Ảnh: LAM ĐIỀN
Lại một lần nữa, bạn đọc có dịp nhấm nháp hình tượng quê nhà trong văn của , mặc dù khái niệm "quê nhà" ở đây xem chừng khó cắt nghĩa cho rành rẽ.
Nếu ai để ý đến những bài viết bên dưới ký ba chữ Võ Đắc Danh từ hồi trước năm 2000, sẽ thấy ở đó đã có ý niệm về quê nhà rất rõ; nhưng tiếp đến sau này, và mãi đến gần đây khi mạng xã hội facebook ra đời, những bài viết của Võ Đắc Danh cũng không thoát được cái ấn tượng quê nhà, có điều khái niệm ấy dần dần ngấm vào câu chữ, ngấm vào suy nghĩ, thổn thức trong hơi văn của tác giả...
Nên gọi đó là nỗi ám ảnh cũng không phải quá đáng.
Anh từng kể câu chuyện tự tay đem bộ nhau thai khi sinh con ngâm rượu uống để ý niệm "chôn nhau cắt rún" được chuyển hóa vào trong lòng người.
Như vậy thì, quê nhà trong văn Võ Đắc Danh không còn khuôn hẹp nơi một vùng một xứ một miền nào nữa. Ở tập sách mới ra mắt lần này, anh vẫn tự giới thiệu đây là "Tự sự của một người nông dân cầm bút", đó chẳng phải cũng là một nỗi ám ảnh hay sao?
Quê nhà trong những trang văn của Võ Đắc Danh quá nhiều cung bậc thú vị. Anh gọi tên tập sách là Chuyện đời chuyện nghề, ý chừng anh chỉ nói xoay quanh các chuyện của mình. Nhưng hóa ra cái hoàn cảnh của anh, của dòng tộc anh, của xứ sở anh... lại là một loại điển hình của dân, của nước.
Sự trôi dạt từ đời ông, cha anh chèo ghe bồng trống nhau đi khai khẩn dựng nhà đứng chân trên đồng chó ngáp đến khi trằn mình chịu binh lửa chiến tranh, nội ngoại họ hàng có 49 liệt sĩ mà riêng nhà anh đóng góp ba người ruột thịt là cha và hai anh.
Nhà văn Võ Đắc Danh trong một buổi ra mắt sách - Ảnh: L.ĐIỀN
Đọc Võ Đắc Danh trong tập này có những đoạn viết về không gian thời thơ bé thật vui và đặc biệt đậm chất miền tây.
Những câu chuyện đan rập bắt cua, lượm trứng le le trong đồng, đốt cả mẫu đồng cỏ năn để lùa chuột, đan lá dừa nước thành những chiếc "cách" để đi săn tìm những sản vật từ đồng cỏ... lại gợi nhớ đến những Giấc mơ ông lão vườn chim, Mùa con cúm núm kêu, Bắt sấu rừng U Minh hạ... từng đóng đinh trong trí nhớ nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam về sản vật miền Tây.
Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì hình tượng quê nhà trong văn Võ Đắc Danh không đủ thành ám ảnh. Đọc, thấy quê hương tác giả trải qua đủ loại thăng trầm, thấy tác giả chỉ kể chuyện mình, nhưng càng đọc, càng thấy thương dân mình quá đỗi.
Nhà văn có biệt tài không mở miệng nói thương ai, chỉ tỉnh khô kể chuyện chiến tranh tràn qua những thân phận cơ cực nghèo xơ xác nhưng một lòng quyết giữ đất và tin yêu những người kêu họ cùng giữ gìn đất nước.
Để rồi đến chừng hết giặc, những người dân quê anh bỗng thấy mình không được sở hữu cây củi đước nữa, bởi "Củi đước được đổi tên gọi thành "chất đốt" do nhà nước độc quyền quản lý... dân nông thôn thì quơ luộc sạp các loại cây tạp trong vườn, dân chợ thì chuyển sang các lò mạt cưa, nhà giàu thì mua củi lậu với giá cao" (Đi qua thời niên thiếu).
Chỉ một chuyện củi thôi, mà thấu cả thế thái nhơn tình, đắng cả quê hương qua mấy hồi dâu bể...
Có lẽ, viết giới thiệu về Võ Đắc Danh sẽ thừa, chi bằng để bạn đọc tự mình chiêm nghiệm qua trang văn của anh.
Như nhân dịp này anh in lại câu chuyện về tác phẩm Kính thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng chấn động làng văn làng báo cả nước hồi năm 2002 - 2003, cũng để cho những ai chưa nắm bắt được dịp đọc lại một câu chuyện ly kỳ về hệ lụy anh phải gánh chịu từ trang viết của mình. Và qua đó lại nhận chân được biết bao nhân cách, tình người và cả thói đời...
Nhưng đây chỉ là tập 1 thôi, Chuyện đời chuyện nghề của Võ Đắc Danh còn hứa hẹn bạn đọc ra thêm tập 2 nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận