21/12/2015 10:30 GMT+7

Võ Tấn Thành: người tái hiện hình ảnh liệt sĩ tuổi 20

HÀ MI
HÀ MI

TT - Nhiều người thân của liệt sĩ khi vừa nhìn thấy bức ảnh do ông phục dựng đã bật khóc nức nở như vừa tìm thấy người thân.

Chân dung anh hùng Điểu Cải được họa sĩ Thành phục dựng sau thời gian dài xác minh và thu thập thông tin - Ảnh: H.M.
Chân dung anh hùng Điểu Cải được họa sĩ Thành phục dựng sau thời gian dài xác minh và thu thập thông tin - Ảnh: H.M.

Không những đưa tội phạm ra ánh sáng, ông còn phục dựng nhiều chân dung liệt sĩ hi sinh khi còn rất trẻ. Ông giúp gia đình các anh có một tấm hình tươm tất để đặt lên bàn thờ. 

Vẽ chân dung từ lời kể sau... 45 năm

Trong căn nhà của ông, bên cạnh giá vẽ bao giờ cũng có một chiếc bàn để lư hương nghi ngút khói. Ông bảo đó là nơi mà thân nhân của liệt sĩ đến nhà ông thắp nhang như một nghi lễ trước khi mang di ảnh được ông phục dựng thành công ra về.

Năm 2014, với nhiều năm có kinh nghiệm phác họa nhân dạng qua lời kể, tỉnh Đồng Nai đã mời ông phục dựng chân dung anh hùng liệt sĩ Điểu Cải (1949-1969), người dân tộc Chơ Ro.

Những thông tin được mang đến cho họa sĩ Thành cho biết: anh hùng Điểu Cải là thành viên đội du kích xã Túc Trưng (nay thuộc huyện Định Quán) đã dũng cảm mưu trí trong nhiều trận đánh Mỹ.

Năm 1969, Điểu Cải làm xã đội trưởng, chỉ huy đồng đội tham gia một trận đánh ở địa phương và anh dũng hi sinh. Điểu Cải cùng đồng đội đã tiêu diệt nhiều lính Mỹ và bắn rơi hai máy bay, phá hủy ba xe tăng.

Ngày 6-11-1978, anh hùng liệt sĩ Điểu Cải được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau 45 năm ngày anh hùng người Chơ Ro Điểu Cải hi sinh, chính quyền đã xây nên một trường THPT mang tên Điểu Cải. Nhưng thật buồn là không ai có thể hình dung được khuôn mặt của người anh hùng.

Ngay cả gia đình ông cũng không còn ai nên việc phục dựng chân dung ông để thờ và giáo dục truyền thống đã gặp không ít khó khăn. Những người bà con xa của liệt sĩ cũng lớn tuổi lúc nhớ lúc quên.

Vì vậy, chính quyền phải tìm kiếm, kết nối đồng đội, người thân quen có biết anh hùng Điểu Cải để thu thập thông tin.

Họa sĩ Võ Tấn Thành được giao nhiệm vụ “phục dựng chân dung anh hùng liệt sĩ Điểu Cải qua lời kể”. Nhận nhiệm vụ khó khăn này, ông đã vác balô lặn lội khắp vùng xã Túc Trưng, quê hương Điểu Cải và cũng là nơi ông hi sinh.

Họa sĩ Thành đã tìm gặp cho được những người còn nhớ khuôn mặt liệt sĩ Cải để nghe họ kể và ghi chép lại. Hết ngày này qua ngày khác, hết chuyến đi này lại đến chuyến đi khác, hết băng rừng lại lội suối. Cái khó là hầu như không ai hình dung được trọn vẹn khuôn mặt liệt sĩ.

“Nhiều nhân chứng già yếu, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng dù chỉ một vài chi tiết cũng đã là chất liệu quý. Tôi tổng hợp, phân tích và vẽ phác họa bằng bút chì với nhiều góc khác nhau để nhận diện” - ông Thành nói.

Vẽ một chân dung anh hùng hi sinh khi còn quá trẻ, lại thiếu nhiều dữ liệu nên không ít áp lực đối với họa sĩ Thành. Rồi ông chốt được một điểm chung mà các nhân chứng nói đến nhiều nhất là chiếc cằm dài và chẻ cong.

Ông lấy điểm nhấn này và phác thảo chiều dọc, chiều ngang để thấy rõ đường cong rồi chuyển qua vẽ trực diện để mọi người xem, cho ý kiến.

Nhưng để khách quan, sau mỗi lần ông phác họa các góc chân dung anh hùng Điểu Cải ông không ghi tên, không nói cho mọi người biết là hình vẽ ai.

Sau đó, chính quyền cho mời những người từng có biết, có thấy Điểu Cải để nhận diện từng khuôn hình.

Ròng rã phác họa một tháng, chính quyền huyện Định Quán và đồng đội, bạn bè mới chọn ra chân dung được phục dựng hoàn hảo nhất và ghi vào biên bản: chân dung anh hùng liệt sĩ Điểu Cải có độ giống 98%, giống như hình ảnh thật lúc ông sinh thời.

Rồi di ảnh liệt sĩ Điểu Cải ra đời từ bàn tay tài hoa của họa sĩ Thành đã được các thế hệ mang ra tri ân trong lễ kỷ niệm 67 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Đến nay, trong phòng truyền thống huyện Định Quán và Trường THPT Điểu Cải đã có di ảnh anh hùng liệt sĩ Điểu Cải...

Chân dung các liệt sĩ được phục dựng từ lời kể người thân và đồng đội - Ảnh: H.M.
Chân dung các liệt sĩ được phục dựng từ lời kể người thân và đồng đội - Ảnh: H.M.

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Họa sĩ Thành bộc bạch: “Sau chiến tranh, chúng ta có quá nhiều mất mát. Rất nhiều người thân các liệt sĩ tìm đến tôi nhờ phục dựng chân dung để có tấm ảnh thờ phụng. Có những gia đình liệt sĩ 30-40 năm tìm được hài cốt rồi nhưng không có hình lưu lại, không có hình ảnh để thờ. Có nhiều trường hợp con cháu không biết mặt nên người thân vẫn hay đau đáu khi đứng trước bia mộ, bàn thờ”.

Nhìn người thân liệt sĩ càng thôi thúc ông làm việc cần mẫn, tỉ mỉ để làm sao các lời kể, mô tả chân thực nhất được tái hiện qua những nét phác họa.

Ông tâm sự: “Nói thì nghe đơn giản nhưng để phác họa một chân dung qua lời kể tôi phải nghiên cứu kết hợp rất nhiều phương pháp của ngành giải phẫu học, tâm lý học, nhân chủng học...”.

Nhắc đến thành công của ông không thể không kể đến việc tái tạo chân dung từ một tấm hình mờ ảo và một chiếc hộp sọ gia đình chụp lại khi cải táng.

Đó là vào khoảng tháng 8-2008, ông Võ Văn Khởi từ Sóc Trăng lên tìm gặp họa sĩ Thành. Ông cầm theo một tấm hình 3x4 mờ ảo, được đồng đội của cha mình cung cấp. Ông Thành nhìn thấy tấm ảnh nhỏ, nhưng không có cách nào nhìn ra khuôn mặt thật. Ảnh quá mờ.

Ông Khởi cho biết cha mình là liệt sĩ Võ Văn Đinh, bị đánh đập, tra tấn rồi hi sinh năm 1972 và được an táng tại nghĩa trang Phú Quốc. Từ các lời kể, họa sĩ Thành thu thập thêm thông tin khác, chi tiết khác từ đồng đội của liệt sĩ Đinh.

Họa sĩ Thành ngồi lặng lẽ trong nhiều ngày phác họa bằng bút chì, rồi xử lý trên máy tính nhiều lần để ra bức chân dung của liệt sĩ Đinh. Khi ông Khởi quay trở lại nhìn chân dung cha mình, ông đã ôm trên ngực bật khóc nức nở.

Năm 2008, một dược sĩ ở TP.HCM do có thời gian đi bộ đội ở chiến trường K nên làm thất lạc toàn bộ hình ảnh người cha của mình. Không có lấy một tấm hình cha để thờ, dược sĩ này đã đem bức ảnh chụp xương hộp sọ lúc cải táng cha mình đến họa sĩ Thành nhờ phục dựng.

Họa sĩ Thành kể: “Lúc đó tôi nhận một tấm ảnh rất mờ và thiếu nhiều thông tin. Tôi tẩn mẩn đo đạc thật kỹ lưỡng cấu tạo xương đầu theo tỉ lệ của người Việt. Trong vòng một tháng thì xong phác thảo rồi mời người nhà liệt sĩ lên nhận diện để chỉnh sửa vài lần. Khi hoàn thành, vị dược sĩ và người thân đến nhà vừa thấy chân dung cha mình như nhìn thấy cụ lúc sinh thời nên đã bật khóc”.

Những giọt nước mắt hạnh phúc bên di ảnh không ít lần rơi xuống trong căn nhà nhỏ của ông. Cũng phải thôi, họ vừa gặp lại người thân sau bao nhiêu năm xa cách!

Giữa năm 2015, vì đau đáu với người em trai khuất mặt mà không có một tấm di ảnh nào để thờ, bà Lê Thị Hiến (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) cũng đã tìm đến nhà họa sĩ Thành. Bà Hiến cho biết bà có người em trai là liệt sĩ Lê Văn Ba hi sinh năm 1968.

47 năm qua, sợ em giá lạnh, bà lặn lội khắp nơi để mong được đưa hài cốt người em trai về an táng nhưng tất cả đều vô vọng. Điều mong mỏi của bà là muốn họa sĩ vẽ lại một bức chân dung của liệt sĩ Ba để bà thờ cúng.

Họa sĩ Thành ngồi nghe, hỏi đặc điểm, giọng nói, dáng vóc trước khi hi sinh và đề nghị cho ông biết còn những đồng đội nào với liệt sĩ Ba không.

Sau những cuộc kết nối gặp gỡ, họa sĩ ghi chép rồi ông lần lượt phác họa để gia đình nhận dạng khuôn mặt liệt sĩ. Khi nhận được bức ảnh từ tay họa sĩ, bà Hiến đã nức nở: “Em của tôi đây mà...”.

____________

Kỳ tới: Tìm lại chân dung mẹ

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên