Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay tại khu vực phân cách Triều Tiên và Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Truyền thông Mỹ cảm thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tỏ ra mềm mỏng đối với Triều Tiên. Nhưng phía sau đó là áp lực trừng phạt cực lớn mà ông chủ Nhà Trắng đặt lên Bình Nhưỡng.
Hôm 25-7, tình báo Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã phóng hai tên lửa tầm ngắn từ khu vực thuộc thành phố Wonsan ra phía đông biển Nhật Bản. Với tầm bắn chừng 600km, hai tên lửa này "đủ sức vươn tới lãnh thổ Hàn Quốc".
Đi kèm hành động đó là tuyên bố từ Triều Tiên cho rằng vụ thử tên lửa thay lời muốn nói đối với những hoạt động khiêu khích từ Hàn Quốc.
Báo chí Mỹ không hài lòng
Đáp lại với hành động và lời nói đanh thép từ Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Trump khẳng định Triều Tiên không hề gửi cảnh báo gì tới Mỹ cả, và rằng mối quan hệ cá nhân của ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vẫn rất tốt.
Nói chung, ông Trump không phiền lòng về vụ thử tên lửa ấy.
Với dư luận Mỹ, cách phản ứng của ông Trump đơn giản là "yếu vía". Họ cho rằng tổng thống đang cố tình giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng từ các hành động của Triều Tiên.
Trang Vox giật tít "Trump đang để Kim Jong Un làm bất kỳ thứ gì ông ta muốn", và phía dưới chú thích thêm: "Thử tên lửa này. Chế tạo tàu ngầm khiêu khích này. Tất cả đều ổn".
The Hill tỏ vẻ trung lập hơn khi chỉ "nhắc khéo" rằng: "Triều Tiên có thể đã sản xuất 12 vũ khí hạt nhân kể từ thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên tới nay".
Ông Trump đã làm gì?
Tính tới nay, đúng là chưa có tiến triển thực sự nếu nói về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Những cột mốc đáng chú ý nhất chỉ là việc lãnh đạo Mỹ - Triều tìm thấy con đường đối thoại, có thống nhất về mặt tinh thần. Đó là điểm cải thiện so với các đời tổng thống Mỹ trước đây.
Khi quan sát diễn biến trên mặt báo, mối quan hệ Mỹ - Triều sau hai lần thượng đỉnh Trump - Kim gập ghềnh và đôi lúc gây khó hiểu.
Một mặt, các lãnh đạo vẫn tươi cười xuất hiện cùng nhau. Một mặt, Triều Tiên vẫn thử tên lửa, lên án các cuộc tập trận Mỹ - Hàn.
Nhưng có một thứ không thay đổi: quan điểm của Mỹ về phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Washington luôn nhấn mạnh sẽ dùng chiến thuật "gây sức ép tối đa" để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Sức ép này vẫn là chiêu bài lâu nay của Mỹ đánh vào yết hầu kinh tế của Triều Tiên. Và vũ khí được sử dụng là các đợt trừng phạt. Và đây cũng chính là sự khác biệt lớn nhất nơi Trump.
Thời gian sẽ trả lời
Báo cáo của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ngày 26-7 cho thấy nền kinh tế Triều Tiên đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ tình trạng hạn hán và các lệnh trừng phạt.
Theo số liệu này, tổng sản phẩm quốc nội Triều Tiên (GDP) giảm 4,1% trong năm 2018. Đây là con số tệ nhất trong 21 năm qua, và cũng là năm thứ hai liên tiếp Triều Tiên chứng kiến GDP giảm (năm 2017 "rơi" 3,5%).
Lệnh trừng phạt kinh tế tác động tới việc buôn bán của Triều Tiên. Thương mại quốc tế của nước này giảm 48,4% giá trị trong năm 2018, khi lênh trừng phạt cắt xuất khẩu của Triều Tiên gần 90%.
Tháo gỡ lệnh trừng phạt đến nay vẫn là yêu cầu từ phía Triều Tiên, như một điều kiện tiên quyết để đi những bước tiếp theo trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Và vì Mỹ, ít nhất tính tới nay, chưa chấp nhận yêu cầu này, nên đàm phán phi hạt nhân hóa vẫn tiếp tục trì trệ.
Việc ông Trump có giải quyết được bài toán Triều Tiên hay không sẽ còn chờ thời gian giải đáp.
Nhưng xét về mặt làm chính trị, có vẻ ông đã thể hiện sự khác biệt với những gì chính trường thế giới đang chứng kiến lâu nay. Không phải những phát biểu mạnh miệng thường thấy, mà là sự nhất quán của ông ấy trong chính sách và hành động trên thực tế.
Nếu ông Trump lên án Triều Tiên trong khi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đó mới thực sự là sự nhún nhường của tổng thống Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận