22/09/2022 07:31 GMT+7

'Vô tư biến cao tốc thành đường tập, các cua rơ đang tự hại mình và hại người khác'

TRÚC QUỲNH
TRÚC QUỲNH

TTO - Chẳng ai cấm người dân tập thể dục nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, nếu các cua rơ vô tư biến đường cao tốc thành "đường tập" thì việc đạp xe vô tình trở thành một "bộ môn thể thao mạo hiểm", tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trầm trọng.

Vô tư biến cao tốc thành đường tập, các cua rơ đang tự hại mình và hại người khác - Ảnh 1.

Một đoàn xe đạp chạy vào làn ô tô trên đường Phạm Văn Đồng - Ảnh: MINH HÒA

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo giới thiệu ý kiến này của bạn đọc Trúc Quỳnh.

"Thời gian gần đây, việc sử dụng xe đạp để rèn luyện sức khỏe chắc không còn xa lạ với những người hay lưu thông trên các tuyến đường ở TP.HCM.

Nếu chỉ đơn thuần vì mục đích sức khỏe thì sẽ chẳng có điều gì đáng bàn cãi về các cua rơ này. Điều đáng lưu tâm là họ không chỉ cố tình đạp xe dàn hàng, chiếm dụng hết làn đường của các xe cùng chiều, nhiều người đạp xe thể dục còn xem thường mọi nguy hiểm, lấn hết cả làn đường vốn dành cho các xe đi chiều ngược lại.

Cá nhân tôi trong một lần di chuyển lúc sáng sớm trên đường đã bị lạc tay lái, dẫn đến ngã ra đường do né ba người đạp xe đạp thể dục hiên ngang dàn hàng, đi ngược chiều chiếm hết làn đường của xe máy.

Rất may mắn là khi đó trời vừa sáng, đường phố chưa có nhiều xe cộ qua lại nên tai nạn của tôi chỉ dừng ở mức trầy xước tay chân chứ không có gì trầm trọng. Nhưng tâm trạng bất an khi gặp các cua rơ trên đường thì vẫn luôn thường trực.

Hoặc như trường hợp của anh đồng nghiệp của tôi lúc điều khiển ô tô gặp phải các cua rơ nên luôn phải di chuyển thật chậm.

Theo như anh đồng nghiệp của tôi chia sẻ thì các cua rơ khi biết có ô tô phía sau chẳng những không có động thái nhường đường mà còn thản nhiên đi nghênh ngang khiến xe của anh đồng nghiệp và nhiều xe khác phải chấp nhận di chuyển chậm trên đoạn đường rất dài, đến khi những người này tách khỏi làn đường và chuyển hướng mới có thể vượt lên.

Thậm chí, có lần lái ô tô trên đường cao tốc, anh bắt gặp đoàn người đạp xe vào làn xe chạy với tốc độ cao nhất. Cá nhân anh đồng nghiệp của tôi rất bức xúc vì thái độ thiếu ý thức này.

Chỉ cần không cẩn thận một chút, hành động trên có thể gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng của bản thân và người khác.

Chưa kể đến việc chạy sau hoặc bên cạnh xe tải, xe container cực kỳ nguy hiểm do xe có thể dừng lại và theo quán tính hàng trên xe container có thể xoay rớt xuống đường. Khi rơi vào điểm mù của xe tải, xe container, người lái xe sẽ không nhìn thấy các cua rơ nên dễ gây tai nạn khi rẽ hoặc dừng.

Dù nhiều nguy hiểm là thế nhưng cua rơ đạp xe thể dục lại thường lựa chọn đại lộ hay cao tốc để luyện tập. Những tuyến đường này đa phần đều rộng, không ùn tắc, chẳng cần phải bon chen.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp, giải pháp này thường được nhiều cua rơ ưu tiên lựa chọn. Thêm vào đó, những cua rơ này thường biện minh rằng đạp xe sáng sớm trong khung cảnh đường vắng, ít phương tiện qua lại thì không thể xem đó là cái cớ xem thường và vi phạm luật giao thông.

Thiết nghĩ, chẳng ai cấm người dân tập thể dục nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, không nên vì thế mà gây ảnh hưởng người khác, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trầm trọng.

Nếu các cua rơ vô tư biến đường cao tốc thành "đường tập" thì việc đạp xe vô tình trở thành một "bộ môn thể thao mạo hiểm".

Thậm chí, khi phát hiện lực lượng chức năng, các thành viên trong đoàn đạp xe còn nhanh chóng thông báo cho nhau qua mạng xã hội để những người khác thay đổi hành trình di chuyển, quay đầu, hoặc khiêng xe, đi bộ vào lề đường.

Cá nhân tôi trước đây đã từng sống ở Singapore và nhận thấy những người đi xe đạp vi phạm luật giao thông tại quốc gia này trong những năm gần đây sẽ phải nộp phạt 150 SGD (2,5 triệu đồng), cao gấp đôi so với mức 75 SGD (1,27 triệu đồng).

Mức phạt khắt khe này cũng áp dụng cho các vi phạm như không dừng đèn đỏ, đi xe đạp vào đường cao tốc hoặc lái xe dàn ngang trên đường một làn.

Chính nhờ quy định nghiêm ngặt như thế nên dù có nhiều người sử dụng xe đạp nhưng tình hình giao thông ở Singapore vẫn được đảm bảo an toàn và nghiêm ngặt.

Từ thực tế ở nước ngoài, bản thân tôi được biết tại Việt Nam ta cũng có những quy định dành cho người đi xe đạp.

Cụ thể, theo nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính những cá nhân sử dụng xe đạp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.

Đặc biệt, nếu người vi phạm không xuất trình được giấy tờ liên quan vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ phương tiện.

Dù nhiều quy định là thế nhưng các cua rơ tại Việt Nam vẫn viện nhiều lý do không tuân thủ an toàn, gây ảnh hưởng đến người lưu thông trên đường.

Rất mong các ban ngành chính quyền sẽ có giải pháp cũng như tăng cường nhiều mức phạt để họ nghiêm túc hơn trong quá trình luyện tập thể thao bằng xe đạp".

Bạn từng là nạn nhân của các cua rơ ngông nghênh? Theo bạn, làm cách nào để giải quyết triệt để vấn nạn này? Cần bổ sung giải pháp nào để người đạp xe thể thao có sân chơi nhưng không vi phạm luật giao thông?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected][email protected]. Cảm ơn bạn!

'Thuốc' nào trị cua rơ phóng 'vèo vèo', vượt đèn đỏ?

TTO - Tập luyện thể thao tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, lợi dụng mục đích tốt này, một số người phóng xe đạp bất chấp luật giao thông, xem thường tính mạng mình và người khác. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online hiến kế trị căn bệnh ngông nghênh này.


TRÚC QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên