09/06/2014 06:30 GMT+7

Vốn ngoại vẫn đổ vào Bình Dương

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương vẫn tin tưởng bỏ vốn đầu tư, với hàng chục nhà máy dự kiến xây mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới.

IGUIx34X.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung (bìa phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn

Với 978,4 triệu USD vốn FDI mời gọi được từ đầu năm tới nay, Bình Dương tiếp tục là địa phương đứng đầu cả nước (chiếm khoảng 14,8%) về thu hút vốn FDI.

Mở rộng kinh doanh

"Chúng tôi đã hoạt động được 12 năm tại VN và nhận thấy môi trường đầu tư tại đây khá thông thoáng. Vì vậy, dù có sự cố vừa qua nhưng chúng tôi vẫn quyết định mở rộng đầu tư và làm ăn lâu dài tại VN"

Ông CHOI JAE HO (giám đốc Công ty Panko Vina)

Ngày 5-6, sau buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, bà Marjorie Yang - chủ tịch Tập đoàn Esquel, vốn Hong Kong, hiện có một nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP 1) - khẳng định tập đoàn này sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại VN. Nhà đầu tư này đã hoạt động tại Bình Dương 14 năm, với hơn 5.000 lao động, nay quyết định xây thêm một nhà máy với số vốn tăng thêm 36 triệu USD. Trước khi có quyết định này, bà Marjorie Yang cho biết tập đoàn đã phải cân nhắc rất kỹ bởi cách đây gần một tháng nhà máy của Esquel tại Bình Dương đã bị một số đối tượng lợi dụng tuần hành chống Trung Quốc đập phá.

Ông Kent Teh, tổng giám đốc các nhà máy tại VN và Malaysia của Tập đoàn Esquel, chia sẻ: “Sau sự việc xảy ra, mặc dù công ty bị thiệt hại nặng về vật chất nhưng chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền để thống kê thiệt hại và tạm ứng 1 triệu USD bảo hiểm. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sớm khôi phục sản xuất để đảm bảo cuộc sống cho hàng ngàn công nhân và gia đình họ”.

Đối với Công ty Panko Vina (100% vốn Hàn Quốc, KCN Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát) thì quá trình đầu tư tại VN từ năm 2002 tới nay đã tạo dựng được niềm tin lâu dài của họ về môi trường đầu tư của địa phương. Là một trong những nhà đầu tư lớn của Bình Dương, vừa qua Panko Vina đã quyết định đầu tư thêm 15 triệu USD xây dựng hệ thống khách sạn 100 phòng và khu dịch vụ nhà hàng có khả năng phục vụ 500 khách mỗi lượt tại Bến Cát.

Nói về quyết định này, ông Choi Jae Ho - giám đốc công ty - cho biết: “Chúng tôi đã hoạt động được 12 năm tại VN và nhận thấy môi trường đầu tư tại đây khá thông thoáng. Vì vậy, dù có sự cố vừa qua nhưng chúng tôi vẫn quyết định mở rộng đầu tư và làm ăn lâu dài tại VN”.

Mở rộng vốn đầu tư cũng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp FDI khác tại Bình Dương. Trong đó có nhà máy chế biến gỗ của Công ty Wanek (KCN VSIP 2) điều chỉnh tăng vốn từ 6,5 triệu USD lên 10,2 triệu USD, Công ty TNHH Kurabe Industrial (Nhật Bản) với nhà máy 60 triệu USD (tăng thêm 15 triệu USD) chuyên sản xuất vỏ và khuôn bọc bằng nhựa tổng hợp. Hay Công ty sản xuất giấy Fuji (KCN VSIP 1) tăng thêm 3 triệu USD vốn đầu tư...

Tạo môi trường đầu tư lâu dài

Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Dương, từ tháng 2-2014 tới nay Bình Dương đã có hơn 80 doanh nghiệp FDI đăng ký mới hoặc điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng số vốn đăng ký lên tới 258 triệu USD. Ông Mai Hùng Dũng, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương, cho biết đa số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Bình Dương có quy mô vốn vừa và nhỏ, dao động trong khoảng 5-10 triệu USD. Trong đó, có tới gần 2/3 số doanh nghiệp được cấp chứng nhận đầu tư tại Bình Dương là mở rộng kinh doanh. Trong số các quốc gia có vốn FDI đổ mạnh vào Bình Dương dẫn đầu vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia...

Ông Hàng Vay Chi - tổng giám đốc KCN Việt Hương (tập trung nhiều nhà đầu tư Đài Loan) - cho rằng chính những lợi thế về nguồn lao động và chi phí đầu tư của VN là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặc dù có sự cố vừa qua nhưng KCN Việt Hương vẫn đón nhận nhiều nhà đầu tư Đài Loan tới tìm hiểu và có hai công ty vừa được cấp chứng nhận đầu tư mới tại KCN Việt Hương 2 với tổng vốn 11 triệu USD.

Ở góc độ chính quyền, ông Lê Thanh Cung khẳng định trong thời gian tới sẽ đảm bảo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, không để tái diễn tình trạng đáng tiếc như vừa qua để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh tại địa phương.

Chuyển hướng xây dựng nhà máy về phía bắc

Ông Trần Văn Liễu, trưởng Ban quản lý các KCN Bình Dương, cho biết những năm đầu khi xây dựng những KCN đầu tiên của tỉnh như Sóng Thần, Đồng An, Bình Đường... do chưa có kinh nghiệm nên đã để xảy ra quá tải về hạ tầng xã hội. Hiện Bình Dương đang tái cơ cấu các vùng sản xuất theo hướng không tiếp tục tập trung vào khu vực phía nam của tỉnh (thị xã Thuận An, Dĩ An) mà hướng nhà đầu tư vào các khu đô thị và công nghiệp phía bắc (các huyện Bàu Bàng, Bến Cát, Tân Uyên...). Hiện tỉnh đã dành ra 300ha trong tổng số 1.000ha của KCN Bàu Bàng với mặt bằng, cơ sở hạ tầng sẵn có để thu hút các nhà đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ...

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên