Vỡ đê hồ Động Đình: Hộ đê và chính trị

NGUYỄN THÀNH TRUNG 13/07/2024 18:30 GMT+7

TTCT - Ở Trung Quốc, công tác thủy lợi và trị thủy từ bao đời đã gắn với tính chính danh của nhà nước.

Đoạn đê vỡ ở hồ Động Đình được nhanh chóng vá lại. Ảnh: China Daily

Đoạn đê vỡ ở hồ Động Đình được nhanh chóng vá lại. Ảnh: China Daily

Tối thứ sáu 5-7, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin đoạn đê của mạng lưới đê xung quanh hồ Động Đình, hồ nước ngọt lớn thứ hai nước này ở tỉnh Hồ Nam, đã vỡ.

Lúc đầu đoạn đê vỡ dài chỉ khoảng 10m, nhưng nhanh chóng mở rộng lên 226m do nước lũ gây ra từ mưa xối xả khiến hơn 7.000 cư dân phải sơ tán. Trong khi lũ lụt mùa hè thường xuyên tái diễn ở Trung Quốc do mưa theo mùa thì trận lũ lụt năm nay đặc biệt nghiêm trọng.

Nỗ lực 74 triệu USD

Hồ Động Đình có diện tích 2.820km2, gấp khoảng 4 lần diện tích đảo quốc Singapore. Nó lớn và nổi tiếng đến mức trở thành ranh giới tự nhiên và đặc điểm danh pháp cho hai tỉnh Trung Quốc nằm phía bắc và nam hồ: Hồ Bắc và Hồ Nam. 

Hồ nhận nước từ bốn con sông khác nhau: Tương Giang, Tư Giang, Nguyên Giang và Lễ Thủy, đều nằm trong lưu vực phía nam sông Dương Tử (Trường Giang).

Trong thời kỳ lũ lụt, mực nước có thể tăng thêm tới 15m và diện tích ngập nước có thể tăng tới 20.000km2. Con sông Dương Tử là tuyến đường thủy dài và quan trọng nhất ở Trung Quốc, đồng thời cũng là đại công trình thủy lợi có lẽ là lớn nhất thế giới, cung cấp nước tưới tiêu cho những vùng đất nông nghiệp rộng mênh mông và nối một chuỗi các đô thị công nghiệp nội địa với trung tâm thương mại Thượng Hải trên bờ biển phía đông.

Trước khi đê vỡ, tỉnh Hồ Nam, quê hương của nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, đã trải qua 17 ngày mưa lớn liên tiếp, gây ngập lụt hơn 47km2. Lo sợ tình hình có thể trở nên xấu đi nhanh chóng, chính quyền địa phương đã phản ứng bằng cách kích hoạt mức ứng phó khẩn cấp tối đa. 

Truyền thông nhà nước chiếu cảnh phần lớn các thị trấn bị ngập nước và người dân mắc kẹt được thuyền cứu hộ đưa đi. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn từ khắp nơi đã nhanh chóng tập trung gần chỗ vỡ. Theo Đài CCTV, Chính phủ Trung Quốc đã dành thêm 540 triệu nhân dân tệ (74 triệu USD) để tài trợ cứu trợ cho Hồ Nam và các khu vực bị thiên tai khác.

Ảnh: X.com

Ảnh: X.com

Trị thủy và tính chính danh

Chủ tịch Tập Cận Bình, khi đê vỡ đang có chuyến thăm tới Tajikistan, nhanh chóng nhấn mạnh rằng người dân ở các khu vực bị đe dọa phải được sơ tán kịp thời, đồng thời cho biết thêm rằng công tác cứu hộ toàn diện cần được thực hiện để bảo vệ sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng trấn an người dân rằng chính phủ đang làm mọi thứ có thể, và thực tế diễn ra có vẻ đúng là như vậy. 

Cho đến 10h30 đêm thứ hai 8-7, đoạn đê dài 226m bị vỡ đã được bịt kín với hơn 100.000m3 đất đá, bao gồm nhiều chiếc xe tải cũ chở đất đá lao thẳng vào vá đê. Vào sáng thứ ba 9-7, việc hút thoát lượng nước đọng 210 triệu m3 ở vòng bờ đê thứ hai Đoàn Châu bắt đầu hoàn tất.

Nỗ lực cứu hộ kiểu này thật sự rất đặc sắc Trung Quốc, cho thấy khả năng huy động nguồn lực khổng lồ đúng kiểu "người nhiều thế mạnh" của quốc gia đông dân và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Việc chính quyền có thể nhanh chóng cứu hộ và hàn kín đoạn đê nhanh chóng như vậy một phần là do trước đó đã sớm tăng cường các biện pháp kiểm soát lũ lụt, nhất là khi tình hình thiên tai ngày một nghiêm trọng những năm gần đây.

Lịch sử Trung Quốc luôn gắn liền với nhiều trận đại hồng thủy; thực ra, một trong những truyền thuyết sáng lập quốc gia của họ chính là "vua Đại Vũ trị thủy, thuần hóa sông Hoàng Hà". Xuyên suốt các triều đại ở nước này, việc trị thủy không chỉ mang ý nghĩa kinh tế xã hội, mà còn thể hiện tính chính danh chính trị đối với các nhà lãnh đạo.

Cách đây 4 năm, mưa lớn kéo dài trong nhiều tháng cũng làm mực nước sông Dương Tử dâng nhanh và khiến hơn 60 triệu người Trung Quốc bị ảnh hưởng. Ngày 18-8-2020, ông Tập, trong lúc kiểm tra hệ thống phòng lũ ở tỉnh An Huy, đã ca ngợi cuộc chiến lâu dài chống lại thiên tai của Trung Quốc, bao gồm cả chuyện "Đại Vũ trị thủy". 

Ông nói: "Cuộc chiến này không phải chống lại thiên nhiên, mà là con người cần phải hòa hợp hơn với thiên nhiên, tuân theo quy luật tự nhiên để hòa làm một với thiên nhiên".

Bằng việc nhắc lại nhân vật lịch sử Đại Vũ, người kế nhiệm vua Thuấn, thành lập nên triều đại nhà Hạ vốn được sử sách coi là triều đại đầu tiên của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình muốn nhắc lại truyền thống "nhân định thắng thiên" trong lịch sử Trung Quốc. 

Ông nhấn mạnh: "Dân tộc Trung Quốc đã chiến đấu chống tai họa thiên nhiên hàng ngàn năm và chúng ta đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu. Chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu".■

Những mối đe dọa với hai hồ nước lớn

Môi trường suy thoái đang đe dọa cả hệ thống sông Dương Tử và hai hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, theo báo cáo của Văn phòng Trung ương giám sát bảo vệ hệ sinh thái và môi trường thuộc Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc được báo South China Morning Post dẫn lại mới hồi tháng 5-2024, như một lời cảnh báo sớm về trận lũ lụt lịch sử vừa xảy ra.

Sếu Siberia trên hồ Bà Dương. Ảnh: gmw.cn

Sếu Siberia trên hồ Bà Dương. Ảnh: gmw.cn

Theo đó, các hoạt động gây ô nhiễm, đánh bắt cá và khai thác cát trái phép đang gây tổn hại nghiêm trọng cho các hồ Bà Dương và Động Đình. Hồ Bà Dương, ở phía đông tỉnh Giang Tây, là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, đóng vai trò điều phối tối quan trọng với mực nước sông Dương Tử, cũng như bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì cân bằng sinh thái cho vùng này.

Tuy nhiên, theo báo cáo đã dẫn, quy định về đập nước thấp ở hồ Bà Dương không hề được thực thi. "Lệnh cấm đánh cá ở những vùng nước quan trọng và bảo vệ hệ sinh thái dưới nước không được triển khai đầy đủ, và vấn đề ô nhiễm do nông nghiệp vẫn nghiêm trọng", báo cáo viết.

Các đập nước thấp được xây để giữ nước ảnh hưởng tới dòng chảy và chất lượng nước trong hồ. Một số trường hợp cá biệt, như ở huyện Đô Xương, nhiều vùng đất ngập nước bị rào lại và khai thác trái phép lấn sâu vào Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia đất ngập nước Nam Ky.

Hai hồ Bà Dương và Động Đình cũng bị đe dọa do lệnh cấm đánh bắt cá không được thực thi hiệu quả. Năm 2021, Trung Quốc ấn định lệnh cấm đánh bắt cá thương mại 10 năm với sông Dương Tử, lệnh cấm đầu tiên như vậy trong lịch sử với con sông dài nhất châu Á, nhằm bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt của sông và vùng phụ cận. Lệnh cấm được áp dụng với dòng chủ lưu và các chi lưu chính của sông.

Hồ Bà Dương và Động Đình là nơi sinh sống của giống cá heo nước ngọt không vây sông Dương Tử vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi gần 98% sếu Siberia, một loài đã sắp tuyệt chủng, về trú đông ở đây. Chúng đều bị đe dọa bởi nạn săn trộm và khai thác quá mức, bắt cá bằng điện, và các phương thức bất hợp pháp khác. Tình trạng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá mức cũng đang đe dọa hai hồ nước ngọt này.

Với hồ Động Đình, mối đe dọa hàng đầu được xác định là tình trạng khai thác cát bất hợp pháp, cũng là lý do quan trọng khiến lũ lụt thêm trầm trọng và dữ dội. Đầu tháng 5, một nhóm thanh tra của chính quyền giả làm người tìm mua cát đã báo cáo hoạt động khai thác đặc biệt nhộn nhịp ở khu bảo tồn đất ngập nước Lễ Thủy, thành phố Thường Đức, khi trong một vùng rộng tới hơn 48.000ha, gần 20 triệu tấn cát đã được đào lên mang đi bán. (Hoạt động này vốn bị cấm ngặt ở các khu vực bảo tồn).

Nhóm thanh tra cũng phát hiện hơn 800ha, tức gần 1/4 vùng bãi ven hồ ở khu vực cửa sông, đã bị các công ty xây dựng đục rỗng lấy cát, hủy hoại nghiêm trọng cảnh quan và cân bằng sinh thái trong vùng. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều vùng ven sông Dương Tử và các chi lưu lớn, khi các hoạt động san lấp và xây dựng "thái quá và không được cấp phép" vẫn diễn ra, theo báo cáo đã dẫn.

C.VĂN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận