Ông Vũ Quý Hà, tổng giám đốc Vinaconex, đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong công tác đầu tư xây dựng công trình, lựa chọn thiết kế, thi công dẫn đến sự cố vỡ đường ống. Trên website của mình, Vinaconex tiếp tục với những lời hối lỗi: “Nhận thức sâu sắc và tiếp thu toàn bộ nội dung thông báo kết luận của Bộ Xây dựng, sẽ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân tập thể trong ban lãnh đạo; nhận khuyết điểm với Chính phủ, Bộ Xây dựng, TP Hà Nội và nhân dân thủ đô do đã để các sự cố vỡ đường ống dẫn nước xảy ra”. Nhưng thật bi hài khi ai cũng thấy Vinaconex xin lỗi suông rồi để đó, và rồi làm sai chưa bị xử lý lại được giao làm tuyến ống mới.
Từ tháng 2-2012 với lần vỡ đầu tiên đến tháng 7-2014 với lần vỡ thứ chín là khoảng thời gian quá dài để đánh giá chất lượng của đường ống hàng chục cây số với vốn đầu tư nghìn tỉ đồng. Mỗi lần vỡ có tới 70.000 hộ dân với hàng trăm nghìn con người lâm vào khốn khó. Bức xúc đã vượt quá sức chịu đựng của người dân. Thế nhưng Vinaconex vẫn án binh bất động trong xử lý trách nhiệm.
Mới đây người phát ngôn Bộ Xây dựng “tiết lộ” rằng Vinaconex không trực thuộc bộ mà do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Điểm kỹ trên phương tiện truyền thông trong hơn hai năm trở lại đây tuyệt nhiên chưa một lần SCIC lên tiếng về sự cố vỡ đường ống nước.
Người ta hay ví von về hình ảnh “quả bóng trách nhiệm”. Trong vụ vỡ đường ống, “quả bóng” đang bị bỏ lăn lóc trên sân bóng mà xung quanh là đầy đủ các “đội hình” gồm doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước...
“Không thể chấp nhận được. Sai chưa xử lý mà đã được giao cho làm tiếp là việc tày đình” - TS Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Tổng hội Xây dựng VN, thốt lên khi hay tin Vinaconex chuẩn bị làm tuyến ống nước thứ hai. Theo ông Liêm, thông thường với những dự án cả nghìn tỉ đồng như đường ống dẫn nước sông Đà, khi hoàn thành cần phải có tổng kết đánh giá, xảy ra sự cố thì cần phải có hội đồng chuyên gia, hội đồng khoa học tìm hiểu, tìm ra nguyên nhân cuối cùng... Rồi các cơ quan chức năng phải xác định được trách nhiệm dẫn tới vỡ, sau đó là tìm giải pháp xử lý kỹ thuật và xử lý trách nhiệm tổ chức - cá nhân liên quan, kể cả phải đền bù thiệt hại do làm đảo lộn cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.
Như lời ông Liêm, chủ đầu tư có tâm, cơ quan quản lý có trách nhiệm là phải nhìn thẳng vào sai lầm, lấy đó làm bài học cho tương lai chứ không phải tuyên bố, giải trình suông để trấn an dân rồi bỏ ngỏ. Chỉ khi nào vấn đề trách nhiệm được giải quyết dứt điểm thì lòng dân mới an. Không xử lý tận cùng nguyên nhân vỡ đường ống nước, chẳng ai đảm bảo đường ống mới lại không gặp sự cố khác. Xử lý qua loa, câu chuyện “vỡ đường ống - vỡ trách nhiệm” sẽ trở thành tiền lệ xấu cho các công trình xây dựng khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận