03/07/2019 19:20 GMT+7

Voi không phải chở khách nữa, được thả về rừng làm 'du lịch nhân đạo'

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Trước tình trạng voi nhà ngày càng già yếu, mất khả năng sinh sản do phục vụ du lịch quá nhiều, Tổ chức Động vật châu Á đang nhân rộng mô hình "du lịch nhân đạo không cưỡi voi".

Voi không phải chở khách nữa, được thả về rừng làm du lịch nhân đạo - Ảnh 1.

Những chú voi được hòa mình với thiên nhiên - Ảnh: V.T.

Chiều 3-7, đại diện Tổ chức Động vật châu Á xác nhận đã đạt được thỏa thuận với Công ty TNHH Ánh Dương (Buôn Đôn, Đắk Lắk) đưa hai con voi già yếu thả vào thiên nhiên để chăm sóc, cải thiện sức khỏe.

Thỏa thuận giữa hai bên sẽ diễn ra trong 1 năm và có thể kéo dài thêm nữa.

Voi sẽ khỏe hơn

Theo đó, Tổ chức Động vật châu Á sẽ trả cho chủ voi một khoản kinh phí, đổi lại hai con voi cái P'Lú (60 tuổi) và Bun Kon (37 tuổi) của Công ty Ánh Dương sẽ được đưa vào Vườn quốc gia Yok Đôn tự do kiếm ăn, đi lại, sinh sống, không phải chở du khách nữa.

Theo đại diện Tổ chức Động vật châu Á, voi được thả vào rừng tự do kiếm ăn sẽ giúp chúng cải thiện thể trạng, sống lâu hơn, tăng khả năng sinh sản, tránh nguy cơ tuyệt chủng voi nhà tại Đắk Lắk.

Đại diện Công ty Ánh Dương cho biết đơn vị có 6 con voi phục vụ du lịch và đã cho hai con tham gia chương trình du lịch thân thiện. Trong tương lai, đơn vị muốn cho cả 6 chú voi cùng tham gia mô hình này.

Voi không phải chở khách nữa, được thả về rừng làm du lịch nhân đạo - Ảnh 2.

Thay vì cưỡi voi, hiện nay du khách đã tham gia mô hình du lịch thân thiện, theo dấu, trải nghiệm với voi - Ảnh: V.T.

Trước đó, vào tháng 7-2018, Tổ chức Động vật châu Á đã tài trợ 65.000 USD cho Vườn quốc gia Yok Đôn để triển khai mô hình này trong 5 năm, từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2023.

Theo đó, vườn đã thả 3 con voi của mình để tham gia các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của voi như đưa voi trở lại rừng để chúng tự do đi lại, kiếm ăn và khai thác du lịch thông qua việc quan sát, tìm hiểu cuộc sống của voi trong môi trường thiên nhiên hoang dã.

Bên cạnh đó, Tổ chức Động vật châu Á cũng góp phần hỗ trợ Vườn quốc gia Yok Đôn phát triển, mở rộng hoạt động du lịch thân thiện với voi mà đơn vị này đang triển khai, nâng tổng số voi tham gia hoạt động này lên 6 con (3 con của Yok Đôn, 2 con của Ánh Dương và 1 con của người dân).

Voi không phải chở khách nữa, được thả về rừng làm du lịch nhân đạo - Ảnh 3.

Voi được thả về rừng, được chăm sóc thì sức khỏe sẽ cải thiện. Trong ảnh là chú voi bị dính bẫy, gần đứt lìa chân, vòi được Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk chăn thả trong rừng, chăm sóc mấy năm qua, nay đã bình phục - Ảnh: TRUNG TÂN

Thay đổi dần nhận thức của người dân

Ông Nguyễn Tuấn Linh - giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn - cho biết sau 1 năm triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi, bước đầu suy nghĩ, nhận thức của người đi du lịch tại Buôn Đôn đã cải thiện.

"Du khách đến vườn tham gia các hoạt động như đạp xe, thăm rừng khộp, theo dấu chân để tìm voi đang được thả trong rừng sâu. Những trải nghiệm này đã đem đến cho du khách nhiều thích thú, thay vì ngồi lên lưng voi đi vòng vòng 5-10 phút", ông Linh nhận định.

Voi không phải chở khách nữa, được thả về rừng làm du lịch nhân đạo - Ảnh 4.

Theo các chuyên gia, việc voi phải tham gia lao động, phục vụ du lịch quá nhiều là một trong những nguyên nhân suy giảm số lượng loài voi - Ảnh: TRUNG TÂN

Còn ông Nguyễn Tam Thanh - cán bộ phúc lợi Tổ chức Động vật châu Á - cho biết mô hình du lịch không cưỡi voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn được triển khai từ năm 2018 là mô hình du lịch thân thiện với voi đầu tiên ở Việt Nam. 

"Chúng tôi sẽ sớm sơ kết, đánh giá hiệu quả chương trình và hoàn thiện hơn nữa để mô hình này phát triển bền vững và có thể mở rộng trong tương lai", ông Thanh thông tin.

Cũng theo ông Thanh, để thực hiện chương trình du lịch thân thiện với voi cần có điều kiện rừng tự nhiên để voi có thể được tự do, có cơ hội thể hiện các hành vi, tập tính tự nhiên như tại Vườn quốc gia Yok Đôn.

Voi không phải chở khách nữa, được thả về rừng làm du lịch nhân đạo - Ảnh 5.

Trong cách làm du lịch cũ, không chỉ bị hành hạ như ăn ít, bị cưỡi thường xuyên, voi còn bị nhổ lông đuôi, cưa ngà. Trong ảnh: một chú voi ở khu du lịch Bản Đôn bị vặt trụi lông đuôi để làm nhẫn lông đuôi voi - Ảnh: TRUNG TÂN

"Mong muốn của tổ chức là mô hình này được mở rộng tại nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước và không chỉ dành cho voi, mà còn cho các loài động vật hoang dã khác", ông Thanh bày tỏ.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, năm 1980 tỉnh này có hơn 500 con voi nhà khỏe mạnh, nhưng nay chỉ còn khoảng 40 con già yếu, khả năng sinh sản kém do phải lao động cật lực, ăn uống kém…

Voi không phải chở khách nữa, được thả về rừng làm du lịch nhân đạo - Ảnh 6.

Một chú voi khỏe mạnh khi hòa mình vào thiên nhiên - Ảnh: TRUNG TÂN

Video: Thả hai cá thể voi về với môi trường tự nhiên

TTO - Ngày 2-7, Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết vừa thả voi về với môi trường tự nhiên. Đây là hai con voi có một thời gian dài được nuôi ở nhà dân với mục đích phục vụ khách du lịch.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên