Với việc tín dụng tăng trưởng chậm, huy động vốn nhưng không cho vay được, các ngân hàng thương mại cũng đang chịu áp lực "tồn kho", cần bơm vốn ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, dù lãi suất cho vay đã về mức phổ biến từ 7,5 - 8,5%/năm, giảm mạnh so với cách nay mấy tháng, nhưng một số ngân hàng cho biết đang "đỏ mắt" tìm khách vay bởi phần lớn các doanh nghiệp chưa mặn mà vay do nhiều nguyên nhân, trong khi các ngân hàng cũng thận trọng trong việc xét duyệt hồ sơ vay vốn.
Sức mua thấp, không có nhu cầu vay vốn
Chị Hoa (Q.3, TP.HCM), kinh doanh cửa hàng thực phẩm, cho biết dù là mặt hàng thiết yếu nhưng doanh thu cũng sụt giảm đến 35 - 50% do khách hàng thắt lưng buộc bụng. Từ chỗ doanh thu 400 - 500 triệu đồng/tháng, thấp nhất cũng đạt 300 triệu đồng/tháng, doanh thu cao nhất hiện nay chỉ hơn 200 triệu đồng/tháng.
Doanh thu thấp xuống trong khi các chi phí điện nước, mặt bằng, nhân viên... vẫn y nguyên nên lợi nhuận cũng teo tóp theo.
"Từ chỗ thuê mặt bằng lớn để bán, tôi chuyển vào mặt bằng nhỏ hơn, đẩy mạnh bán online để ráng cầm cự cho qua giai đoạn này vì ai cũng khó", chị Hoa nói.
Ông N.T.L., giám đốc một doanh nghiệp tại Q.1 (TP.HCM), dùng từ "đứng sựng" để mô tả về tình hình kinh doanh gần đây của công ty.
"Hoạt động hơn 20 năm trên thị trường, chưa bao giờ tôi thấy khó như bây giờ do sức mua tụt giảm, không có đơn hàng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, doanh thu đã giảm thêm 25%, còn nếu so với trước dịch bệnh thì giảm 60%", ông N.T.L. nói.
Cũng theo ông N.T.L., do tình hình làm ăn khó khăn, doanh nghiệp phải tiết giảm tối đa chi phí, giảm lượng hàng tồn kho, giảm chi phí lãi vay bằng cách xoay tiền trả bớt nợ gốc.
"Với tình hình sức mua như hiện nay, lãi suất có xuống 6-7%/năm, chúng tôi cũng không dám vay thêm vì vay để làm gì khi đầu ra không có. Chỉ hy vọng qua mùa thấp điểm hè, cuối năm sức mua sẽ cải thiện", ông N.T.L. nói thêm.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy không chỉ lĩnh vực sản xuất mà lĩnh vực dịch vụ, nhất là ăn uống, làm đẹp... cũng ế ẩm không kém.
Mới đây, chị V., một chủ nhà hàng, lên mạng than lần đầu tiên trong lịch sử của nhà hàng mà cả ngày không có một vị khách hàng nào, nhiều người kinh doanh khác vào bình luận cho biết đang ở trong tình cảnh tương tự khi doanh thu sụt giảm đến 50 - 70%.
Anh Vũ, chủ một quán ăn tại Bình Thạnh (TP.HCM), nói do chi phí đầu tư lớn nên ráng cầm cự chứ chưa dám đóng cửa. "Nhìn làn sóng trả mặt bằng, đóng cửa nhà hàng, quán xá ở khu trung tâm, đêm tôi không ngủ nổi. Chỉ lo mình không còn trụ được hết năm nay", anh Vũ than.
Trong khi đó, ông Vũ Công Huân, giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản HDC, cho biết trong 2 quý đầu năm, đơn hàng giảm 25 - 27% so với cùng kỳ. Dù giá nguyên vật liệu giảm 30 - 35% nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.
"Hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp cho chúng tôi là 80 tỉ đồng. Nhưng doanh nghiệp chỉ được giải ngân 8 - 10 tỉ đồng do không có nhiều tài sản đảm bảo. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chúng tôi lấy đâu ra tài sản đảm bảo. Dù báo cáo tài chính tốt, dòng tiền tốt nhưng không thể được vay thêm" - ông Huân giãi bày.
Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp chờ thị trường
Tại buổi hội thảo bàn về việc tăng khả năng hấp thụ vốn được tổ chức ngày 25-7, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong 6 tháng đầu năm, tín dụng chỉ mới tăng 4,73%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, ông Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm những khoản chi có thể để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao hết room năm 2023 cho các ngân hàng nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.
Trước đó, Chính phủ cũng có nghị quyết yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm ít nhất từ 1,5 - 2%, áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Thời gian qua, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất để tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Chẳng hạn, BIDV công bố gói 300.000 tỉ đồng để cho vay với mức lãi thấp hơn từ 0,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Agribank triển khai gói tín dụng 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm, riêng lãi suất vay USD từ 3%/năm.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng dành ra các gói ưu đãi hàng chục ngàn tỉ đồng, với lãi suất cho vay từ 7,5%/năm với doanh nghiệp và 8,5%/năm với khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng không đạt như kỳ vọng.
Theo ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính cao cấp về ngân hàng/tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, do cầu tiêu dùng và đầu tư suy yếu, nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc vay vốn đầu tư hay mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trong thực tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước bốn lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động và cho vay đều giảm, trong đó lãi suất cho vay đã giảm 1 - 1,2%/năm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, lãi suất cho vay với doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh đang dao động từ 7,5 - 8%/năm, với cá nhân là 8,5 - 9%/năm, cố định trong vòng 6 tháng. Với vay tiêu dùng cá nhân, lãi suất cho vay đã từ mức đỉnh 17 - 18%/năm hồi đầu năm xuống còn 14 - 15%/năm.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM thừa nhận các ngân hàng thương mại đang thừa vốn, buộc phải giảm lãi suất huy động để giảm áp lực "tồn kho". Theo vị này, ngân hàng cũng mong tình hình kinh tế tốt lên để người dân và doanh nghiệp bớt gửi tiền tiết kiệm mà rút vốn ra làm ăn.
"Chỉ khi sức mua tăng, hàng tồn kho giảm được, doanh nghiệp mới cần vốn để sản xuất. Chứ như hiện nay ngân hàng muốn cho vay nhưng doanh nghiệp không làm ăn được nên không vay. Ngân hàng thừa thanh khoản mà lại bị bít đầu ra", vị này nói.
Các ngân hàng bị "tồn kho" do bí đầu ra
Theo Ngân hàng Nhà nước, dù lãi suất huy động liên tục giảm, tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng mạnh với hơn 6 triệu tỉ đồng, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp.
Do đó, ông Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ xem xét tiếp tục giảm lãi suất, đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại tìm giải pháp đưa vốn vào nền kinh tế.
Cũng theo ông Tú, thẩm quyền cho vay là của ngân hàng thương mại. Việc áp dụng các hình thức cho vay tín chấp, thế chấp hay quản lý dòng tiền... hoàn toàn do ngân hàng thương mại quyết định.
Tuy nhiên, ông Tú cho rằng các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay tín chấp, quản lý dòng tiền... nếu thấy doanh nghiệp làm ăn công khai, minh bạch.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn theo hướng dẫn tại thông tư số 02, đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng đã công bố như gói 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, gói 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản...
Thị trường gặp khó, doanh nghiệp chưa dám vay vốn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty Bidrico - cho biết lãi suất cho vay đã hạ nhiệt, có ngân hàng cho doanh nghiệp này vay vốn lưu động với lãi suất chỉ 7,2%/năm vì có lịch sử tín dụng tốt.
Tuy nhiên, do sức mua chững lại, doanh nghiệp cũng không có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh nên chưa có nhu cầu tiếp cận vốn ngắn hạn.
Ông Lê Mai Hữu Lâm, giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi - doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị điện công nghiệp, cũng cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình đơn hàng vẫn chưa cải thiện, cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa đều sụt giảm. Do đó, dù lãi suất cho vay đã hạ nhiệt, doanh nghiệp vẫn không có nhu cầu vay vốn, mà phải chờ thị trường khởi sắc hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Trí, tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, với lãi suất 9,9%/năm cho khoản vay đầu tư nhà xưởng trước đó, doanh nghiệp này đang rất vất vả xoay tiền để trả lãi, thậm chí đang tính đến chuyện bán tài sản để trả khoản nợ vay của chương trình cho vay vốn kích cầu của TP.HCM.
"Với mức lãi suất vẫn còn cao hiện nay, chúng tôi buộc phải hạn chế tối đa tiếp cận vốn ngân hàng, kể cả vốn ngắn hạn.
Thay vào đó, chúng tôi thỏa thuận với các đối tác để được cấp khoảng 50% giá trị đơn hàng khi ký hợp đồng. Điều này giúp doanh nghiệp mua nguyên vật liệu đầu vào, tránh phải đi vay ngân hàng", ông Trí cho biết.
Doanh nghiệp tham gia kích cầu chờ hỗ trợ
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, 10 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ vừa gửi đơn "kêu cứu" đến UBND TP, đề nghị được giải ngân khoản hỗ trợ lãi suất khi tham gia chương trình kích cầu đã được duyệt.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp trong ngành cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... đã được UBND TP ban hành quyết định duyệt tài trợ hỗ trợ lãi suất vay trong chương trình kích cầu đầu tư. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa được giải ngân, hỗ trợ lãi suất.
Theo các doanh nghiệp, do được phê duyệt các dự án theo chương trình kích cầu đầu tư này, doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy khang trang, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại bằng nguồn vốn tự có và vốn vay các ngân hàng.
Thế nhưng, sau đại dịch Covid-19 đến khó khăn của kinh tế toàn cầu, cộng thêm lãi suất tăng "chóng mặt", có thời điểm 12 - 15%/năm, doanh nghiệp phải gồng mình ứng trước trả lãi hằng tháng.
Do đó, chủ một số doanh nghiệp cho biết đã phải bán nhà, vào ở trong công ty để có tiền trả lãi đúng hạn cho ngân hàng, tránh bị nợ xấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận