28/04/2014 18:01 GMT+7

Võ đạo mênh mông

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Một chiều đầu thu mươi năm trước, tôi và vài người bạn võ tìm gặp võ sư Phan Thọ trong ngôi nhà riêng đơn sơ của ông bên đồng lúa An Vinh, Tây Sơn, Bình Định.

iyOlDNPv.jpgPhóng to
Võ sư Phan Thọ trong một buổi tập cùng các học trò - Ảnh: Q.V

Đã nghe nhiều kỳ tích huyền thoại về đại sư danh tiếng này, nhưng tôi trông ông giống như một lão nông mộc mạc hơn là cao thủ trong võ giới. Chỉ có một chút khác thường đập vào mắt là những binh khí cổ truyền từ đao, kiếm, thương, côn đến các thứ chân quê như bồ cào, đòn sóc… được ông trang trọng dựng đầy nhà.

"Kẻ giỏi võ mới chỉ là bước khởi đầu. Giỏi đánh nhau có gì là hay? Trong võ có đạo. Trong đạo có võ. Kẻ thạo võ mới chỉ được gọi là võ sĩ. Người hiểu cái đạo của võ gọi là võ sư. Còn người vượt qua sự hiểu để thật sự thấm được cái đạo này thì chẳng còn gọi là gì cả. Người đó lại trở về bình thường. Nó cũng giống như người mới thiền thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Người đã đạt thiền thấy núi lại là núi, sông lại là sông..."

(Trích Võ sư Phan Thọ)

Bằng chất giọng rổn rảng nằng nặng phương ngữ, ông gọi người nhà làm cho chúng tôi vài ly trà đá để giải nhiệt khí trời oi nồng miền Trung. Khi biết khách ghé thăm, hầu chuyện võ vẽ, chẳng mục đích viết lách gì, ông chân chất chia sẻ: “Nhiều tay viết thêm bớt quá, tôi cũng như bao võ sư khác ở đất Bình Định này mê võ nên sống chết với võ thôi. Đã dấn thân vào đường võ, biển học mênh mông, chẳng ai dám nói mình là người giỏi nhất, đánh đâu thắng đó. Người dạy võ hãy để cho học trò và đối thủ nhận xét thì hay hơn tự mình nói về mình”.

Hàn huyên chuyện võ, tôi hỏi ông có bao giờ đấu thua? Lão võ sư mỉm cười nhẹ nhàng: “Có chứ. Tôi đã từng thua võ sư Cảnh ngay đất Bình Định này. Hồi ấy trẻ, máu mê tranh đấu. Nhưng sau trận thua ấy, tôi nhìn lại mình và tiếp tục tập luyện. Về sau có lần hội ngộ, võ sư Cảnh lại nói: Tôi với ông bây giờ chưa biết ai thắng ai. Mà thôi, tranh chuyện thắng thua để làm gì!”.

Nhắc chuyện tỉ thí, ông tâm sự cũng có vài duyên đưa đẩy trao đổi võ thuật, nhưng đó là trao đổi để học hỏi lẫn nhau, chứ không phải tranh đấu hơn thua. Và nó đều để lại đời ông kỷ niệm khó quên. Mấy lần gặp võ sư cao đẳng taekwondo Hàn Quốc, kết cục ông đều thắng. “Đó cũng là chuyện bình thường thôi mà. Chẳng có gì ghê gớm lắm đâu” - ông tâm sự taekwondo là môn phái giỏi đánh đòn chân tầm xa, khả năng ngăn chặn hiệu quả và phát lực rất mạnh, có thể hạ gục đối thủ chỉ bằng một cú đá. Còn võ Bình Định giỏi về cận chiến, đòn thế hiểm hóc, có thể lấy yếu thắng mạnh, phù hợp tầm vóc người Việt. Cả hai dòng võ này đều có ưu, nhược, hơn thua nhau độ luyện tập tinh thông và tinh thần chiến đấu.

Ông kể mình hạ được võ sĩ Hàn Quốc là nhờ xáp vào cận chiến thành công, dùng đòn tay hiểm để hóa giải sức mạnh đòn chân. Đấu xong, hai bên ôm nhau thân tình, thắng thua như gió thoảng qua. Tâm sự thời trẻ đấu đài, ông nhớ loáng thoáng mình cũng thắng được vài chục trận ở các đấu trường miền Nam, miền Trung và Tây nguyên. Nhưng bây giờ lớn tuổi nhìn lại, ông thấy chính cái thua của bạn đấu cũng có nhiều điều đáng giá để học hỏi. Truyền dạy học trò, ông hay nhắc những kinh nghiệm thua này nhiều hơn là kể về sự chiến thắng của mình.

Tâm sự với khách mải mê chuyện võ, lão võ sư Phan Thọ kể quê mình bên bờ sông Kôn nhiều người giỏi võ lắm, chứ chẳng riêng gì ông. Có người cả đời luyện võ, dựng xây võ đường quê hương. Có người phiêu bạt phương xa, rèn võ sĩ đấu đài danh tiếng. Ông cũng tập quyền từ nhỏ, may mắn được thọ giáo nhiều bậc chân sư. Thầy thì giỏi quyền cước gia truyền. Thầy điêu luyện thập bát ban binh khí để truyền thụ cho môn đệ. “Cái may mắn đời tôi là được cúi đầu trước nhiều bậc đức tài”. “Cũng có nhiều thầy võ danh tiếng mà vẫn nảy ra môn đệ chẳng ra gì?”. Nghe tôi hỏi, ông trầm ngâm: “Đó là sự thật đau lòng. Luyện võ đâu phải để được tiếng là kẻ giỏi đánh nhau. Bọn côn đồ bây giờ chẳng giỏi món đánh đấm, chém giết lắm sao!”.

Chiều trải vàng đồng lúa An Vinh, những câu chuyện không đầu không đuôi về nghiệp võ như cuốn chân khách không thể rời đi. Chia tay ông, tôi nhớ mình đã lỡ lời: “Bao giờ võ sư mới giải nghệ?”. Ông chỉ cười nhẹ nhàng: “Nói giải nghệ cũng được mà nói chẳng bao giờ cũng được, vì đời võ của tôi sẽ được học trò tiếp truyền mà”.

Vâng! Giờ thì tôi đã thật sự thấm câu này. Thôi, xin lão võ sư hãy an nghỉ cùng các vị chân sư của mình. Tôi có niềm tin rằng lớp cháu con, học trò ông sẽ tiếp bước con đường võ đạo mênh mông…

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên