27/07/2018 09:18 GMT+7

Vỡ đập thủy điện Lào: Tình người trong thảm họa

DUY THANH  - HUỲNH CÔNG ĐÔNG (từ Sanamxay, Attapeu, Lào)
DUY THANH - HUỲNH CÔNG ĐÔNG (từ Sanamxay, Attapeu, Lào)

TTO - Nước lũ chảy xiết, mưa lớn, đói rét không làm nản lòng những người lính và các lực lượng tham gia tìm kiếm người mất tích và cứu hộ.

Vỡ đập thủy điện Lào: Tình người trong thảm họa - Ảnh 1.

Trực thăng mang thức ăn, nước uống cho người dân ở Sanamxay bị cô lập - Ảnh: HỮU KHOA

Sáng 26-7, phóng viên Tuổi Trẻ theo đoàn tìm kiếm người mất tích do vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu, Lào) vào sâu trong các bản còn ngập sâu trong lũ.

Tàn phá khủng khiếp

Nước đã rút dần khỏi những bản gần trung tâm huyện Sanamxay, nhưng tỉnh lộ 18A qua bản này đầy bùn nhão, đến mức chiếc xe bán tải 2 cầu vẫn phải trầy trật mới "lết" đi được. Nhưng đi được chừng 8km, xe không thể chạy được vì đường đầy bùn, trơn trượt, và đoạn còn lại thì còn ngập sâu trong nước.

Chúng tôi lội bộ chừng 2km trong nước lũ đỏ quạch còn cao đến gần thắt lưng để đến được nơi quân đội đang tập kết xuồng máy, canô để phục vụ việc tìm kiếm, cứu nạn, tiếp tế cho người dân còn kẹt trong vùng lũ.

Chúng tôi lên chiếc canô của quân đội Lào để đi cùng nhóm tìm kiếm người mất tích của bác sĩ Phonesavhat ở Bệnh viện huyện Sanamxay, anh Soukone - phó bí thư huyện đoàn và anh Vernmy Siphachan - cán bộ huyện đoàn. Trên canô có túi đựng thi thể, các loại thuốc khử trùng, khẩu trang y tế... Chiếc canô trực chỉ bản May, một trong những bản bị cơn lũ gây thiệt hại nặng nhất.

Nhìn vết bùn trên những thân cây lớn trong bản thì thấy nước lũ đã rút so với trước đó hơn 2m, nhưng cả bản vẫn là một vùng lũ mênh mông như biển. Không thấy một bóng người nào ở bản này, bởi ngoài số người mất tích thì những người dân còn lại đều được sơ tán đến nơi khác.

Đây đó còn những ngôi nhà nước mấp mé tới mái, trên mái nhà đầy những bùn ẩm. Bên những vạt rừng lớn, không ít ngôi nhà gỗ của dân bản bị lũ "lật ngửa", xác trâu, bò, heo, dê la liệt, mùi hôi thối xông lên; những vật dụng như tủ lạnh, bồn chứa nước, nệm, chiếu... nổi lềnh bềnh, tấp vào những lùm cây hay vạt rừng.

"Chăn, dép đây rồi, cha mẹ đâu?"

Chúng tôi gặp một nhóm 8 anh em, cháu trong một gia đình đang tìm kiếm người thân. Anh Lơt, một người trong số họ, nhảy xuống đám rác rìu, dùng tay đào bới, lật mấy chiếc nệm, lôi lên cái mền, rồi chiếc dép.

Anh gào lên: "Chăn đây, dép đây mà bố mẹ đâu rồi? Bố mẹ ơi!". Anh Lơt hối thúc những người cùng tìm kiếm hãy nỗ lực hơn, đồng thời kêu gọi nhóm tìm kiếm chúng tôi hỗ trợ.

Anh Lơt cho biết đêm 23-7, nước lũ đổ ập lên đầu, 6 người trưởng thành trong nhà anh bỏ chạy, rồi bị nước cuốn đi hàng cây số trước khi được thuyền của dân cứu vớt, nhưng cha mẹ già của anh trong nhà thì không thể chạy được.

Sáng 26-7, khi lũ rút bớt, anh từ nơi sơ tán đã vội cùng anh em trong gia đình quay về nhà cũ để tìm. Ngôi nhà gỗ đã bị nước lũ đánh vỡ tan từng mảnh, bố mẹ anh biền biệt... Bác sĩ Phonesavhat nhảy xuống nước, lần giở từng nhánh cây, xăm từng mớ rác rìu để hi vọng tìm được cha mẹ anh Lơt, nhưng vô vọng...

Có hàng chục nhóm tìm kiếm như vậy, từ lực lượng quân đội đến cán bộ các cơ quan ở huyện Sanamxay, ở tỉnh Attapeu đã nỗ lực nhiều ngày qua.

"4 ngày nay chúng tôi liên tục vận chuyển người từ vùng lũ ra, đưa hàng cứu trợ từ ngoài vào và tham gia tìm kiếm người mất tích. Chiều nay tụi tôi về nghỉ lấy sức 1 ngày đêm, nhóm khác sẽ đến thay, sau đó chúng tôi tiếp tục quay lại" - đại úy Bunhưa ở huyện đội Sanamxay cho hay khi anh đi cùng chúng tôi trên chiếc xe bán tải đầy bùn đất trở về trung tâm huyện vào chiều muộn.

131 người chết và mất tích

Chiều tối 26-7, ông Bounhôme Phommasane - chủ tịch UBND huyện Sanamxay - cho biết trong ngày các lực lượng đã cứu được 273 người của 54 hộ gia đình từ những bản bị ngập lụt, đưa về trung tâm huyện. Tổng cộng từ ngày 23-7 đến nay đã đưa 3.333 người sơ tán an toàn.

Số người được cho là chết và mất tích hiện vẫn là 131 người.

"Trước mắt, chúng tôi tập trung di chuyển dân ở những nơi còn ngập đến chỗ an toàn, cố gắng tìm càng nhiều càng tốt người mất tích, đồng thời tổ chức chăm sóc chu đáo cho dân sơ tán. Tiếp đó, lãnh đạo tỉnh, huyện sẽ làm việc với chủ đầu tư thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy để bồi thường cho dân" - ông Phommasane cho hay.

Tấm lòng người Việt

Tối 25-7, khi chúng tôi đến chợ huyện Sanamxay thì gặp chị Đỗ Thị Hà (41 tuổi, quê Quảng Bình, bán áo quần, giày dép) đang tất bật cùng chồng lên kế hoạch để sáng 26-7 đến phát cơm cho người dân Lào sơ tán tránh lũ tại các trường học ở huyện.

"Hôm nay (tức 25-7) tôi cùng các tiểu thương ở đây đã nấu và phát 300 hộp cơm cho người dân rồi, nhưng chẳng thấm tháp vào đâu. Thấy họ thương quá chừng, lũ lớn đến mức bỏ chạy không kịp đem theo cả áo quần, nhà cửa giờ cũng không còn... Tôi và mấy chị em lại gom tiền, mua 2 con heo làm thịt, để sáng 26-7 phát 500 suất cho bà con người Lào vùng lũ" - chị Hà nói.

Chị cùng các tiểu thương cũng vận động gom quần áo, chăn màn để hỗ trợ người dân Lào vùng lũ trong những ngày ở tạm tại các trường học ở trung tâm huyện.

Còn anh Đỗ Văn Dũng (29 tuổi, quê Ninh Bình, trú tại Sanamxay), là một chủ quán bán hàng điện tử, luôn sốt sắng khi sự cố vỡ đập vừa xảy ra. Anh kể: "Người Lào ở đây tốt lắm, khi cần là họ giúp mình làm cái này cái nọ. Giờ tai họa ập đến, thấy họ giống như chính người thân của mình vậy, nên giúp được gì thì mình giúp thôi".

Anh Dũng cùng 3 gia đình người thân ở Sanamxay mấy hôm nay liên tục tổ chức nấu cơm rồi phát cho những người dân Lào sơ tán mỗi ngày hai buổi, mỗi buổi khoảng 400 suất.

Ngày 26-7, một số lực lượng quân đội của Việt Nam cũng cử lực lượng hỗ trợ tỉnh Attapeu khắc phục hậu quả vỡ đập. Cùng với đoàn 206 của Quân khu 5 đã có mặt ngày hôm trước, chiều qua tổ y tế đến từ Công ty Hợp tác kinh tế 385 (Binh đoàn 15) cũng đã đến huyện Sanamxay để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân vùng lũ...

Việt Nam hỗ trợ Lào 200.000 USD

Chiều 26-7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao cho đại sứ Lào Thongsavanh Phomvihane số tiền 200.000 USD của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Lào khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu.

Nói với đại sứ Thongsavanh Phomvihane, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết những ngày qua lãnh đạo và nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm, theo dõi tin tức về sự cố đáng tiếc này với sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc nhất dành cho nhân dân Lào anh em.

Ông Lê Hoài Trung khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng làm những gì có thể để hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả của sự cố. (DIỆU AN)

Hoạt động tình nguyện giúp tăng cường mối quan hệ Việt - Lào

TTO - Sáng 16-7, đoàn thanh niên tình nguyện TP.HCM đã đến thăm và tặng quà tại Tổng lãnh sự quán nước CHXHCN Việt Nam tại thành phố Pakse (Lào).

DUY THANH - HUỲNH CÔNG ĐÔNG (từ Sanamxay, Attapeu, Lào)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên