Vòm sắt có che nổi Israel?

SÁNG ÁNH 23/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Những ngày vừa qua, thế giới được “chiêm ngưỡng” cảnh tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) của Israel thăng thiên và ngăn chặn pháo kích của Hamas từ Gaza bắn sang. Chẳng hiểu là 1.000 hay 2.000 quả, nhưng dù bao nhiêu thì, theo Israel, 90% bị vô hiệu hóa bởi một hệ thống phòng thủ thông minh đủ năng lực “lọc” những đạn pháo được coi là vô hại hướng về những chỗ không người.

Như vậy, hiệu quả của hệ thống này chẳng những đã cao mà lại còn tiết kiệm, cái nào không chặn là để dụ cho đối phương bắn tốn tiền chơi. Năm 2021, xét hạng mục clip video mạng ăn khách thì “những ánh mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới” đã xa vời, giờ là thời của hoa đăng tên lửa Tamir (Israel) đánh chặn tên lửa Qassam (Palestine)!

Hệ thống Vòm sắt - công nghệ quân sự Israel - đang được rao bán cho Ấn Độ, Azerbaijan, Romania... và ngay cả Hoa Kỳ. Được đưa ra trận sử dụng từ năm 2011, nó không ngớt được khen ngợi và chủ yếu thành tích là chiến thắng suốt 10 năm nay khi đụng độ vũ khí của tổ chức Hamas tại Dải Gaza.

Màn “bắn pháo bông” trên bầu trời Trung Đông. Ảnh: AFP

 Tên lửa tự chế

Ngoài cuộc thử lửa đang diễn ra, còn có hai chiến dịch trước đó phải nhắc: “Cột trụ quốc phòng” (Pillar of Defense) từ ngày 14 đến 21-11-2012 trong 7 ngày và “Lưỡi bảo vệ” (Protective Edge) từ ngày 8-7 đến 26-8-2014, tức 7 tuần (cũng còn vài trận thư hùng lẻ tẻ khác mà phần thắng thuộc về Vòm sắt nốt).

Nhưng phải xem địch thủ của tên lửa Tamir là ai? Chủ yếu đó là tên lửa Qassam các đời 1 đến 4, do Tổ chức Hamas sản xuất ngay tại Gaza.

Dải Gaza hiện có khoảng 2 triệu dân sinh sống trên một diện tích 365km2. Diện tích này tương đương các quận nội thành Hà Nội “cũ” (khoảng 320km2), hay 1/10 Hà Nội “mới” (3.358km2). Ba mặt Gaza bị Israel và Ai Cập bao vây từ năm 2007, và một mặt biển. Mặt biển này giới hạn cho ngư dân đánh cá 3 - 6 hải lý (khoảng 5,5 - 11km) từ bờ.

Phía đất liền có một vành đai an ninh sâu 300m, chiếm mất 30% diện tích canh tác được của Gaza. Vành đai này ở cả phía Israel và Ai Cập, khiến có 800 căn hộ bị phá để ngăn các đường hầm buôn lậu. 

Hàng nhập vào Gaza bị kiểm soát và giới hạn, ngay cả hàng cứu trợ. Sắt, ximăng để xây dựng, gỗ và hóa chất bị cấm nhập. Trước năm 2010, sữa, bột, tập vở, giấy vệ sinh, giấy in khổ A4... cũng bị cấm nốt. Ngắn gọn, đây là một nhà tù khổng lồ.

Trong điều kiện trên, Hamas tự chế tạo tên lửa. Loại Qassam 1 nặng 30kg và mang một đầu đạn 5kg chất nổ, đi xa được trên 3km tuy không biết đi đâu. 

Thuốc phóng đi là đường trộn với kali nitrat, một hóa chất dùng làm phân bón. Mẹ nó ơi, tháng này nhà mình bớt ăn ngọt nhé, bố còn phải bắn tên lửa qua Israel. 5kg chất nổ của đầu đạn là urê nitrat, một hóa chất khác trong phân bón ruộng. Bộ phận khai hỏa là một viên đạn súng trường AK, một cái lò xo và một cây đinh.

Tí ơi, sao mưa tràn vào nhà thế? Bố lấy ống máng xối làm tên lửa rồi! Thế mày chống cái chái lên cho tao! Dạ, bố lấy mất 2 thanh sắt để làm giàn phóng rồi mẹ ơi! Palestine muôn năm! Độc lập muôn năm!

Tên lửa tự chế của Hamas. Ảnh: Janes Defense

 Đây không phải chuyện hài, tên lửa đời đầu của Hamas thực sự là như vậy.

Còn đời tối tân nhất - Qassam 4 - nặng 50kg, mang 20kg chất nổ, đi xa được 16km. Ngoài ra, Hamas còn nhập lậu được một số tên lửa của Nga loại M210. 

Tên lửa 122mm này nặng 66kg và bắn xa 20 - 40km, thường được bắn một loạt 720 cái bằng 18 xe vận tải BM21 40 nòng, là cấp số cơ bản của một tiểu đoàn pháo tên lửa; thời gian nạp đạn là 5 phút.

Đây là loại vũ khí bão hòa, thiếu chính xác, chủ yếu bắn kiểu phủ đầu. Tuy nhiên, Hamas không có chiếc xe hay giàn phóng bài bản nào cả! 

Vì tên lửa khá nặng, họ phóng bằng cách 2 người khiêng tên lửa, đặt lên một chạc chéo và châm ngòi bằng bình điện xe máy. Nó bay lèo xèo như bắn pháo bông và một số lớn, tuy xác suất thấp hơn tên lửa nội hóa Qassam, cũng bị hệ thống Vòm sắt chặn đứng.

Vòm sắt là gì?

Israel hiện có 10 tổ Vòm sắt, trong tương lai dự định tăng lên thành 15. Mỗi tổ này có 3 - 4 giàn phóng, mỗi giàn có 20 tên lửa Tamir. Như vậy, Israel bắn một lúc được 600 - 800 tên lửa đánh chặn. 

Nếu Hamas có một tiểu đoàn BM21 thôi, bắn 720 quả thì Vòm sắt chặn được bao nhiêu? Lượt thứ nhì 5 phút sau thì chặn thêm được bao nhiêu? Rồi lượt thứ 3, thứ 4... thì sao? 

Đề toán vậy là đã rõ: Trong vòng 10 phút, nếu một tiểu đoàn pháo tên lửa đạt công suất bắn 2.160 trái (720 trái mỗi lượt, chia làm ba lượt ở các phút 0, 5 và 10) thì mức ngăn chặn “quảng cáo” 90% của Vòm sắt còn được bao nhiêu? Nếu nó vẫn là 90% thì có nghĩa là vẫn có 216 trái lọt qua.

Nguyên lý hoạt động của vòm sắt. Ảnh: BBC

 Nhưng giả dụ này là không tưởng. Hamas làm gì có một tiểu đoàn 18 xe BM21 mà chỉ có bằng ấy ông bố, bằng ấy ống máng xối và bằng ấy bà vợ cằn nhằn. Giờ hết nhập đinh được, phải gỡ đinh trên tường làm bộ phận khai hỏa. Thế ông định gỡ cái ảnh đám cưới chúng mình xuống luôn hả?

Giai đoạn 2011 - 2014 mà Vòm sắt từng được sử dụng, hệ thống này chặn được 1.200 tên lửa. Ngày 10-5-2018, vệ binh Iran từ Syria bắn với sang 20 quả, 16 quả không ai ngăn cũng tự rơi rụng dọc đường và chỉ có 4 quả sang đến được Israel thì bị chặn cả 4. Tháng 11-2018, Vòm sắt lại chặn 100 quả khác từ Gaza.

Như vậy, trong 10 năm 2011 - 2021 được triển khai, thành tích của Vòm sắt là chặn đến 90% tên lửa, tương đương 1.314 trái. Vấn đề là nếu có ai đó bắn không phải là 1.445 trái trong 10 năm mà là 2.160 trái trong 10 phút thì sao?

Ai đó hẳn không phải là Hamas rồi. Nhưng không phải kẻ thù nào của Israel cũng “lành” như Hamas ở Gaza. Còn có quân Iran ở Syria, quân Hezbollah ở Lebanon - những nơi không bị phong tỏa 4 mặt. Lực lượng Hezbollah thực sự có thể bắn một lúc cả ngàn trái tên lửa sang Israel, loại không dùng đinh treo ảnh cưới để làm bộ phận khai hỏa.

Từ cuộc chiến 15 năm trước

Năm 2006, tức trước khi có Vòm sắt, từ ngày 12-7 đến 14-8, trong hơn một tháng, quân đội Israel quần nhau với lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Tương quan là 10.000 lính Israel, rồi tăng lên thành 30.000, để trừng trị một lực lượng du kích với tổng số quân ước tính là 2.000.

Israel là quân lực hùng hậu nhất khu vực và hàng đầu thế giới, chính xác là hàng thứ 15 về ngân quỹ quốc phòng, sau Canada và trước Brazil. Trong 34 ngày này, Israel bay 12.000 phi vụ ném bom, bắn 170.000 trái pháo và 2.500 hải pháo. Sau ngày thứ tư của cuộc chiến, Israel đã hết mục tiêu để đánh! 


 
 Tang lễ ở Gaza cho những người thiệt mạng vì tên lửa của Israel, ảnh chụp ngày 15-5. -Ảnh: Reuters

 Nhưng Đài truyền hình El Manar của Hezbollah - nơi bị máy bay đánh bom 12 lần - chỉ ngưng phát sóng đúng 2 phút suốt cuộc chiến!

Hỏa lực và cả bộ binh Israel có mặt ở Lebanon vẫn không ngăn được Hezbollah bắn sang Israel 4.000 quả tên lửa. Một bất ngờ là chiến hạm INS Hanit (trọng tải 1.275 tấn, dài 85m) ngoài khơi Beirut cách bờ 10 hải lý bị một tên lửa Hezbollah bắn trúng phải về nước. 

Rút tỉa kinh nghiệm sau trận chiến vẻ vang này, bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân lực Israel từ chức, còn tướng tư lệnh tại Lebanon thì đã bị cách chức trước đó ngay tại mặt trận.

Từ đó, Israel bèn quyết định đầu tư hệ thống Vòm sắt, được đưa vào sử dụng 5 năm sau.

Trước chiến tranh năm 2006 tại Lebanon, chiến xa Merkava của Israel được coi là bất khả chiến bại trong khu vực - ở Israel người ta vẫn đùa là chỉ cần 15 chiếc Merkava là lấy được một nước Ả Rập. 

Nhưng huyền thoại này tan vỡ khi đụng Hezbollah. Quân Israel không tiến được quá 20km, phải trực thăng vận lính đến bờ sông Litani chụp hình và tuyên bố chiến thắng rồi rút về.

Cũng trong trận chiến đấy, 50 chiếc Merkava trúng đạn, 20 chiếc hư hại hoàn toàn. Tin tức đó khiến cả một lữ đoàn thiết kỵ tiến không được bèn tự ý rút về nước, khi được lệnh sang biên giới trở lại thì không thi hành. 

Lữ đoàn này sau đó được đặt biệt danh “Lữ đoàn bỏ chạy” và bị giải thể, xóa luôn phiên hiệu. Tóm tắt lại, chiến xa Merkeva 2,5 triệu đô có thể bị một tên lửa 900 đô chặn đứng (thời giá năm 2006).

Tướng tham mưu trưởng Israel lúc đó là Dan Halutz, xuất thân từ binh chủng không quân. Ông nghĩ có 200 chiến đấu cơ trong tay là giải quyết được mọi việc. Sau 12.000 lượt ném bom Lebanon thì ông từ chức để khỏi phải suy nghĩ nữa.

Vòm sắt hay bất cứ hệ thống vũ khí nào cũng thế, không thể bảo đảm được an bình cho người dân Israel. Phần Gaza - 14 năm phong tỏa, khó khăn nhất là giai đoạn trước năm 2010, khi có lúc trái bóng đá, hộp bút chì màu cũng bị cấm nhập; khi cắt điện, lúc cắt nước, cắt dầu. 

Sau 14 năm đó, Hamas có chết không? Họ còn bắn tên lửa không? Tại sao lại nảy ra cuộc khủng hoảng hiện tại? Khủng hoảng này Vòm sắt có thể giải quyết ở mức 90% không? Hỏi cũng tức là trả lời.■

Một tên lửa Tamir của Vòm sắt có giá 20.000 - 100.000 USD, tùy loại. Nó chặn được một tên lửa Qassam giá thành 600 - 800 USD hay một tên lửa 122mm giá vài ngàn, nhưng không chặn được 1.000 tên lửa rẻ tiền bắn một lúc khi Israel cũng mới có 30 - 40 giàn phóng. Tên lửa cao cấp hơn, loại bám địa hình hay điều khiển không người lái, Vòm sắt có chặn được không thì không ai biết vì chưa thử lửa bao giờ. 

Cũng phải nhắc là trong gần như mọi cuộc chiến, các con số thống kê đều bị thổi phồng hoặc có sai lệch.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận