22/06/2022 19:13 GMT+7

Vốn FDI vào Việt Nam đã khởi sắc trở lại

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã phần nào tăng trở lại trong tháng 5, bất chấp bối cảnh bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine và giá hàng hóa tăng.

Vốn FDI vào Việt Nam đã khởi sắc trở lại - Ảnh 1.

Ngành du lịch hồi sinh đem đến kỳ vọng các lĩnh vực phụ thuộc vào du lịch như lưu trú và ẩm thực sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 2-2022, sau 9 quý giảm liên tiếp - Ảnh: N.BÌNH

Ngân hàng UOB (Singapore) vừa công bố Báo cáo tăng trưởng kinh tế và dự báo quý kế tiếp cho các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5% và tỉ lệ lạm phát chính ở mức 3,7% vào năm 2022. 

Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng lên 5% trong năm 2023, do phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức, trong đó xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn 100 ngày và sự căng thẳng cũng như các lệnh trừng phạt chưa có dấu hiệu giảm bớt. 

Theo UOB, một trong những lạc quan của kinh tế Việt Nam là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã phần nào tăng trở lại trong tháng 5. 

Số liệu thu hút FDI của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, trong tháng 5, trái ngược với đà sụt giảm của vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là trụ đỡ trong thu hút FDI những tháng đầu khi cả hai nguồn vốn này vẫn tăng mạnh.

Theo đó, vốn đăng ký mới giảm 53,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%, giúp cho vốn FDI đăng ký 5 tháng đầu năm 2022 chỉ giảm 16,3% so với cùng kỳ, xuống 11,71 tỉ USD. 

Số vốn FDI đăng ký tăng mạnh vào năm 2021 ở mức 31,15 tỉ USD cũng là yếu tố ảnh hưởng đến mức sụt giảm của năm nay. 

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm 2022, chiếm 19,4% số dự án mới, 33,9% số lượt điều chỉnh và 36,7% số lượt góp vốn mua cổ phần.

Về phía người tiêu dùng, việc dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 trong nước và mở lại các hoạt động du lịch quốc tế đã tạo ra sức sống mới trong lĩnh vực dịch vụ. UOB kỳ vọng các lĩnh vực phụ thuộc vào du lịch như lưu trú và ẩm thực sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 2-2022, sau 9 quý giảm liên tiếp.

"Dựa vào dữ liệu mới nhất cũng như các khó khăn phía trước, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%, phù hợp với kế hoạch của Chính phủ là 6 - 6,5%. 

Dự báo dựa trên cơ sở tăng trưởng GDP trong quý 2-2022 sẽ đạt 6% so với cùng kỳ năm trước và sau đó tăng lên 7,6% trong quý 3-2022", báo cáo của UOB nêu rõ.

Việt Nam cải thiện vị trí nhờ FDI Việt Nam cải thiện vị trí nhờ FDI

TTO - Kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu nhờ hiệu quả tích cực phát huy từ các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên