Ricardo, chủ một nhà hàng, buông ra một tràng cười phóng đại: “Hahaha!” Đây là cách người ta phản ứng khi ta nói với họ ta tin rằng trái đất… phẳng, ông nói.
Nhà hàng của ông đã trở thành nơi “tập kết” của những người chia sẻ quan điểm với ông, những người không tin trái đất hình cầu.
“Có hai điều tôi biết chắc, thứ nhất là một ngày nào đó tôi sẽ chết, và hai là trái đất phẳng,” Ricardo công nhận.
Theo ước tính của hãng thu thập thông tin Datafolha, có 7% người dân Brazil tin rằng trái đất phẳng. Một con số không hề nhỏ.
Trong một xã hội hiện đang rối ren bởi hậu-chân lý, bài-tri thức, chủ nghĩa hoài nghi về khí hậu dưới thời tổng thống Jair Bolsonaro theo khuynh hướng cực hữu, ảnh hưởng của thiểu số 7% này cũng không hề nhỏ.
Một trong những nhà lý luận nổi tiếng nhất và cũng sai lệch nhất của Bolsonaro, nhà văn và cựu chiêm tinh gia Olavo de Carvalho, cho rằng ông “không thể phủ định” lý thuyết Trái đất phẳng.
Cộng đồng 7% này sinh hoạt bằng những dòng tin nhắn mã hóa bí mật tới hoang tưởng trên Whatsapp, hay các nhóm Facebook chỉ tham gia khi có thư mời, và đặc biệt trên Youtube, với những kênh video có hàng vạn người theo dõi.
Theo Anderson Neves, 50 tuổi, trái đất có hình dạng phẳng và không xoay, mặt trời và mặt trăng nằm gần với thế giới, bên trong một mái vòm bao lấy hành tinh của chúng ta.
Từ nhận định này nảy sinh ra vô vàn những diễn giải về vật lý, quang học và cả Kinh Thánh, chối bỏ mọi bằng chứng ngược lại bằng cách cho chúng là âm mưu.
Những người Brazil tin rằng trái đất phẳng hầu hết là nam giới, theo Cơ Đốc hoặc theo Thiên Chúa Giáo dựa trên Phúc Âm, và có học vấn thấp, cũng theo Datafolha.
Họ cũng cảnh báo chứ bao giờ đánh đồng giáo dục với tri thức.
“Những ai tin vào thuyết Trái đất phẳng là những người khôn ngoan nhất!” Neves khẳng định, chối bỏ những “thuyết bịa đặt” của Newton hay Copernicus.
“Ngụy khoa học đã làm cho hệ thống giáo dục khắp thế giới mục ruỗng. Trái đất có hình cầu chính là lời nói dối vĩ đại nhất của con người, do tầng lớp tinh hoa quyết đoạt.”
“Cứ nhìn vào đường chân trời mà xem. Cứ trèo lên một ngọn núi mà chụp ảnh. Ta sẽ thấy trái đất không hề cong,” Neves quả quyết.
Giống như ông, những người tin vào thuyết trái đất phẳng cũng trang bị cho mình nhiều nghi vấn: Nếu trái đất quay với vận tốc 1700 km một giờ quanh xích đạo, tại sao nó không khiến cho mọi thứ bay khỏi theo lực li tâm? Nếu trái đất là hình cầu, tại sao chúng ta không thể nhìn thấy đường cong của nó khi đi trên máy bay?”
Họ không tin tưởng vào các không ảnh chụp từ không gian, hay các câu trả lời của các khoa học gia về trọng lực, con lắc Foucalt, cũng như hai ngàn năm quan sát bầu trời.
“Chúng ta biết rằng trái đất không phẳng từ thời Galileo, từ đầu thế kỷ 17. Nhưng người Hy Lạp cổ đại đã nghiệm ra điều này từ hơn 2000 năm về trước,” nhà thiên văn học Roberto Costa, ĐH Sao Paulo cho biết.
“Với giới khoa học, thuyết trái đất phẳng giống như một chủ đề cho các nhà tâm lý học hay xã hội học nghiên cứu. Hình dạng của trái đất chẳng bao giờ là vấn đề đối với các nhà thiên văn.”
Tuy nhiên, một trong những người theo thuyết trái đất phẳng nổi tiếng nhất Brazil là Afonso de Vasconcelos, một nhà địa vật lý có bằng tiến sĩ cũng tại ĐH Sao Paulo.
Vasconcelos hiện đang sống tại Mỹ, quê hương của một cộng đồng tin tưởng thuyết trái đất phẳng hùng hậu chẳng kém. Mới đây, một người vừa qua đời vì tìm cách tự bắn mình lên cao 1500 mét bằng tên lửa tự chế.
Trang Youtube True Science (Khoa học chân chính) của Vasconcelos là nơi ông nêu ý tưởng của mình cho 345.000 người theo dõi.
Một trong những mục tiêu ưa thích của người theo thuyết trái đất phẳng chính là… NASA. Họ kết tội hãng hàng không vũ trụ của Mỹ đã “giả mạo vụ đổ bộ mặt trăng.”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận