Người dân ở bản May, huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu tìm lại tài sản bị nước lũ cuốn trôi - Ảnh: HỮU KHOA
Ngày 29-7, phóng viên Tuổi Trẻ phỏng vấn ông Phonsamay Mienglavanh - phó bí thư, phó tỉnh trưởng Attapeu - xung quanh thảm họa Xe-Pain Xe-Namnoy ở huyện Sanamxay thuộc tỉnh này.
Thiệt hại vụ vỡ đập thủy điện này là quá khủng khiếp, hiện chúng tôi chưa thể đánh giá hết được. Đây là thảm họa lớn nhất ở Attapeu
Ông Phonsamay
* Theo thông báo tại trung tâm chỉ huy công tác khắc phục hậu quả đặt tại huyện Sanamxay ngày 28-7, có 1.126 người bị mất tích do trận vỡ đập này. Nhưng nhiều ngày trước lãnh đạo tỉnh và huyện Sanamxay đều nói chỉ có 131 người mất tích. Vậy con số nào là chính xác, thưa ông?
- Chúng tôi cũng mới được thông tin là có 1.126 người mất tích trong cơn lũ, còn con số 131 người là do các gia đình báo trực tiếp với chính quyền. Đến trưa 29-7 đã tìm thấy được 9 thi thể. Tôi cũng nói cho rõ là trong số người được cho là mất tích không hẳn là người chết. Có khá nhiều người chạy qua các địa phương khác ngoài Sanamxay như Champasak, Savannakhet, Sekong, Paksé, Slavan...
Hiện nay các lực lượng tìm kiếm chuyên nghiệp của Lào và các nước Thái Lan, Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích tại các vùng lũ nặng. Đương nhiên, các số liệu hiện nay chỉ mang tính tương đối, vì việc tìm kiếm rất khó khăn, phức tạp.
* Tỉnh Attapeu có kế hoạch thế nào để tái thiết các bản bị lũ tàn phá?
- Chắc chắn là sau này sẽ mở nhiều cuộc họp để bàn về vấn đề này. Việc tái thiết chắc phải kéo dài trong nhiều năm. Tôi nghĩ đầu tiên là phải đi khảo sát thực tiễn, tính toán xem kinh phí của mình liệu có đủ làm lại nhà của dân bị lũ xóa sổ hay không, nếu không thì giải pháp như thế nào.
Tôi biết nhiều người dân có tâm lý không muốn trở về nơi ở cũ vì họ sợ, nên để dân ở lại bản cũ hay thiết kế nơi ở mới cao ráo cho họ cũng phải được bàn bạc cụ thể.
* Dường như chính quyền địa phương cũng chưa đánh giá mức độ khủng khiếp của vỡ đập nên chưa quyết liệt sơ tán dân. Tỉnh Attapeu rút ra những bài học gì để công tác ứng phó với những tình huống như thế này có thể xảy ra trong tương lai, khi mà trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thủy điện?
- Bây giờ chưa bàn vấn đề này được. Nhưng đúng là dân cũng chủ quan trong tránh lũ, chính quyền cũng không lường hết được mức độ tàn phá khủng khiếp như vậy. Tuy nhiên sau vụ này họ cảnh giác rồi.
Tối 27-7, thủy điện Xekaman 1 ở hai huyện Sanxay và Xaysetha thông báo xả lũ, vậy là nhiều người dân ở hai huyện tự sơ tán vì quá lo sợ sau vụ vỡ đập của thủy điện Xe-Pain Xe-Namnoy. Nhưng xả lũ này không đáng kể.
* Chủ đầu tư thủy điện Xe-Pain Xe-Namnoy có thông tin cho tỉnh về việc phải sơ tán dân vì nguy cơ vỡ đập hay không?
- Họ báo cáo có thể là đập đó sẽ vỡ, báo cho người dân cảnh giác, chứ không nói với chính quyền là sơ tán dân. Nếu chủ đầu tư nói rằng chắc chắn đập thủy điện vỡ, phải đưa người dân sơ tán đến vùng cao tránh lũ thì người dân đã đi rồi. Họ chỉ nói có thể thôi. Thông tin họ đưa ra không rõ ràng.
* Bộ trưởng Bộ Năng lượng và mỏ Lào nói đập thủy điện này xây dựng không đảm bảo chất lượng nên mới vỡ, trong khi chủ đầu tư dự án nói mưa quá lớn kéo dài bất thường nên đập không chịu nổi. Còn thông tin chính thức mà tỉnh Attapeu nhận được về vụ này là thế nào?
- Thông tin chính thức tỉnh chưa nhận được bởi người ta báo cáo với bộ. Hôm nọ bộ trưởng Bộ Năng lượng và mỏ đã họp để nghe thông báo, còn chúng tôi chưa có báo cáo chính thức. Đó là phát ngôn của bộ trưởng.
* Tỉnh Attapeu có đề nghị các cơ quan chức năng điều tra vụ vỡ đập gây hậu quả khủng khiếp này không, thưa ông?
- Chính phủ đã có chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Năng lượng và mỏ và các cơ quan chức năng đã đi thị sát trực tiếp, đã có họp để đưa ra các ý kiến xử lý.
* Theo ông, trách nhiệm chủ đầu tư trong vụ này thế nào?
- Đương nhiên là chủ đầu tư thủy điện phải chịu trách nhiệm chứ. Tôi nghe họ nói trên báo là chịu trách nhiệm 100%, nhưng thực tế thế nào thì chưa rõ.
1.120 người mất tích
Chiều 29-7, tại buổi họp báo với các phóng viên trong và ngoài nước tại Ủy ban nhân dân huyện Sanamxay, bà Minaphon (phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Ban tổ chức tỉnh Attapeu) cho hay đến nay vẫn còn hơn 1.120 người chưa tìm thấy tung tích. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 9 thi thể.
Đến nay tổng số tiền viện trợ nhận được là 33 tỉ kíp Lào (hơn 90 tỉ đồng Việt Nam). Riêng tiền mặt trên 12 tỉ kíp, còn lại là hàng hóa và các nhu yếu phẩm như quần áo, sữa, nước, bánh...
HỮU KHOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận