Võ sư Nguyễn Văn Chiếu - Ảnh: gia đình cung cấp
16 tuổi, võ sư Nguyễn Văn Chiếu bắt đầu đến với môn phái Vovinam, với sự hướng dẫn của thầy Lê Sáng (chưởng môn phái Vovinam từ 1960-2010). Miệt mài tập luyện nên khi mới 19 tuổi, ông đã đạt đến võ sư Tam đẳng huyền đai và được cử đi dạy võ ở trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong ở TP.HCM).
Năm 1969, ông đến Quy Nhơn (Bình Định) để gầy dựng phong trào Vovinam ngay trên xứ võ. Chỉ trong 5 năm, ông đã đưa phong trào Vovinam phát triển mạnh ở đây, giúp tiếng tăm của ông cũng như Vovinam lan ra nhiều tỉnh lân cận. Cậu con trai út được ông đặt tên là Bình Định như là một kỉ niệm cho những năm tháng dạy võ tại đây.
Năm 1975, ông trở lại Sài Gòn. Khi đó, phong trào Vovinam gần như chìm xuống. Nhưng với niềm đam mê lớn với môn võ của dân tộc, ông lại gầy dựng và làm sống dậy phong trào Vovinam tại đây.
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu trao tặng sách về Vovinam cho võ sư Flores khi sang Việt Nam thách đấu - Ảnh: N.K
Không chỉ đưa Vovinam phát triển mạnh ở trong nước, ông còn là người có công lớn trong việc đưa Vovinam đến với thế giới. Sau chuyến biểu diễn thành công tại Belarus vào năm 1990, ông được các võ sinh tại Tây Ban Nha mời sang dạy vào năm 1997. Chuyến đi đó của ông cũng đã mở đường cho Vovinam vươn ra thế giới.
Sau đó ông đã đến gần 20 nước để giới thiệu, biểu diễn và truyền dạy Vovinam; góp phần đưa Vovinam phổ biến rộng rãi ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều liên đoàn Vovinam ở châu Á, châu Âu, Đông Nam Á và các nước như Nga, Đức, Iran… cũng đã được thành lập.
Ngôi nhà của ông ở Quận 8, TP.HCM cũng trở thành địa chỉ quen thuộc của các võ sinh nước ngoài mỗi khi tìm về Việt Nam trau dồi võ học. Mỗi năm, ông đón hàng chục đoàn võ sinh đến từ các nước như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Lào, Campuchia…
Nhiều võ sinh nước ngoài khó khăn về kinh phí, ông sẵn sàng cho ngủ nhờ và kêu gia đình nấu ăn cho họ trong những ngày ở Việt Nam luyện võ.
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu (ngồi xe lăn) tại cuộc họp ban chấp hành Vovinam trước đây - Ảnh: GIANG LÊ
Ngay cả khi bị mắc căn bệnh lạ khiến việc đi lại khó khăn sau chuyến sang châu Phi dạy và phát triển phong trào Vovinam, ông vẫn nỗ lực với phong trào Vovinam Việt Nam và thế giới - nơi ông đang giữ cương vị phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới và phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam.
Chính vì những đóng góp to lớn của mình, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã được kênh CNN chọn làm nhân vật cho chương trình "Human to Hero" (Từ người thường thành người hùng) hồi tháng 11-2014.
Ở chương trình "Human to Hero", ông đã bộc bạch giấc mơ mở một Học viện Vovinam: “Giấc mơ của tôi là mở một học viện Vovinam thật lớn cho tất cả mọi người trên thế giới có thể tới theo học và nghiên cứu môn võ này”.
Chỉ tiếc rằng, ông đã không thể hoàn thành giấc mơ đó cũng như tâm huyết của mình cho môn phái Vovinam khi ra đi ở tuổi 72. Không chỉ gia đình mà rất nhiều học trò, đồng môn đã không khỏi tiếc thương cho ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận