Phiên giao dịch đầu tuần 6-2 chính thức khép lại, trong đó mã VNZ của Công ty cổ phần VNG gây chú ý với giới đầu tư khi tăng trần lên giá 510.900 đồng/cổ phiếu, đắt đỏ hàng đầu sàn chứng khoán.
Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, hiếm có mã nào vươn lên thị giá trên 500.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó thị trường có ghi nhận các mã từng lập đỉnh cao như ROS (FLS Faros, giá 214.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2017), YEG (Yeah1, giá 343.000 đồng vào năm 2018), L14 (Licogi 14, giá 382.580 đồng/cổ phiếu vào năm 2022)...
Điều đặc biệt nữa là VNZ vừa khép lại bốn phiên tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, mỗi phiên chỉ có 100 cổ phiếu được bán ra, và ngay lập tức được mua với giá trần (cao nhất).
Như vậy, lấy thị giá 510.000 đồng/cổ phiếu của phiên hôm nay, nhân với hơn 35,84 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa cổ phiếu VNZ đã cán mốc trên 18.300 tỉ đồng (tương đương hơn 780 triệu USD). Đồng nghĩa với việc vốn hóa của doanh nghiệp này đã tăng thêm 9.700 tỉ đồng chỉ sau bốn phiên giao dịch.
Trước đó mã VNZ được chính thức chào sàn UPCoM từ ngày 5-1, với mức tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng liên tục im ắng, mãi cho đến đầu tháng 2 này mới xuất hiện giao dịch.
Nếu cổ phiếu VNZ tiếp tục tăng trần trong phiên ngày mai, tức tăng trần năm phiên liên tiếp, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp phải giải trình về diễn biến trên.
Có thể thấy cổ phiếu VNZ tương đối cô đặc. Trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp, riêng ba cổ đông lớn đã chiếm tới 79,1% cổ phiếu đang lưu hành. Cụ thể, cổ đông lớn nhất là VNG Limited - thành lập ở quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh ) giữ 61,1%. Tiếp đến là Công ty cổ phần công nghệ BigV giữ 5,7%. Cuối cùng là ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập, cựu chủ tịch - nắm 12,3%.
Vốn hóa tăng mạnh, khối tài sản chứng khoán của riêng ông Lê Hồng Minh cũng tăng lên mốc 1.800 tỉ đồng. Tài sản của nhiều cổ đông khác cũng vụt tăng.
Dù cổ phiếu tăng nóng, nhưng kết quả kinh doanh của VNG có phần sa sút. Cụ thể, theo báo cáo tài chính vừa được công bố, lũy kế cả năm 2022 doanh nghiệp gặt hái hơn 7.800 tỉ đồng doanh thu thuần (+2% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí khác, doanh nghiệp bị lỗ sau thuế tới hơn 1.300 tỉ đồng, đây cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty này. Tính đến cuối năm vừa qua, khối tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 9.090 tỉ đồng.
Theo lời giới thiệu của VNG, doanh nghiệp được "thành lập tại một quán cà phê Internet bởi 5 chàng trai trẻ, tiên phong cho kỷ nguyên game nhập vai tại Việt Nam" vào năm 2004. Sau khi phát hành thành công game online Võ lâm truyền kỳ, doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh, thông qua nhiều dự án nổi bật như nền tảng âm nhạc Zing MP3, ứng dụng Zalo... Đồng thời phát hành nhiều trò chơi khác như PUBG Mobile VN, Liên minh huyền thoại...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư vào sàn thương mại điện tử Tiki, hay vào các đơn vị khác như Telio, Funding Asia, Ecotruck...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận