21/08/2021 10:23 GMT+7

Vơi nỗi lo ở xóm trọ

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TTO - Tổ dân phố tôi (TP Thủ Đức, TP.HCM) có vài chục chủ nhà trọ. Và những dãy trọ ấy ấm áp với nhiều câu chuyện sẻ chia chan chứa tình người. Nhờ vậy mà đa số người tạm trú vẫn yên tâm ở lại cùng TP.HCM chống dịch COVID-19.

Vơi nỗi lo ở xóm trọ - Ảnh 1.

Một người lao động được hỗ trợ chỗ ở và thực phẩm từ ATM Nhà trọ cộng đồng - ẢNH: YSW

Cô Bảy cạnh nhà tôi là người đi tiên phong giảm giá phòng trọ từ tháng 4-2020. Hai tháng gần đây, người thuê phòng tạm nghỉ việc nhiều hơn lần trước nên cô cũng "giảm sâu" hơn. Phòng nào có con nhỏ thì được miễn phí. Những phòng còn lại giảm một nửa trở lên và được trả "dài hạn".

Tấm lòng thơm thảo của cô Bảy nhanh chóng lan tỏa, những chủ nhà trọ khác cũng làm điều tương tự. Mỗi người một ít, cả xóm trọ nhờ vậy mà bớt lo. Giảm tiền thuê phòng mới chỉ là chuyện nhỏ, không ít chủ nhà còn "bao" cả bữa ăn cho người trọ. Lịch đi chợ của khu phố tôi hai lần/tuần, được các chủ phòng trọ tận dụng tối đa đi siêu thị mua thực phẩm về tặng người nghèo.

Mới đây, một chị dù bản thân cần được giúp đỡ nhưng khi nhận suất hỗ trợ của chính quyền TP.HCM, chị đã viết thư cảm ơn và quy đổi ra 100kg gạo, nhờ cán bộ địa phương tặng người dân các tỉnh đang kẹt lại. Những nghĩa cử cao đẹp cứ vậy nối tiếp nhau không ngừng nghỉ, làm ấm lòng những người ở lại.

TP Thủ Đức nay ra đời "Câu lạc bộ nhà trọ 0 đồng" và phường Phú Hữu là nơi khởi xướng. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" đã được chứng minh rõ nhất trong đại dịch. Khi hoạn nạn lại càng thắt chặt đoàn kết, nhường cơm sẻ áo. "Chúng tôi ăn gì thì các bạn cũng ăn như vậy!" - câu nói của bác tổ trưởng dân phố sẽ mãi còn trong tâm trí những phận đời mưu sinh xa quê.

Mấy hôm nay tổ lập danh sách chuẩn bị nhận gói hỗ trợ đợt 2 của chính quyền thành phố, tôi thấy phần đông là người tạm trú. Những ngày đến lượt khu phố tôi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, cũng các anh chị đoàn viên, hội viên và chủ nhà tận tình nhắc người ở trọ đi tiêm.

Có hai dãy phòng trọ mà chủ nhà cư trú tại quận khác nhưng vẫn thường xuyên thuê xe chở nhu yếu phẩm hỗ trợ người tạm trú. Có anh chuyển khoản nhờ hàng xóm mua giúp tại chỗ. Thấm thía tình cảm và sự quan tâm của cộng đồng, nhiều bạn trẻ "tạm biệt" phòng trọ, nhưng không phải về quê mà đăng ký làm tình nguyện viên.

Chú trưởng khu phố chia sẻ: "Nhu cầu về tình nguyện viên rất nhiều, nhưng vẫn không sợ thiếu nhờ sự tích cực tham gia của các thanh niên nhập cư". Tùy hoàn cảnh riêng, mỗi người cân nhắc về quê hay không. Những bận tâm về miếng cơm manh áo sẽ vơi đi nếu sống trong tình thương của những người dân và cán bộ như ở khu phố tôi.

Không có chỗ ở liên hệ ATM Nhà trọ cộng đồng

"Tôi làm phụ hồ đã nghỉ làm gần 3 tháng rồi. Hiện tại không còn khả năng đóng tiền nhà trọ nữa. Mong được giúp đỡ" - đó là một trong nhiều liên hệ trợ giúp về nhà trọ mà chương trình ATM Nhà trọ cộng đồng nhận được trong 4 ngày đi vào hoạt động.

"Người lao động có nguyện vọng ở lại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp lại lao đao vì vừa phải chống dịch, vừa duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Không ít gia đình hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở tạm thời cho người lao động khó khăn. ATM Việc làm cộng đồng và ATM Nhà trọ cộng đồng ra đời để giải quyết những vấn đề đó" - ông Nguyễn Thanh Hân, giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên (trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam), cho biết.

Đến hết ngày 18-8, dự án ATM Nhà trọ cộng đồng đã ghi nhận 25 người dân liên hệ có nhu cầu cần tìm nhà trọ và 20 nhà trọ cộng đồng đăng ký chia sẻ. Chương trình ATM Việc làm cộng đồng cũng ghi nhận 150 người lao động có nhu cầu cần tìm việc làm và 6 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng.

Với chương trình ATM Việc làm cộng đồng, ông Nguyễn Thanh Hân cho biết do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết các hoạt động kinh doanh đang ngưng, nhu cầu tuyển dụng ít. "Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối thêm nhiều nơi tuyển dụng trong thời gian gần nhất", ông Hân chia sẻ thêm.

Dự kiến chương trình ATM Việc làm cộng đồng và ATM Nhà trọ cộng đồng sẽ hoạt động tới ngày 15-9-2021 khi thành phố hết giãn cách, có thể hoạt động trở lại.

"Tinh thần là chúng tôi cố gắng làm việc hết công suất để có thể hỗ trợ tối đa cho người dân liên hệ có nhu cầu. Chắc chắn là không thể giải quyết được 100% tất cả các nhu cầu nhưng chúng tôi mong chương trình sẽ mang lại tín hiệu tích cực, mong có thêm các đơn vị, tổ chức đồng hành, chung tay lan tỏa cùng chúng tôi góp phần chia sẻ cùng TP.HCM trong thời gian khó khăn này", ông Hân bày tỏ.

Để kết nối nhà trọ và việc làm, người lao động có thể liên hệ qua địa chỉ mạng xã hội chính thức www.facebook.com/YSW.ATMnhatrocongdong, hoặc các đường dây nóng: 0866.111.616 (nhận thông tin người cần trọ), 0828.116.668 (nhận thông tin chủ nhà trọ).

Tương tự, thông tin chi tiết về ATM Việc làm cộng đồng được đăng tải tại địa chỉ mạng xã hội chính thức www.facebook.com/YSW.ATMvieclamcongdong, hoặc các đường dây nóng: 0907.186.069 (nhận thông tin người tìm việc làm), 0912.116.668 (nhận thông tin nhà tuyển dụng).

VŨ THỦY

ATM việc làm, nhà trọ sẻ chia với người dân trong dịch COVID-19 ở TP.HCM ATM việc làm, nhà trọ sẻ chia với người dân trong dịch COVID-19 ở TP.HCM

TTO - ATM việc làm, nhà trọ được vận hành sẽ kết nối nhu cầu giữa nhà tuyển dụng với người tìm việc, nhu cầu tìm chỗ trọ của người dân đến chủ nhà trọ.

HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên