Phóng to |
Hằng ngày có rất nhiều chuyến bay đi qua các vùng chiến sự - Ảnh: Reuters |
Khi các hành khách lên chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines, họ không hề biết rằng mình sẽ bay qua vùng chiến sự ở miền đông Ukraine. Vài giờ sau ở độ cao 10.000m, chiếc máy bay Boeing 777 chở 298 người bị tên lửa đất đối không bắn rơi. Tuy nhiên đó không phải là chuyến bay duy nhất qua vùng chiến sự.
Sau thảm họa MH17, chính phủ các nước đã cấm các hãng hàng không bay qua bầu trời miền đông Ukraine.
Và sau khi một quả rôcket bay từ Gaza tới gần sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv, các hãng hàng không cũng tạm ngừng bay tới Israel. Nhưng tại những vùng xung đột khác, các chuyến bay vẫn thường xuyên qua lại. Ở Iraq, các hãng hàng không Mỹ có thể thể bay ở độ cao trên 6.000m.
Ở độ cao đó, phần lớn tên lửa thông thường trở nên vô hại. Tuy nhiên vụ MH17 cho thấy tên lửa phòng không hiện đại vẫn có thể bắn hạ máy bay ở độ cao tới 10.000m.
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng ra cảnh báo nguy hiểm về tám vùng trời khác, trong đó có Syria và Afghanistan. Tuy nhiên các hãng hàng không Mỹ vẫn có quyền bay qua không phận hai nước này nếu muốn.
Ở Iraq, nơi phiến quân ISIL đang giao tranh với quân chính phủ, mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay đi qua. Hằng ngày chuyến bay 7 của American Airlines bay từ Dubai (UAE) tới Atlanta phải bay qua Iraq.
Chuyến bay 82 của United Airlines bay qua Afghanistan khi đi từ New Jersey tới New Delhi (Ấn Độ). Sẽ rất khó để các hãng hàng không đổi đường bay bởi chi phí sẽ tăng vọt.
Trên thực tế, trong tuần lễ trước ngày máy bay MH17 bị bắn hạ, đã có 800 chuyến bay đi qua bầu trời miền đông Ukraine.
Đại diện Malaysia Airlines khẳng định hãng hàng không này đã tuân thủ quy định của Cơ quan kiểm soát giao thông hàng không châu Âu.
Sau vụ MH17, bầu trời đông Ukraine đã trở thành vùng cấm bay. Ngoài đông Ukraine, hiện có một số khu vực bị cấm bay hoàn toàn là Crimea, CHDCND Triều Tiên, bắc Ethiopia, Libya và Somalia.
“Malaysia Airlines không có lỗi khi bay qua đông Ukraine trước đó” - nhà phân tích hàng không Les Abend của CNN khẳng định.
Chuyên gia Brian Jenkins thuộc tổ chức Rand Corporation nhấn mạnh với quá nhiều cuộc đột vũ trang xung đột từ Tây Phi cho đến Trung Á, sẽ là phi thực tế nếu buộc các hãng hàng không phải tránh hoàn toàn các vùng xung đột. Chuyên gia John Pike thuộc trang Global Security cho biết hiện có 50-60 nước sở hữu hệ thống tên lửa phòng không tương tự tên lửa bắn rơi máy bay Malaysia Airlines.
Tuy nhiên trong các cuộc giao tranh, các bên chủ yếu sử dụng tên lửa vác vai MANPADS có thể bắn hạ mục tiêu ở độ cao 5.000m.
Loại tên lửa này rẻ và dễ sử dụng hơn nhiều so với tên lửa đất đối không định vị bằng rađa và không đe dọa được máy bay thương mại bay ở độ cao 10.000m.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận