Vô lăng "thần kỳ" giải quyết nhầm chân ga
Stellantis - ông lớn ngành ô tô sở hữu các thương hiệu đình đám như Fiat, Chrysler, Peugeot, Jeep, Dodge, Alfa Romeo… đang ấp ủ một cuộc cách mạng trong thiết kế xe hơi.
Tập đoàn vừa nộp bằng sáng chế cho một loại vô lăng "thần kỳ", kết hợp cả chức năng đánh lái, tăng tốc và phanh, loại bỏ hoàn toàn sự cần thiết của bàn đạp. Điều này đồng nghĩa với việc không còn hiện tượng đạp nhầm chân ga nữa.
Các hình ảnh tài liệu bằng sáng chế mới mang tính đột phá - Ảnh: Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ
Thiết kế này được lấy cảm hứng từ nguyên lý điều khiển máy bay trong không gian ba chiều: đẩy để hạ độ cao, kéo để nâng độ cao và xoay để chuyển hướng.
Tuy nhiên, khác với máy bay vẫn sử dụng bàn đạp để điều khiển, ý tưởng của Stellantis loại bỏ hoàn toàn bàn đạp, đồng nghĩa với việc người lái sẽ điều khiển mọi thứ chỉ bằng vô lăng.
Vẫn có điểm trừ
Nghe có vẻ khá thực tế nhưng ý tưởng này vấp phải không ít nghi ngại về tính thực tiễn. Bởi việc điều khiển xe trên đường sẽ phức tạp hơn nhiều so với điều khiển máy bay.
Ví dụ như khi xe di chuyển qua gờ giảm tốc với vận tốc cao hơn mức cho phép, hoặc khi gặp phải tình huống bất ngờ cần phanh gấp, việc chỉ sử dụng vô lăng để kiểm soát tốc độ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khi đi qua các đoạn đường xóc hoặc các gờ giảm tốc, vô lăng cũng có thể di chuyển theo hướng ngoài ý muốn và gây ra các tình huống còn nguy hiểm hơn. Đó là còn chưa kể các khả năng ngoài ý muốn khi có trẻ con ngồi trong xe nghịch ngợm.
Vì vậy đối với nhiều người, bằng sáng chế này có vẻ không thực tế. Thậm chí có người cho rằng chỉ là "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa".
Vẫn có thể ứng dụng?
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà thiết kế này mang lại cho người khuyết tật, đặc biệt là những người gặp khó khi dùng chân. Thay vì phải lắp đặt các thiết bị hỗ trợ đắt tiền để điều khiển bằng tay, họ có thể dễ dàng lái xe chỉ với vô lăng tích hợp.
Hơn nữa, ý tưởng này còn mở ra tiềm năng cho tương lai xe tự lái. Khi đó, vô lăng có thể tự động thu gọn vào bảng điều khiển, nhường không gian cho người lái thư giãn như một hành khách thực thụ. Giống như trong bộ phim Demolition Man của tài tử Sylvester Stallone, việc lái xe bằng tay sẽ trở thành một khái niệm xa lạ, chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp.
Lực G là gia tốc tương đối của vật so với khi rơi tự do. Lực G không dễ cảm nhận ở tốc độ thấp mà mọi người vẫn dùng hằng ngày. Nhưng nếu đã ngồi trên xe đua, các tài xế có thể cảm nhận được rõ ràng khi đạp ga hết nấc để tăng tốc, có thứ gì đó như ấn chặt người vào ghế. Lúc vào cua, lại như có thứ gì đó đẩy người văng ra. Các tài xế thông thường có thể cảm nhận lực G rõ nhất khi nếu rơi vào trường hợp cần phanh gấp, người như bị đẩy về phía trước. Nếu không có dây an toàn, cơ thể như muốn văng ra khỏi xe.
Ý tưởng vô lăng "tất cả trong một" của Stellantis cũng rất phù hợp để ứng dụng trong các thiết bị mô phỏng lái xe, nơi người sử dụng không bị ảnh hưởng bởi lực G khi tăng tốc, phanh hay vào cua.
Stellantis cho biết tất cả các mẫu xe thế hệ tiếp theo của hãng sẽ được trang bị bộ phần mềm STLA, bao gồm STLA AutoDrive (hệ thống lái xe tự động), STLA Brain (bộ não trung tâm) và STLA Smart Cockpit (buồng lái thông minh).
Ông Yves Bonnefont - giám đốc phần mềm của Stellantis - chia sẻ nền tảng của mọi phương tiện tự lái là một CPU trung tâm có khả năng truy cập vào tất cả cảm biến và bộ truyền động, khả năng cập nhật phần mềm qua mạng và khả năng kiểm soát đồng nhất tất cả phần mềm trên tất cả các thương hiệu của Stellantis.
Liệu ý tưởng vô lăng "thần kỳ" có trở thành hiện thực hay chỉ là một trong số những bằng sáng chế "đắp chiếu" của Stellantis? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, việc nộp bằng sáng chế cho thấy Stellantis đang nghiêm túc xem xét và đầu tư vào công nghệ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận