01/02/2022 13:12 GMT+7

Võ đài của những anh thư - Cảm hứng Thu Nhi 'đấm' bay định kiến

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC
HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC

TTO - Mồ hôi, máu, những cú đấm tàn bạo và những khuôn mặt bầm giập... Một thời võ đài boxing bị xem là nơi quá bạo lực dành cho nữ giới ở Việt Nam.

Võ đài của những anh thư - Cảm hứng Thu Nhi đấm bay định kiến - Ảnh 1.

Thu Nhi mừng chiến thắng sau khi đoạt đai vô địch WBO - Ảnh: M.Q.

Trong một năm làng thể thao vẫn còn đình trệ vì đại dịch, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi trở thành cái tên sáng giá khi mang về đai vô địch WBO thế giới đầu tiên trong lịch sử boxing VN. Chiến tích của cô gái quê An Giang còn là một câu chuyện truyền cảm hứng, dần thay đổi cái nhìn của mọi người dành cho những tay đấm nữ.

Đó là vào những năm thập niên 1990, khi việc tập luyện và thi đấu boxing nữ ở VN phải tạm ngưng.

Phải đến đầu thập niên 2000, boxing mới chính thức quay trở lại với những cô gái Việt.

Nỗi niềm nữ đấu nam

Nguyễn Thị Thu Hảo - người từng là võ sĩ boxing đời đầu ở VN - kể: "Khi boxing mở cửa trở lại, một số chị em ở các môn khác được bảo sang tập thử. Ban đầu mọi người rất hăng hái vì đây là môn thể thao sôi động, có tính đối kháng cao.

Nhưng tập được một thời gian thì người bỏ cuộc, người bị cha mẹ gọi về không cho tập nữa vì thấy sợ quá. Hằng tuần, hằng tháng đều bị chấn thương bầm giập mặt mày một vài lần" - Thu Hảo kể.

Chỉ sau một năm, Thu Hảo trở thành nữ võ sĩ duy nhất còn sót lại trong đội boxing thành phố lúc bấy giờ. Sở dĩ chị bền chí hơn so với các đồng môn cũng nhờ gốc võ thuật của gia đình. Thu Hảo vốn là người Bình Định, mẹ chị là con nhà võ.

Khi gia đình vào Sài Gòn từ những năm 1990, ba mẹ chị cho con đi học võ với mục đích cường thân, kiện thể.

Là nữ võ sĩ duy nhất trong đội, Thu Hảo phải trải qua những buổi tập dở khóc dở cười: tập giác đấu với những đồng đội nam. "Tập chay thì muôn đời không khá nổi vì đây là môn đối kháng, cần trau dồi kinh nghiệm thực chiến liên tục. Vì vậy HLV buộc phải cho tôi tập với các đồng đội nam".

Trong võ thuật, chuyện giác đấu nam nữ là hoàn toàn phi lý. Ấy vậy mà suốt nhiều năm qua, những cô gái ở đội boxing TP.HCM đã dần quen với điều đó.

Nguyễn Thị Ngọc Giàu, học trò của HLV Thu Hảo, cho biết: "Các võ sĩ nam nhanh hơn, mạnh hơn, khả năng chịu đòn cũng tốt hơn. Đánh với các đàn anh giống như đánh với những đối thủ quá tầm. Dù vậy cũng giúp chúng tôi rèn luyện được rất nhiều thứ, như khả năng chịu đòn, tâm lý, kinh nghiệm...".

Võ đài của những anh thư - Cảm hứng Thu Nhi đấm bay định kiến - Ảnh 3.

Thu Hảo ngày nay đã không còn đơn độc trên sàn tập boxing - Ảnh: HUY ĐĂNG

Thu Nhi đã chứng tỏ các cô gái Việt cũng có thể tỏa sáng ở môn thể thao gian khổ này. Và hơn nữa, chúng tôi muốn cho mọi người thấy boxing nữ cũng có vẻ đẹp đặc biệt của nó, thay cho định kiến về một môn thể thao bạo lực.

NGUYỄN THỊ THU HẢO (cựu võ sĩ boxing)

Chiến đấu với định kiến

Trải qua những năm đầu gian khó, boxing dần được thừa nhận trong những năm sau này. Quân số đội boxing nữ ở các tỉnh thành dần đông lên, riêng TP.HCM có khoảng 10 nữ VĐV trong đội tuyển. Dù vậy định kiến dành cho boxing vẫn không thay đổi mấy.

"Tôi vốn mê đánh võ từ nhỏ nhưng ba mẹ theo cản hoài vì sợ miệng đời dị nghị, rồi con gái mà suốt ngày đánh đấm sẽ khó lấy chồng... Thế nên ngày quyết định chuyển sang đấu võ, tôi đã giấu mẹ.

Vì đam mê, tôi tiến bộ nhanh và đánh nhiều môn võ khác nhau, từ võ cổ truyền đến muay, kickboxing, wushu và quyền anh. Năm 20 tuổi, tôi vô địch quốc gia cả môn võ cổ truyền lẫn kickboxing" - Lê Thị Hồng Đào, võ sĩ hạng cân 60kg có thân hình rắn rỏi, nói.

Nhưng con gái tập võ có muôn vàn khó khăn, đó không chỉ là sự mệt nhọc, đau đớn thân thể mà còn cả tiếng đời. "Tôi đã xác định đây là đam mê của mình nên cứ đuổi theo. Ai thương tôi sẽ chấp nhận công việc của tôi" - Hồng Đào nói.

Còn Ngọc Giàu kể cô từng "chiến tranh lạnh" với ba mình để được tập võ. Giàu tìm đủ cách để trốn ba đi tập và rồi cũng thắng trong "trận chiến" lên võ đài.

Võ đài của những anh thư - Cảm hứng Thu Nhi đấm bay định kiến - Ảnh 5.

Hồng Đào trong buổi tập "nữ đấu nam" - Ảnh: TẤN PHÚC

Ngọn đuốc Thu Nhi

Trong môn boxing, hệ thống thi đấu Olympic (bao gồm SEA Games, Asiad) chỉ được xem là nghiệp dư. Vài năm gần đây hệ thống võ đài chuyên nghiệp bắt đầu tiếp cận VN, mở ra một vùng trời mới cho những võ sĩ Việt.

Từ chỗ chỉ biết ăn tập theo chế độ nhà nước, các võ sĩ giờ đây tìm kiếm cơ hội ở những CLB tư nhân, rồi tham gia những võ đài quốc tế. Và trên võ đài của những anh thư, Nguyễn Thị Thu Nhi là cái tên nổi bật nhất.

Tháng 10-2021, cô đánh bại Etsuko Tada (Nhật) để giành đai WBO thế giới hạng lông (48kg), trở thành nhà vô địch WBO thế giới đầu tiên của VN trong làng boxing chuyên nghiệp.

Lạ ở chỗ Thu Nhi lại chưa từng thành công trên võ đài boxing nghiệp dư. Cô tập nhiều năm ở đội boxing thành phố và hầu như chưa gặt hái thành tích nổi bật nào.

"Giữa boxing nghiệp dư và chuyên nghiệp có nhiều điểm khác nhau. Boxing nghiệp dư đề cao tốc độ, đánh trúng càng nhiều càng có điểm cao. Boxing chuyên nghiệp thì dài hơi hơn, lại không có giáp bảo hộ, cần cú đấm mạnh hơn. Người có tốc độ chậm như tôi có thể tập trung vào việc ra một đòn quyết định" - Thu Nhi giải thích.

Chiến tích của Thu Nhi như một ngọn đuốc dẫn đường cho các cô gái đam mê boxing. Thu Hảo ước rằng mình có thể trẻ lại 10 tuổi khi chứng kiến chiến tích của đàn em trong trận tranh đai WBO. "Nếu có cơ hội, chắc chắn tôi muốn được đấu võ đài chuyên nghiệp như Thu Nhi. Các VĐV trẻ ở đội cũng thế, chiến thắng của Nhi khiến mọi người rất háo hức".

Khi những định kiến dần biến mất, mồ hôi, máu hay những chấn thương bầm giập cũng không còn có thể ngăn cản các anh thư bước lên võ đài mà họ đam mê.

Thu Nhi: "Tôi là một tay đấm bình dị"

* Cuộc sống của Nhi thay đổi thế nào sau khi trở thành nhà vô địch thế giới?

- Tôi vẫn tập luyện hằng ngày ở CLB Cocky Buffallo của HLV Kim Sang Bum. Bây giờ tôi phải tập luyện nhiều hơn nữa vì phải bảo vệ đai vô địch của mình.

Theo quy định, cứ 4-6 tháng tôi phải thượng đài một lần để bảo vệ đai. HLV Kim có ý định tổ chức trận đấu bảo vệ đai cho tôi trong vài tháng tới tại VN nên tôi cần nỗ lực.

* Bạn nghĩ sao khi giờ đây mình trở thành thần tượng của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là VĐV võ thuật?

- (Cười) Chắc không đến mức vậy đâu. Có thể có nhiều võ sĩ trẻ yêu mến tôi vì tôi đã trở thành nhà vô địch.

Nếu họ muốn tôi truyền đạt kinh nghiệm hay chỉ vẽ bất kỳ điều gì tôi cũng luôn sẵn lòng. Tôi chỉ nghĩ mình là một tay đấm bình dị. Sau chiến thắng ở trận tranh đai WBO, giờ đây tôi muốn giành thêm vinh quang về cho đất nước ở kỳ SEA Games sắp tới.

Cải thiện nét đẹp hình thể bằng boxing

Ban ngày Thu Hảo làm việc ở tuyển boxing TP.HCM với tư cách HLV. Đến tối chị thuê lại sân bãi nơi đây để mở lớp dạy boxing cho các bạn trẻ.

Có không ít cô gái trong tuổi đôi mươi đến tập ở lớp của Thu Hảo với mục đích giữ dáng và rèn luyện kỹ năng tự vệ. Thật vậy, nếu tập đúng cách, boxing hoàn toàn có thể cải thiện nét đẹp hình thể.

Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi: Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi: 'Ước mơ của tôi với boxing vẫn còn nhiều lắm!'

TTO - Trong niềm vui chiến thắng, Thu Nhi hướng về camera hét lớn: "I’m from Vietnam" (Tôi đến từ Việt Nam): "Tôi chỉ muốn hét lên để mọi người trên thế giới biết mình đến từ VN và các võ sĩ VN cũng có thể bước lên đài danh vọng thế giới".

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên