Ông Hồ Tấn Dương - chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP.HCM - ký kết hợp tác với nhà thiết kế Võ Việt Chung - Ảnh: T.T.D.
Sự kiện có sự tham gia của các nhà thiết kế thời trang, chuyên gia về giáo dục, doanh nhân như: nhà thiết kế Võ Việt Chung, giáo sư Julia Gaimster - trưởng khoa thiết kế và truyền thông Đại học RMIT Việt Nam, ông Hồ Tấn Dương - chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP.HCM, Đường Thu Hương, Thanh Mai, siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung, Vũ Thu Phương…
Dịp này, Hiệp hội Thiết kế TP.HCM ký kết hợp tác với nhà thiết kế Võ Việt Chung 3 dự án về thời trang, góp phần xây dựng và phát triển ngành thời trang Việt Nam trong tương lai.
Đó là chương trình truyền hình thực tế Nhà thiết kế thời trang tương lai Việt Nam, Vietsilk International Fashion Week (Tuần lễ thời trang quốc tế lụa Việt), Heritage Fashion Design Award (Giải thưởng thiết kế di sản thời trang) - giải thưởng thường niên dành cho các nhà thiết kế thời trang.
Nhà thiết kế Võ Việt Chung cho biết anh ấp ủ 3 dự án này cách đây 12 năm khi có dịp tham dự tuần lễ thời trang tại Malaysia và Thái Lan. Khi về nước, anh đã mua bản quyền quốc tế và đăng ký bản quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đợt dịch vừa qua, Võ Việt Chung cảm nhận cuộc sống vô thường nên anh muốn làm ngay các dự án về thời trang cho thế hệ sau.
Nói với Tuổi Trẻ Online về cuộc thi Nhà thiết kế thời trang tương lai Việt Nam, Võ Việt Chung cho biết: "Ngoài đào tạo kỹ năng, ban tổ chức cuộc thi còn kết nối tìm học bổng cho các em học thành tài, có công việc ổn định. Đây là cách thức trao cần câu, hành trang vào đời vững chắc cho các em".
Điểm mới của cuộc thi là thực hiện dưới dạng truyền hình thực tế thông qua khai thác những câu chuyện thú vị của các bạn trẻ, từ đó tìm ra 30 thí sinh vào vòng chung kết. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ tìm kiếm cơ hội việc làm cho thí sinh sau cuộc thi.
"Nghệ thuật không giới hạn tuổi tác. Chính vì thế, cuộc thi này cũng có bảng thi dành cho người lớn tuổi tiếp tục theo đuổi ước mơ do hồi trẻ không có điều kiện thực hiện" - Võ Việt Chung chia sẻ thêm.
Nhà thiết kế Võ Việt Chung dành hết tâm huyết cho các dự án thời trang lần này
Tuần lễ thời trang quốc tế lụa Việt cũng được Võ Việt Chung thai nghén khá lâu. Trong lần tổ chức này, anh muốn thực hiện khác với các tuần lễ thời trang hiện có tại Việt Nam. Anh chú trọng giới thiệu trang phục truyền thống của các nước để tôn vinh giá trị lụa. Dự kiến trong lần đầu tiên tổ chức có 10 quốc gia tham gia như Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar…
Ngoài trình diễn thời trang, tuần lễ thời trang còn có các buổi tọa đàm với đồng nghiệp trong và ngoài nước; trưng bày những phát minh, sáng kiến mới về thời trang, điển hình như lụa làm từ tơ củ sen; đặc biệt đây còn là nơi để các nhà thiết kế được gặp gỡ trực tiếp khách hàng, đối tác giao thương sau này. Dự kiến tuần lễ thời trang thực hiện hai mùa xuân hạ, thu đông mỗi năm.
Ngoài ra, Giải thưởng thiết kế di sản thời trang dự kiến được tổ chức thường niên, tôn vinh các nhà thiết kế có cống hiến, nhà thiết kế tương lai, ca sĩ ăn mặc có sức ảnh hưởng giới trẻ, giải thưởng cho nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia hay chuyên gia trang điểm… có đóng góp cho ngành thời trang.
Thời trang hướng đến tối giản, bảo vệ môi trường
Cũng trong chiều nay, nhà thiết kế Võ Việt Chung, Đường Thu Hương, Vũ Cẩm Nhung, Thanh Mai, Vũ Thu Phương và các khách mời tham gia diễn đàn chủ đề "Xu hướng và tổng quan thị trường kinh doanh thời trang 2022".
Các diễn giả tham gia diễn đàn về thời trang
Võ Việt Chung cùng các diễn giả đã chia sẻ về những câu chuyện thực tế, khó khăn khi vượt qua dịch bệnh, đồng thời chia sẻ những xu hướng, cơ hội mới của thị trường kinh doanh thời trang Việt Nam sắp tới.
Đại dịch đã và đang ảnh hưởng, tác động đến ngành công nghiệp thời trang, nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng khác trước. Người dân hạn chế mua sắm hơn trước, chuộng phong cách thời trang tối giản, kết hợp sáng tạo những trang phục hiện có với nhau.
Diễn đàn cũng đề cập đến thời trang hướng đến bảo vệ môi trường, trong đó có nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Ông Enrico Padula - tổng lãnh sự Ý tại TP.HCM - đánh giá cao về chất lượng vải. Chất lượng vải có đảm bảo thì sản phẩm mới thật sự có giá trị. Việt Nam với nhiều loại vải, nhà thiết kế tha hồ khai thác, sáng tạo, có thể vươn ra thị trường quốc tế.
Còn giáo sư Julia Gaimster - trưởng khoa thiết kế và truyền thông Đại học RMIT Việt Nam - chia sẻ về vấn đề đạo đức trong thiết kế, để tạo ra sản phẩm đẹp đồng thời có giá trị thật sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận