Cá tra dầu 230kg được một nhà hàng ở TP.HCM mua về xẻ thịt - Ảnh: MINH TÚ
Theo quyết định số 82 của Bộ NN&PTNT ban hành năm 2008, loài cá hô, cá tra dầu, cá vược, cá sủ, cá anh vũ... đều thuộc loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam, cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Sau chín năm công bố danh sách này, việc buôn bán, xẻ thịt các loài thủy sinh quý hiếm vẫn liên tục diễn ra.
Công khai quảng bá
Đầu năm 2016, một nhà hàng ở TP.HCM mua được ba con cá thuộc diện nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ khẩn cấp, gồm: cá hô nặng 80,5kg, cá trà sóc nặng 51kg và cá tra dầu nặng 201kg.
Đây là số cá được ngư dân Đồng Tháp và An Giang bắt ở sông Tiền, đoạn giáp sông Vàm Nao.
Dù ba loại cá này nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng cao nhưng vẫn được buôn bán công khai. Chủ nhà hàng thậm chí còn tổ chức truyền thông, quảng cáo xẻ thịt trước ống kính của nhiều tay chụp hình.
Tương tự, một nhà hàng rao trên mạng mua được cá anh vũ trọng lượng 5-7kg từ Tây Nguyên và mổ ngay tại chỗ cấp đông mang về Hà Nội. Chủ nhà hàng này còn khẳng định khách có nhu cầu mua cá sẽ được cung cấp đầy đủ.
Tháng 8-2016, một con cá sủ vàng nặng 3,8kg, dài gần 1m bị một ngư dân tỉnh Bến Tre thả lưới trên sông Tiền bắt được. Sau khi có thông tin, nhiều thương lái đổ về ngả giá hàng trăm triệu đồng để mua cho bằng được con cá.
Đây cũng là loại cá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao trên toàn thế giới nhưng không có ai ngăn chặn chuyện mua bán.
Một số cơ quan báo chí còn hào hứng đăng tin và đẩy giá trị cá lên cao khi cho rằng con cá nêu trên còn hơn cả con cá sủ vàng mà ngư dân Quảng Bình bắt trước đó bán với giá 500 triệu đồng.
Tháng 11-2016, một ngư dân ở tỉnh Vĩnh Long bắt được một con cá hô nặng hơn 125kg. Khi mắc lưới con cá còn sống nhưng không có cơ quan chức năng can thiệp kịp thời. Kết cục, con cá được một thương lái ở Tiền Giang mua với giá 314 triệu đồng.
Không kiểm soát sẽ tuyệt chủng
ThS Huỳnh Quang Thiện, chuyên gia ngư loại học - Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết những loài cá nói trên nằm trong danh mục đỏ, do Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) công bố.
Trong đó, cá tra dầu và cá hô đang cực kỳ nguy cấp, cần nghiêm cấm đánh bắt và bảo vệ tối đa. Cá chiên, cá vược, cá sủ, cá anh vũ... cũng cần được bảo tồn tương tự.
"Những loài cá này cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhưng cho đến nay việc đánh bắt, buôn bán diễn ra liên tục, gần như không có cơ quan công quyền nào ngăn chặn, xử lý dù luật pháp có quy định rõ ràng" - ThS Thiện nói.
Theo ThS Thiện, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) quy định rất nghiêm ngặt về việc đánh bắt, buôn bán các loại cá đang đứng trước tình trạng tuyệt chủng.
"CITES công bố danh sách 5.000 loài động vật thuộc nhóm nguy cấp, các loài cá trong sách đỏ Việt Nam đều có tên. Việt Nam có tham gia công ước nhưng vẫn để tình trạng buôn bán, xẻ thịt công khai. Trong khi đó, CITES có nêu rõ việc buôn bán, trao đổi cần phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu cấp bởi cơ quan quản lý CITES của nước xuất và nước nhập" - ThS Thiện nhấn mạnh.
ThS Hoàng Anh Tuấn - chuyên gia ngư loại học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - cũng cho rằng việc đánh bắt các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng diễn ra khá phổ biến.
Nguyên nhân là do người dân thiếu ý thức, các cấp chính quyền bỏ ngỏ việc tuyên truyền để người dân cùng chung tay bảo vệ.
"Với tình trạng như vậy, cá quý bị tuyệt chủng là đương nhiên. Hiện Việt Nam không còn cá tra dầu. Số cá người dân bắt được phần lớn theo dòng Mekong từ khu vực giáp ranh biên giới Lào - Campuchia trôi về nước ta. Vậy mà khi thấy người dân đánh bắt, mua bán, báo chí đăng tin ầm ầm, không thấy sự can thiệp nào từ phía chính quyền cũng như cơ quan chức năng" - ThS Tuấn nói.
Luật sư Phạm Hoài Nam
Phạt 500 triệu đồng, tù 7 năm
Luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể về xử lý việc đánh bắt, mua bán cá thuộc danh mục sách đỏ.
Chiếu theo những quy định này, người đánh bắt và mua bán có thể bị xử phạt hành chính với mức cao nhất là 500 triệu đồng.
"Trường hợp giết hại những loài cá thuộc danh mục loài quý hiếm được ưu tiên bảo vệ thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 190 Bộ luật hình sự với mức cao nhất là 7 năm tù" - luật sư Nam nói.
Không chỉ người đánh bắt mà cả người mua bán cũng vi phạm luật pháp.
Theo quy định tại khoản 3, 4, điều 7 nghị định 103/2013, mức phạt đối với một trong các hành vi mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng nếu khối lượng thủy sinh từ 30kg trở lên.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tịch thu thủy sinh quý hiếm và sản phẩm của chúng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 1 - 3 tháng, buộc thả số thủy sinh quý hiếm còn sống trở lại môi trường sống, chuyển giao số thủy sinh quý hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận