Xe
19/06/2018 11:12 GMT+7

Volkswagen đã gian lận thế nào đến nỗi CEO của Audi bị bắt?

QUANG ĐẠT
QUANG ĐẠT

TTO - Cảnh sát Đức vừa chính thức bắt giữ quan chức cao cấp của hãng Audi - CEO Rupert Stadler do liên quan trực tiếp đến gian lận "thế kỷ" trong ngành công nghiệp xe hơi..

Rupert Stadler - CEO hãng xe danh tiếng Audi (thương hiệu trực thuộc Volkswagen) được cho là người có liên quan chính đến việc cài đặt phần mềm nhằm "qua mặt" cơ quan kiểm tra phát thải các sản phẩm xe thuộc thương hiệu Volkswagen.

11 triệu xe bị ảnh hưởng 

Volkswagen đã gian lận thế nào đến nỗi CEO của Audi bị bắt? - Ảnh 1.

Bức hình biếm hoạ ám chỉ sự gian lận của hãng xe Volkswagen - Ảnh: The Independent

Ngày 18-9-2015, Volkswagen đã gây sốc cho thế giới, khi bị Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) cáo buộc: các phương tiện được mệnh danh “diesel sạch” bị phát hiện vi phạm đạo luật không khí sạch. 

Trong tuyên bố đầu tiên của mình, nhà sản xuất xe hơi Đức đã thừa nhận rằng họ đã cố tình trang bị động cơ diesel tăng áp bằng một "thiết bị gian lận" nhằm mục đích làm sai lệch kết quả hệ thống khí thải của xe trong thử nghiệm phát thải. 

Các báo cáo ban đầu thời điểm đó cho thấy, có khoảng 500.000 chiếc xe động cơ diesel do Volkswagen sản xuất từ năm 2009 đến năm 2011, đã bị ảnh hưởng bởi thiết bị gian lận nói trên. Vụ bê bối tiếp tục lan rộng, số lượng xe ước tính bị ảnh hưởng cho đến nay lên đến 11 triệu xe, ở nhiều thương hiệu thuộc sở hữu của hãng trên toàn thế giới như Audi, Porsche, Volkswagen...

 Vụ bê bối nổi tiếng đến mức, truyền thông thế giới đặt tên thành “Dieselgate” nhằm ám chỉ tính chất nghiêm trọng giống như vụ bê bối Watergate khiến Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức năm 1974. 

Cài đặt phần mềm gian lận 

Volkswagen đã gian lận thế nào đến nỗi CEO của Audi bị bắt? - Ảnh 2.

Phần mềm mô phỏng động cơ - Ảnh: Autocar.co.uk

Một loạt các thử nghiệm bắt đầu vào năm 2014 của các nhà nghiên cứu Mỹ, Đức, Hội đồng vận tải sạch Quốc tế được thực hiện trên các dòng xe của Volkswagen như Passat, Jetta, BMW X5 với hy vọng nhằm xác nhận công nghệ "diesel sạch" là có thật. 

Với sự giúp sức của các nhà nghiên cứu đại học West Verginia, trung tâm nhiên liệu thay thế, động cơ và phát thải. Đồng thời, Ủy ban Tài nguyên Không khí California (CARB) đã tiến hành các cuộc kiểm tra độc lập trên các phương tiện tương tự. 

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm xe của họ trong điều kiện lái xe thực tế và cả trong phòng thí nghiệm. Trong số các phương tiện được thử nghiệm trên đường trường, Jetta vượt quá tiêu chuẩn khí thải của Hoa Kỳ từ 15 đến 35 lần giới hạn cho phép, trong khi Passat vượt mức 5 - 20 lần tiêu chuẩn cho phép; 

Ngay sau khi có kết quả, Volkswagen đã lập tức phủ nhận các hành vi gian lận. Nhưng trong tháng 12 – 2014, Volkswagen đã đưa ra động thái thu hồi tự nguyện khoảng 500.000 xe tại Hoa Kỳ, với lý do phần mềm liên quan đến khí thải gặp trục trặc và việc triệu hồi nhằm thực hiện bản vá phần mềm. 

Sau đó, Uỷ ban tài nguyên không khí California tiếp tục thử nghiệm đối với các xe đã được sửa chữa, kết quả có ít cải thiện so với trước đó. 

Tháng 7-2015, Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đưa ra thông báo, không chứng nhận các dòng xe TDI 2016 vì không đạt tiêu chuẩn khí thải. 

Sau 2 tháng im lặng, đến tháng 9, Volkswagen chính thức thừa nhận những chiếc xe đã được cố ý thiết kế gian lận để làm sai lệch kết quả kiểm tra phát thải sau khi không thể giải thích được kết quả các thử nghiệm của các nhà khoa học. Liền sau đó, ngày 23-9-2015, giám đốc điều hành của hãng là Martin Winterkorn đã đưa ra tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ việc và chính thức từ chức. 

 Thiệt hại về tài chính 

Vụ bê bối khí thải không chỉ làm uy tín của hãng bị sụt giảm nghiêm trọng, tình hình tài chính ngay lập tức lao đao khi chi phí dự toán giải quyết bê bối ban đầu lên tới con số 6,7 tỉ euro chỉ trong quý 3-2015, hao hụt quá lớn đã khiến khoản lỗ của Volkswagen lên tới 1,7 tỉ euro vì liên quan đến thu hồi xe. 

Con số này chưa bao gồm tiền phạt, hình phạt, hoặc bồi thường, và các nhà phân tích dự đoán tổng chi phí cho vụ bê bối sẽ tăng lên hàng chục tỉ Euro. Thực tế, cho đến nay bê bối đã “ngốn” khoảng 30 tỉ USD ngân sách cho việc nộp phạt, bồi thường và thu hồi xe chủ yếu tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, con số này chưa có dấu hiệu dừng lại khi các vụ kiện và các hình phạt từ các quốc gia vẫn chưa chưa kết thúc.

Trong 1 hai tháng đầu sau khi vụ bê bối nổ ra, vốn hóa thị trường của công ty giảm 40% và Moody – đơn vị xếp hạng uy tín doanh nghiệp đã hạ cấp xếp hạng của công ty xuống một lần.

Thay đổi chiến lược

Vào ngày 25-9-2015, Matthias Muller được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành mới của Volkswagen. Matthias – người được cho là dày dặn kinh nghiệm khi duy trì sự thành công tại Porsche. 

Tuy nhiên, ông phải đối mặt với áp lực rất lớn từ sự chỉ trích của gần 11 triệu chủ xe bị ảnh hưởng. Cũng như gặp rất nhiều khó khăn khi phải tái thiết danh tiếng của Volkswagen về sự thân thiện với môi trường, khôi phục lòng tin của người tiêu dùng, nhân viên, chính phủ và công chúng. 

Bên cạnh đó, ông đồng thời gánh vác nhiệm vụ tái thiết chiến lược kinh doanh để duy trì và phát triển doanh số trong ngành công nghiệp xe hơi khốc liệt Ngay sau khi nhậm chức, Matthias Muller nói rằng "nhiệm vụ cấp thiết nhất của ông là giành lại niềm tin của người dùng đối với Tập đoàn Volkswagen".

Trong nỗ lực sửa chữa mối quan hệ với các bên liên quan chính bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối, công ty đã rút xe diesel ra khỏi thị trường, tiếp tục kế hoạch thu hồi và bồi thường cho các chủ xe bị ảnh hưởng. Hãng xe hơi này cũng đã thực hiện một số sáng kiến để sửa chữa các mối quan hệ quan trọng với khách hàng và đại lý. Đối với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối, Volkswagen đã phát hành “Gói ưu đãi” bao gồm thẻ quà tặng, tín dụng cho dịch vụ hoặc sản phẩm, và kéo dài ba năm hỗ trợ bên đường.

QUANG ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên