15/06/2017 16:17 GMT+7

Vốn sống - vốn chết và sự lựa chọn

PHI TUẤN
PHI TUẤN

TTO - Vì sao chậm giao vốn? Khi nào bố trí đủ vốn? Các câu hỏi liên tiếp được đưa ra với bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phiên chất vấn ở Quốc hội.

Quy định về khoảng cách an toàn giữa các xe chạy trên đường cao tốc là 100m. Thế nhưng, trên thực tế không phải vậy - Ảnh: Mậu Trường
Đường cao tốc Trung Lương - Ảnh: Mậu Trường

Đúc kết hơn, các đại biểu hỏi: hàng ngàn dự án giải ngân chậm, dàn trải, nguyên nhân là gì? Có phải do luật hay cơ chế xin cho?

Người dân vất vả, dân sinh, quốc kế dường như đang trông chờ vào đầu tư công, dự án nào cũng cấp bách, cũng đòi “phải sớm nhất”. Nhưng lấy vốn đâu? Thu xếp ra sao?

Có những dự án gấp ba lần nhu cầu bố trí vốn. Bộ trưởng Dũng giải trình, đại biểu hỏi rồi lại chất vấn tiếp. Tiền có, nhưng chưa tiêu được, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giãi bày.

“Vốn chỉ mới bố trí được 31% trong nhu cầu đầu tư giao thông hơn 900.000 tỉ đồng”, bộ trưởng Giao thông – Vận tải Trương Quang Nghĩa nói về nhu cầu và thực tế của ngành giao thông.

12 dự án đắp chiếu đã được nêu tên đang chết vốn. Hàng ngàn dự án đã đầu tư đang đói vốn. Hàng loạt đại dự án sắp tới từ cao tốc đường bộ, đường sắt đến sân bay Long Thành sắp được khởi động. Nhưng tìm vốn ở đâu?

Thử nhìn vào bảng cân đối ngân sách của chính phủ sẽ thấy phần chi thường xuyên đang ngày một phình to. Phần chi trả nợ và viện trợ cũng ngày một lớn. Vậy thì, phần cuối cùng dành cho đầu tư phát triển, dĩ nhiên, ngày một teo tóp. Nhưng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án dân sinh, xã hội thì ngày một lớn.

Ngân sách khó, vậy là phải đi vay. Một đồng đầu tư công – đầu tư phát triển là một đồng đi vay, lại thêm tốn kém. Đã thế, vẫn thiếu, dàn trải, thiếu vốn khiến cho nhiều dự án khởi công rồi để đó, hoặc giải ngân nhỏ giọt, cũng bởi: tiền đâu? Vốn đang chết rất nhiều trong đó.

Thử nhìn vào dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Khởi công từ 2009, dự kiến hoàn thành năm 2012 nhưng rồi đến 2015 buộc “tái khởi công” vì lý do không thu xếp được vốn. Cho đến thời điểm hiện tại “vẫn đang thu xếp với Vietinbank”.  Trước hội trường, bộ trưởng Nghĩa phải “kêu gọi” đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch của Vietinbank “sớm xem xét tài trợ dự án này”.

Đoạn đường từ Cần Thơ đi TP.HCM chỉ 150km nhưng lưu lượng xe quá đông khiến cho thời gian đi phải mất 3,5 tiếng đồng hồ. Nếu quy thời gian ra vốn, ra tiền, thì sẽ thấy một phần lớn vốn xã hội đang chết khi dự án mới chỉ khởi công và nằm chờ vốn.

Sự chờ đợi khiến dự án kéo dài cho thấy một sự lãng phí. Vốn sẽ theo đó đội lên, nhưng quan trọng hơn chi phí cơ hội của rất nhiều người dân và doanh nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm này, theo đó cứ ỳ ạch. Vốn mà xã hội gánh chịu từ sự chậm trễ và thiếu vốn này. Con số đó cao hơn rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực của xã hội.

Vốn xã hội còn hay không? Người bi quan sẽ lắc đầu: đã cạn. Người lạc quan gật đầu: Còn, và thậm chí còn nhiều.

Nếu hiểu vốn chỉ là những đồng tiền USD, bảng Anh, Yen Nhật, thì quả thật không nhiều, nhưng nếu hiểu vốn – capital – vượt trên khái niệm tiền bạc, là tri thức, là cơ hội thị trường, cơ hội kinh doanh… thì quả thật nguồn lực này còn vô cùng lớn. Vấn đề là những cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đang nhốt, giam hãm nguồn lực khổng lồ này vốn nằm trong tư nhân, đang bị lãng quên.

Có một chi tiết mà bộ trưởng Dũng đề cập đến đáng chú ý: Nghị quyết TW về coi kinh tế tư nhân là một động lực của phát triển.

Chìa khóa mở ra nguồn vốn sống cho xã hội chính là đây. Mấu chốt của chìa khóa này chính là công nhận quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân, một vấn đề còn gây tranh cãi rất lớn từ trước đến nay, nhất là liên quan đến đất đai.

Mạnh dạn với lực lượng kinh tế này chính là một trong những viên thuốc cải tử hoàn sinh cho các dòng vốn còn nằm “chết” trong dân, trong xã hội. Một khi hồi sinh, dòng vốn đó sẽ sinh sôi, nảy nở, đầu tư hiệu quả, kéo cả nền kinh tế đi lên.

Và khi đó đây là một nguồn lực đóng góp trở lại cho ngân sách rất lớn. 

Vốn chết là lực cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Vốn sống, ngược lại, là lực thúc đẩy sự phát triển. Chính phủ đã khoác lên mình chiếc áo chính phủ kiến tạo thúc đẩy thì rõ ràng cũng sẽ lựa sự phát triển chứ không chọn lực cản trở.

PHI TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên