Vỡ lòng về bầu cử ở Mỹ

MINH VŨ 22/05/2016 22:05 GMT+7

TTCT - Trải nghiệm của một sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ về bầu cử ở nước này.

Dave tới từng nhà gặp cử tri -Minh Vũ
Dave tới từng nhà gặp cử tri -Minh Vũ


Một tối thứ bảy tháng 3 vừa rồi, ở một trường trung học bang Maryland (Mỹ), 11 ứng cử viên nghị sĩ Hạ viện bang từ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ngồi với nhau, chuẩn bị cho diễn đàn hỏi đáp trước một khán đài 300 người.

Từng người giới thiệu nhanh về bản thân rồi lần lượt trả lời các câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên đặt ra về vấn đề các ứng cử viên không quan tâm đến người Mỹ gốc Trung Quốc và cộng đồng Trung Quốc ở Maryland trong các cuộc tranh cử trước.

Câu hỏi thứ hai về chuyện học giả và trí thức Trung Quốc bị nghi vấn nội gián. Câu tiếp theo, học sinh Trung Quốc bị từ chối đậu đại học vì bị phân biệt. Trước các câu hỏi, các ứng cử viên chỉ đối đáp mù mờ, nói vừa đủ để ghi nhận vấn đề và không nêu thêm gì khác biệt.

Sau diễn đàn, Dave Anderson nói với tôi rằng đây là lần đầu tiên cộng đồng Mỹ gốc Trung Quốc tổ chức diễn đàn chính trị, xuất hiện trên chính trường, vì thế mà các ứng viên không muốn phát biểu nhạy cảm.

Dave Anderson là một trong chín ứng viên của Đảng Dân chủ, chạy đua vào Hạ viện bang khu vực 8. Ông là cựu giáo sư ở trường tôi đang học, giờ rời trường để làm vị trí điều hành.

Tôi tham gia cuộc tranh cử của ông vào đầu năm nay khi ông đang tuyển tình nguyện viên ở các trường đại học. Ngày đầu tiên gặp gỡ, toàn bộ nhóm tranh cử của ông gặp nhau trong một căn nhà riêng, nơi ông đề ra kế hoạch mà ông đã bàn tính từ hơn nửa năm trước.

Ông nói rằng phần lớn các ứng cử viên đều tập trung vào khu vực trung tâm của bang, bỏ qua các cử tri vùng nông thôn và thị trấn ngoài rìa. Ông và nhóm sẽ tập trung sức lực và nguồn lực vào khu vực đó, hai hạt Frederick và Caroll, và đánh cược chiến thắng của mình qua chiến lược tìm được tiếng nói với cử tri hai nơi này.

Để chuẩn bị cho cuộc đua, ông bàn tính với gia đình và bạn bè để tìm sự hỗ trợ từ khoảng tháng 4-2015. Ông phải chuẩn bị một kế hoạch, có được định hướng chính trị gồm các dự luật và quan điểm, để rồi thuyết phục bạn bè và người thân trước. Ông bắt đầu bằng các bữa ăn tối với hàng xóm và bạn bè, chia sẻ quan điểm và kế hoạch của ông nếu ông là một nghị sĩ.

Dần dần, ông có được một cộng đồng nho nhỏ những người ủng hộ định hướng của ông. Khi đấy, ông tuyên bố chính thức sẽ chạy đua và tuyển nhóm tranh cử của ông. Khác với những ứng cử viên khác, nhóm tranh cử của Dave phần lớn là tình nguyện viên, muốn giúp đỡ ông tranh cử vì ủng hộ quan điểm và quyết định của ông.

Trừ chiến lược gia lâu năm Darren Katz, những người còn lại hoặc là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp, hoặc cá nhân trong cộng đồng. Tôi tìm thấy thông báo tuyển tình nguyện viên trên trang web của trường, chỉ cần nộp đơn và nhóm ông ấy quyết định chọn tôi.

Công việc chính của tôi khá đơn giản. Khoảng hai tuần một lần từ đầu tháng 3, Dave chở tôi đi hơn 40km mỗi cuối tuần lên hai hạt trọng tâm của ông. Chúng tôi rong ruổi trên đường cả buổi chiều đến từng nhà, Dave nói chuyện với cử tri còn tôi ghi chú lại cuộc nói chuyện đó.

Giữa các cuộc nói chuyện, Dave và tôi nói về mục tiêu tranh cử và cả quan điểm của ông trong triết học và các vấn đề chính trị, về hệ thống bầu cử, những điểm tốt và mặt trái của chính trị Mỹ, cả những chuyện như chủ nghĩa nữ quyền, kinh tế và quyền sở hữu súng...

Qua vài tháng, trong khi tôi bồi đắp nền tảng kiến thức của mình, ông có thêm những chuyến đi ra ngoại thành gặp cử tri. Hơn 50 chuyến đi, gõ cửa xấp xỉ 30 nhà cử tri mỗi chuyến. Đó là cả một niềm tự hào mà ông kể không ứng cử viên nào khác có thể làm.

Ngoài vận động phiếu bầu như thế, các bữa ăn tối với cử tri và các diễn đàn là hai phương thức khác. Giống như lúc bắt đầu, Dave tiếp tục gặp gỡ với vòng tròn xã hội ngày càng mở rộng của ông, tổ chức các buổi gặp mặt nói chuyện, đôi khi là tranh luận, với các cử tri.

Cứ mỗi buổi như thế là chừng mười cử tri, trực tiếp gặp và thảo luận về các vấn đề mà họ quan tâm. Các diễn đàn cũng là một cách hay để tiếp xúc cử tri và thường là do các cộng đồng trong khu vực tổ chức, ví dụ tòa soạn báo của thời báo chính của bang, cộng đồng người Mỹ Latin hay cộng đồng Trung Quốc.

Chính các cộng đồng này sẽ đặt câu hỏi cho ứng viên bằng cách khảo sát vấn đề đáng quan ngại nhất của cộng đồng, qua thực địa hay trên mạng.

Cuối tháng 4 vừa rồi, kết quả vòng bầu cử kín trong nội bộ đảng đã có. Dave chỉ đứng thứ 7 và không đạt được đề cử của Đảng Dân chủ. Jamie Raskin, cựu nghị sĩ bang và là bạn của Dave, thắng vượt trội, phần lớn dựa vào kinh nghiệm chính trị của ông.

Dave nhận xét rằng Raskin thắng không phải vì tiếng nói của bản thân mà bởi ông có sự ủng hộ trong giới chính trị lâu đời của Đảng Dân chủ, tức là người có tiếng nói giống đảng nhất, chứ không hẳn đã thật sự đại diện cho tất cả những quan tâm và lo lắng của cử tri.

Dù Dave thất bại, cuộc tranh cử của ông đã cho tôi một suy nghĩ về việc bầu cử và dân chủ. Thế nào là dân chủ? Đáp ứng hay ít nhất là nhìn nhận được quan tâm của tất cả mọi người, hay chỉ là phần đông của xã hội? Thiết nghĩ, tôi muốn là phương án đầu tiên.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận