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cũng bày tỏ kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng tốt khi VAMC chính thức mua các khoản nợ xấu hiện nay. Thực tế, NH không dám cho vay một phần do nợ xấu. Ông Hiển cho rằng NH vừa phải xử lý nợ xấu nhưng cũng phải đẩy mạnh cho vay để hỗ trợ DN, đảm bảo hoạt động của mình. Nếu huy động vốn mà không cho vay ra xem như tự trói chân trói tay mình.

Dù vậy, ông Hiển cũng thừa nhận trong bối cảnh sức mua giảm sút, NH chỉ giải ngân cho các dự án kinh doanh hiệu quả, trong khi việc lựa chọn được dự án cho vay hiệu quả trong bối cảnh hiện nay không hề đơn giản, nếu không nói là rất khó khăn. Một lãnh đạo NH CP Quốc tế băn khoăn với câu hỏi liệu sẽ có bao nhiêu DN được cấp tín dụng sau khi bán nợ cho VAMC, khi trước đây DN dùng vốn sai quy định hay đang kinh doanh bê bết, không nhìn thấy khả năng phục hồi?

Tổng giám đốc một NH cũng cho rằng một khi nợ xấu đã được VAMC mua lại chưa chắc NH dám cho DN từng mắc nợ xấu vay lại, dù DN này có phương án kinh doanh hấp dẫn. Nếu do một lý do khách quan nào đó, các DN này lại thất bại, lại phát sinh nợ xấu thì khi đó ai chịu trách nhiệm? “Trên lý thuyết sau khi bán khoản nợ xấu cho VAMC thì NH có thể xét cho DN từng vướng nợ xấu vay được nếu xét thấy phương án kinh doanh khả quan, nhưng về phía NH sẽ rất e ngại” - vị tổng giám đốc này nói.

Còn nhiều băn khoăn

Trao đổi với chúng tôi, một số NH băn khoăn rằng việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC không hề đơn giản do các khoản nợ xấu muốn được công ty này mua phải đáp ứng các điều kiện như có tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ..., nghĩa là VAMC đã chọn lọc những khoản nợ xấu tốt nhất.

Tổng giám đốc một NH nói những khoản nợ hội đủ các điều kiện như đòi hỏi của VAMC, các NH có thể tự xử lý chứ không cần đến VAMC.

Bản thân các tổ chức nước ngoài cũng đang săn tìm các khoản nợ dạng này. Còn lại là những khoản nợ xấu đến nay chưa xử lý được là vì có những dích dắc tài sản thế chấp khó bán, chủ DN không hợp tác... nên việc đòi hỏi các điều kiện như vậy là rất khó.

Ông Nguyễn Phước Thanh - tổng giám đốc Vietcombank - nói về nguyên tắc, DN sau khi xử lý nợ xấu nếu có hướng đi thì sẽ tiếp cận được vốn nhưng NH phải tính toán kỹ. Vì khoản nợ xấu của DN dù được tiếng là VAMC sẽ mua lại nhưng mỗi năm NH phải trích lập dự phòng 20% giá trị, kéo dài trong năm năm. Như vậy, một bên NH phải gánh khoản nợ xấu cũ, một bên lại cho vay mới, nếu không khéo NH lại gánh thêm một khoản nợ xấu khác.

“Tiếng kêu than thì bao giờ cũng có, nhưng đã dính nợ xấu một lần thì làm sao NH dám mạo hiểm” - ông Thanh nói. Tuy nhiên theo ông Thanh, thông qua việc xử lý nợ xấu này cũng giúp các NH loại được khoản nợ xấu ra khỏi sổ sách, từ đó có khả năng bơm vốn ra nền kinh tế, tất nhiên đối tượng vay sẽ được chọn lọc và NH không nhắm đến những DN vừa mới xử lý nợ xấu để cho vay.

Một số NH khác lại băn khoăn rằng khi các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC thì cũng phải chuyển tài sản đảm bảo của các DN sang cho VAMC. Tài sản đảm bảo của các DN thường là nhà xưởng, đất đai, máy móc, hàng hóa... Nhiều DN đến nay đã thế chấp hết cho các NH, vì vậy muốn tiếp tục vay vốn với các DN này là không thể.

Theo lãnh đạo NH CP Quốc tế, mặc dù VAMC ra đời nhưng trách nhiệm xử lý nợ xấu hơn ai hết vẫn là trách nhiệm của NH thương mại. Theo quy định của Chính phủ tại nghị định 53, VAMC sẽ ủy quyền cho các NH thương mại thu hồi nợ dù khoản nợ đã được bán cho VAMC. Như vậy, NH thương mại vẫn giám sát, quản lý khoản nợ đó và đòi nợ. Điều này cũng có thể hiểu là khi bán nợ xấu cho VAMC rồi thì không có nghĩa là khoản nợ đó sẽ chạy ra khỏi bảng cân đối tài sản của NH. Do vậy, NH sẽ thận trọng cho vay đối với những DN đang có nợ xấu dù đã bán cho VAMC rồi.

Không phải “liều thuốc thần”

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng VAMC không phải là “liều thuốc thần”. Do vậy chỉ có thể xử lý nợ xấu một phần nào đó chứ không thể giải quyết hết khó khăn về nợ xấu của các NH thương mại. Quá trình xử lý cũng phải hết sức chọn lọc, không phải khoản nợ nào VAMC cũng mua mà có những khoản xấu quá thì buộc phải loại bỏ.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng VAMC thực chất là công ty mua bán nợ, phải tính toán xem có bán được khoản nợ đó không mới dám mua. Do vậy điều kiện có tài sản thế chấp và con nợ đang còn sống... là điều kiện tiên quyết. Mục đích chính của chính sách này chỉ là tạo lòng tin cho NH và DN, vì đối tượng chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý nợ xấu vẫn là các NH thương mại. “Với phương thức VAMC mua lại khoản nợ nhưng mỗi năm bắt các NH trích lập 20% giá trị thì cuối cùng chính là các NH thương mại phải tự bỏ tiền ra để xử lý nợ xấu của mình. NH trung ương chỉ giúp một khoản vốn mồi để giữ cho thanh khoản của NH trong quá trình xử lý nợ xấu, còn trách nhiệm chính trong xử lý nợ xấu vẫn là của các NH” - ông Nghĩa nói.

A.HỒNG - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên