Phóng to |
Thạch Thanh (trái) cùng đệ tử tập bài quyền có tên Cpậy Lệnl Saneng |
Ở tuổi 40, võ sư Thạch Thanh của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã được nhìn nhận như là người đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy bộ môn võ thuật dân tộc Khơme gần như đang thất truyền trong cộng đồng người Khơme ở Nam bộ nói chung.
Con đường đến với võ thuật của Thạch Thanh bắt đầu từ truyền thống và huyền thoại. Trong những năm chống Mỹ, người dân Khơme vùng Trà Vinh luôn truyền miệng nhau về những giai thoại của ông Sơn Mỹ (bí danh của ông Sơn Quyên - ông ngoại Thạch Thanh). Đó là chuyện ông dùng miệng cắn một bao lúa chỉ xanh (khoảng 60kg), hai bên nách kẹp hai bao lúa và trên lưng vác thêm một bao (tổng cộng 240kg) nhưng vẫn ung dung đi được gần cây số.
Phóng to |
... và bài quyền có tên Bà Cà Chuốte Rịête |
Cũng như tất cả trẻ em Khơme xã Đôn Xuân (Trà Cú, Trà Vinh), Thạch Thanh cũng có những giấc mơ thành người hùng bảo vệ công lý và người cô thế như thần tượng của mình. Mới 12 tuổi, Thạch Thanh đã năn nỉ xin ông ngoại truyền thụ võ công, nhưng mới chỉ học được bốn năm, thạo 20 bài quyền thì ông Sơn Quyên mất.
Thương ông, yêu võ, chàng trai Thạch Thanh ban ngày cần cù trên sáu công ruộng của gia đình, tối về lại chuyên cần luyện võ chỉ với một nhận thức: có sức khỏe và giữ gìn “tặng phẩm” của ngoại. Rồi trong một đêm tập luyện như vậy, Thanh chợt nhận thấy vài bài quyền mà anh học chưa đủ sức mạnh, cước chỉ có một đòn, chưa đủ để hạ đối phương.
Tại sao không sử dụng cước liên hoàn để cước sau mạnh và hiểm hóc hơn cước trước nhờ dựa vào đà và lực của cước trước. Sau nhiều năm nghiền ngẫm và hệ thống lại các chiêu thức, Thanh đã ghi thêm vào kho tàng võ cổ truyền Khơme hai bài quyền mới do mình sáng chế.
Phóng to |
Do đó tôi mới lưu giữ lại trên giấy để sau này người học dễ luyện theo một cách đầy đủ, đồng thời cũng dễ nhìn vào đó sáng tạo thêm những bài quyền mới. Hiện cơ bản tôi đã viết xong phần chữ, giờ chỉ còn phần vẽ minh họa”.
Niềm đam mê võ thuật của Thạch Thanh đã lan sang cánh trai tráng và bọn trẻ trong xã Đôn Xuân. Năm 2000, bãi đất trống trước nhà đã trở thành sân võ để thầy trò cùng tập từ 7-9 giờ tối. Với ai Thạch Thanh cũng truyền dạy hết mình và không lấy một đồng thù lao nào. Điều mà Thạch Thanh rất tự hào là ba cậu con trai của anh cũng say võ như cha. Cậu con trai lớn 10 tuổi, còn cậu con trai út chỉ mới 7 tuổi nhưng đã thuộc hết các bài quyền mặc dù lực đi chưa mạnh. Hôm chúng tôi đến, cả ba biểu diễn bài quyền có tên Halamal Thoai Cròn Cụm Prems do cha mình nghĩ ra để đãi khách.
Thạch Thanh cho biết khi các con lên 6 là anh bắt đầu dạy võ cho chúng, nhưng trước khi tập đứng tấn, đi quyền, bài học đầu tiên mà anh dạy cho các con và học trò của mình lại là võ đạo. Chúng tôi muốn kiểm chứng và không chút ngập ngừng cậu con trai út của anh mới 7 tuổi đã đọc vanh vách từng điều của môn qui: “Thứ nhất: Không trộm cắp và xem thường mọi người. Thứ hai: Tôn trọng sự tín ngưỡng cổ truyền, tôn trọng những người lớn tuổi. Thứ ba: Không cướp vợ con người khác. Thứ tư: Không xảo trá, gạt người”.
Yêu võ, Thạch Thanh còn tự nguyện làm cố vấn vũ đạo võ thuật cho Đoàn nghệ thuật Khơme Ánh Bình Minh. Những thế võ cổ truyền được đưa vào các vai diễn trên sân khấu. Tiếng nhạc nền đã nâng những ngón quyền, ngọn cước của những chiêu thức thượng thừa trở thành những vũ điệu chập chờn như bướm lượn, gió vờn hoa đã giúp người xem cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong võ cổ truyền Khơme. Theo anh, qua nghệ thuật, các thế võ dân tộc dễ gần gũi hơn với người xem và từ đó tôn vinh võ học cổ truyền.
Ngồi trò chuyện với Thạch Thanh rất dễ bị lôi cuốn bởi tình yêu và kiến thức của anh với võ học. Thanh cho biết võ Khơme được đặt trên nền tảng “nguyên lý cương nhu phối triển”, những thế nhu nhuyễn với kỹ thuật dụng sức địch đánh địch. Đòn cương với những quyền cước dũng mãnh đầy uy lực áp đảo đối thủ ngay từ đầu.
Phóng to |
Thạch Thanh (phải) cùng đệ tử tập bài quyền có tên Glọt Bôt Chrăy... |
Điều thú vị là dù mới ở tuổi 40 nhưng võ sư Thạch Thanh luôn có nỗi đau đáu của người già, đó là việc lo lắng võ thuật truyền thống bị thất truyền trong cộng đồng người Khơme. Chính vì vậy, năm 2005, được sự gợi ý của Sở Văn hóa thông tin và Sở Thể dục thể thao tỉnh Trà Vinh, Thạch Thanh thành lập đội võ thuật thanh niên Khơme huyện Trà Cú gồm 30 thanh niên trong xã Đôn Xuân.
Rồi trong ngày hội “Văn hóa thể thao dân tộc Khơme Nam bộ lần 3” được tổ chức tại Trà Vinh (tháng 6-2005), đội võ thuật thanh niên Khơme huyện Trà Cú đại diện cho tỉnh nhà đã trình diễn ba bài quyền: Glọt Bôt Chrăy, Cpậy Lệnl Saneng và Bà Cà Chuốte Rịête, rất đặc sắc mà 12 tỉnh, thành trong khu vực tham gia lễ hội không có. Đội võ thuật của Thanh đã góp sức cho sự thành công của lễ hội, của nét văn hóa Khơme - sự đặc thù của miền Tây Nam bộ.
Đến Đôn Xuân dễ nhận thấy số võ sinh tham gia lớp võ miệt vườn của Thạch Thanh ngày càng tăng. Có nhiều võ sinh ngày bận đi gặt lúa mướn ở đồng xa, vụ mùa vừa xong là hối hả trở về học võ. Ông Thạch Sang - bí thư xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - cho biết thêm:
“Không chỉ cần cù trong sản xuất, dạy võ miễn phí cho các bạn trẻ, Thạch Thanh còn dạy chữ Khơme cho các em nhỏ ở các chùa Khơme. Anh đã nhận được nhiều giấy khen của UBND huyện Trà Cú và các ban ngành khác tặng như một sự ghi nhận về những đóng góp của thầy võ miệt vườn đối với xã hội”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận