Phóng to |
Và mỗi khi nhắc lại câu chuyện này với những thế hệ học trò kế tiếp, tôi thường đùa rằng: “Nếu em nào mua vỏ lon bia này cỡ mười triệu trở lên thầy mới bán, còn không thì sẽ giữ làm kỷ niệm suốt đời!”.
Năm 2002, tôi được phân công chủ nhiệm học sinh lớp 7, do nguồn giáo viên trường tôi khi ấy chưa đủ nên nhà trường phân công tôi dạy riêng với lớp chủ nhiệm của mình tới ba môn: môn toán (chuyên môn của tôi), môn giáo dục công dân và môn mỹ thuật. Tôi hay nói với học trò rằng: thầy dạy toán để giúp các em biết tư duy, dạy giáo dục công dân để các em biết lẽ phải, và dạy mỹ thuật để các em biết cảm thụ cái đẹp. Học trò nghe tôi nói thường lộ lên vẻ mặt thích thú lắm.
Trong một tuần tôi gặp các em trên lớp với bốn tiết toán, một tiết giáo dục công dân, một tiết mỹ thuật, cộng với tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp tổng cộng là tám tiết. Đó là số tiết mà một giáo viên chủ nhiệm gặp lớp hằng tuần thuộc hàng nhiều nhất! Có lẽ vì điều đó nên học trò hiểu kỹ tính nết tôi hơn.
Hết học kỳ 1, sang học kỳ 2 vài tuần, đó cũng là lúc các em sắp sửa nghỉ tết nguyên đán. Nhà trường bố trí một buổi để các lớp có thể tổ chức liên hoan tất niên, sau đó tổng vệ sinh rồi về nghỉ tết. Tôi bàn với lớp trưởng, em M.T. - một cô học trò nhỏ nhắn, học giỏi và gia đình rất quan tâm việc học hành của con cái. Tôi nói: “Năm nay lớp mình không làm tất niên vì không còn tiền quỹ nhiều, mà lớp mình phần lớn hoàn cảnh rất khó khăn, thầy không muốn kêu gọi các em đóng góp để làm tất niên, mà thầy dự tính thế này: thầy coi lịch nghỉ tết rồi, ngay sau nghỉ tết vào học, ngày hôm đó có hai tiết toán của thầy, thầy sẽ để một tiết cho các em liên hoan tân niên. Mỗi em ngày hôm đó coi ở nhà mình còn bánh mứt, cam quýt gì đó thì đem vô chút ít, góp lại rồi thầy trò mình cùng ăn chung vui”.
Em lớp trưởng nghe xong đồng ý ngay. Thế là tôi đem ý tưởng ấy bàn trước lớp ngay trong tiết sinh hoạt cuối tuần trước ngày nghỉ tết. Các em đa số tán thành và hứa sẽ thực hiện như kế hoạch của thầy.
Đúng lời hẹn, ngay buổi đầu tiên sau khi nghỉ tết xong, trong tiết toán tôi khép hờ cửa phòng lại (vì thật ra, nếu nhà trường biết tôi tổ chức tân niên ngay trong tiết học đầu tiên là sai rồi). Tôi dặn các em từ từ mang đồ ra, ăn chung, vui có chừng mực, đừng làm ồn, những lớp bên cạnh biết được là thầy bị rầy đó. Tiết tân niên diễn ra vui vẻ mà êm ả.
Cuối tiết, khi đã dọn dẹp xong, em lớp trưởng lấy trong cặp táp của mình một vỏ lon bia và mang lên đưa cho tôi, em nói: “Thầy về nhà coi những gì mà người ta in trên vỏ lon bia thì thầy sẽ hiểu ý em muốn nói gì với thầy”. Tuy hơi ngạc nhiên, khá bất ngờ về món quà lạ lùng ấy nhưng tôi cầm lấy ngay vỏ lon bia cho vào cặp táp của mình và “về nhà coi”. Về nhà, mở cặp táp lấy vỏ lon bia, tôi mới biết là bia mừng năm mới. Đó là năm Quý Mùi, nên nhà sản xuất có in hình con dê trên vỏ lon bia và những dòng chữ nội dung thế này: “Những người sinh năm Mùi là những người luôn đặt gia đình lên trên hết. Không chỉ chu đáo, thanh lịch và nhạy cảm, họ còn thấu hiểu người khác và dễ dàng tha thứ. Họ yêu cái đẹp, có năng khiếu về nghệ thuật và sáng tạo. Tình cảm rất quan trọng đối với họ”.
Tôi thật sự không tin vào mắt mình. Những người sinh năm Mùi đều là vậy đó sao? Và sao lớp trưởng biết thầy chủ nhiệm của em tuổi Mùi? Tất nhiên, chỉ có mình mới biết rõ về mình thôi! Không ngỡ ngàng nữa, tôi nhận ra tính tình của mình giống gần như 100% những gì mà ai đó đã tổng kết và cho in trên những vỏ lon bia ấy.
Những ngày sau buổi tân niên năm 2003 ấy, tôi gặp em để hỏi thêm vài điều. Em kể: “Mấy ngày tết, ba em có tổ chức tiệc nhậu tại nhà. Khi tiệc tàn, em dọn dẹp những vỏ lon bia dưới sàn, thấy họ in gì trên vỏ lon bia là lạ, em cầm đọc, bỗng thấy đúng y chang tính nết của thầy. Em giữ lại một lon và mang vô lớp đưa cho thầy coi”. Tôi xoa đầu em và nói rằng: “Em còn nhỏ mà tinh tế, thầy sẽ giữ vỏ lon bia của em như là một kỷ niệm đẹp trong năm học mà thầy chủ nhiệm lớp em”.
Ngồi viết lại câu chuyện này, tôi nhận ra rằng hình ảnh của người thầy trên bục giảng hằng ngày cũng đủ để học trò của mình nhận xét, đánh giá về thầy cô mình. Vì thế, sự mẫu mực của thầy cô sẽ là bài học giáo dục hiệu quả nhất.
Tuần qua, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Trần Thị Dung, T.S. (Hà Nội), Nguyễn Khắc Giáp (Nghệ An), Kim Thoa, Nguyễn Thị Phinh, Minh Thái (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng), Hoàng Anh Tuấn (Quảng Ngãi), Tạ Quang Sum, Sao Hồng (Khánh Hòa), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Phan Tuyết (Bình Thuận), Nguyễn Thị Thúy Nga (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Thùy Hương (Bình Dương), Lan Anh, Đặng Thị Lan Hương (Đồng Nai), Nguyễn Văn Đức (Tây Ninh), Nguyễn Đước, Trần Ngọc Tuấn, Lê Phương Trí, Thái Hoàng, Trần Văn Tám, Nguyễn Nguyên Nguyên, Lê Minh Tiến (TP.HCM), Đỗ Văn Mười (Long An), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu), Trầm Thanh Tuấn, Thanh Thảo (Trà Vinh), Lê Tấn Thời, Mai Bửu Minh (An Giang) cùng các tác giả Kiến Quốc, Yên, An Phạm, Tâm Nguyên, Xuân Huy, Nguyễn Thanh Phong, Minh Nguyệt, Văn Toàn, [email protected], [email protected]... Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ email [email protected] hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận