Sáng ngày 5.2.2021 đọc FB của anh Phan Xuân Trung biết tin HS Nguyễn Tài bị mất ở Mỹ ngày 4.2.2021 vì căn bệnh ung thư tôi thực sự choáng . Nhớ cách đây vài tuần tôi còn được đạo diễn Mỹ Khanh trao đổi về một dự án nghệ thuật liên quan đến nhân vật biếm họa Linda Kiều và tôi còn góp ý, dứt khoát phải có anh Nguyễn Tài tham gia …Thế mà giờ anh ấy đã chia tay chúng ta mãi mãi rồi.
Trong quyển sách Biếm họa Việt Nam của tôi xuất bản cách đây tròn 10 năm , tôi đã dành 6 trang giới thiệu về HS Nguyễn Tài và tranh biếm họa của anh ấy với tiêu đề “ CHA ĐẺ ”CỦA LINDA KIỀU . Trước đó có xem tranh biếm họa của Nguyễn Tài trên Tuổi trẻ cười… rồi được nghe các bạn HS biếm họa Sài Gòn kể nhiều chuyện về sự đa tài của anh ấy : Nào vẽ minh họa cho báo chí, cho cả sách giáo khoa, rồi vẽ hoạt hình , vẽ biếm họa v.v… muốn giới thiệu anh trong quyển sách Biếm họa Việt Nam nên tôi đã từ Hà Nội vào Sài Gòn gặp anh, trực tiếp nói chuyện với anh về cái nghiệp biếm mà chúng tôi đang cùng theo đuổi . Được quen biết , tiếp xúc và hợp tác với khá nhiều HS vẽ biếm họa có tiếng của Việt Nam và quốc tế nhưng cho đến khi gặp , trao đổi chuyện nghề với Nguyễn Tài, tôi thực sự thán phục tay nghề của anh ấy vì chưa thấy ai có thể khơi khơi vẽ tranh minh họa, tranh hoạt hình, tranh biếm họa… kể cả tranh có màu “ một phát ăn ngay ” mà không cần vẽ nháp, không cần dùng đến cục gôm và đã tạo dựng nên một chuyện tranh biếm họa nhiều kỳ đắc sắc vô tiền hậu khoáng kéo dài tới 37 năm : Linda Kiều.
Lịch sử biếm họa Viêt Nam thời Pháp thuộc từng có 1 chuyện tranh biếm họa nhiều kỳ rất nổi tiếng , rất được ngưỡng mộ có tên Lý Toét , Xã Xệ đăng trên báo Phong Hóa & Ngày nay kéo dài gần chục năm . Nhưng đó là sáng tác của rất nhiều họa sĩ khác nhau và hoàn cảnh ra đời cũng rất khác: Khá thuận khi vẽ tranh diễu cợt cái u mê, ngớ ngẩn , keo kiệt lại tỏ vẽ tinh tướng của đám quan lại “ ăn trên ngồi trốc” ở làng quê phía Bắc ...
Còn sau 1975 mà tạo dựng nên chuyện tranh biếm họa nhiều kỳ LINDA KIỀU trên Tuổi trẻ cười ngay từ cái thời trước Đổi mới 1984 rất khó khăn ấy và nuôi nó cho đến năm 2021 này mà vẫn hấp dẫn lôi cuốn bạn đọc thì đúng là kỳ tích có một không hai và nó cũng chỉ có thể diễn ra ở TP Hồ Chí Minh.
Giờ khi họa sĩ Nguyễn Tài không còn nữa, chúng ta mới nhận thấy rõ cái khoảng trống mênh mông về tranh biếm họa nhiều kỳ mà anh ấy để lại. Liệu bao nhiêu năm nữa mới có một HS Biếm họa Việt Nam đủ tài năng và nhiệt huyết để dựng nên một chuyện tranh biếm họa nhiều kỳ đặc sắc tương tự?
Tưởng nhớ anh,tôi xin gửi tới tòa soạn báo Tuổi trẻ cười bài viết về anh đã in trong cuốn “BIẾM HỌA VIỆT NAM” do tôi viết, xuất bản tháng 2/2011:
“ CHA ĐẺ” CỦA LINDA KIỀU
Một tờ báo có tiếng nọ mời ông HS biếm Nguyễn Tài vẽ “cấp cứu” cho mấy cái tranh minh họa. Ông đến, hỏi qua cốt truyện, xin tờ giấy. Chỉ ba phút... không nháp, không tẩy, ông đã vẽ xong, nộp tranh, có màu hẳn hoi. Ông phụ trách xem tranh, hài lòng, chép miệng ra vẻ hiểu biết: “Cha nội này tải trên mạng xuống nhanh thật!”.
Họa sĩ biếm này tên thật là Nguyễn Hữu Tài, nhưng ngại người ta cho mình “có tài” nên bút danh bỏ đi chữ Hữu chỉ còn Nguyễn Tài.
Đã cố giấu, nhưng cái tài nó cứ lộ ra quả là “độc nhất vô nhị” với cái “tật” vẽ bất cứ gì từ biếm họa, minh họa... không hề vẽ nháp, không cần dùng cục tẩy (cục gôm) vì không hề tẩy, ý tranh ông đã xếp sẵn trong đầu rồi cứ thế vẽ ngay ra giấy; mà tranh thì nhiều lớp lang, nhiều nhân vật, rất sống động, sắc sảo. Không ít lần ông vẽ trực tiếp lên bản phim để chế bản (support) - thông thường người ta phải vẽ lên giấy can trước rồi dán lên - đến nổi có người phát hoảng la lên rồi giật bản phim lại vì sợ hỏng. Nhưng ông đã vẽ thì cứ yên tâm.
Quả là đáng kính phục!
Ông họa sĩ chính gốc Sài Gòn này, năm 1967, khi mới 20 tuổi đã tốt nghiệp ngành hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Ngay khi còn ngồi trên ghế Trường Cao đẳng ông đã vẽ tranh truyện cho nên sau khi tốt nghiệp ông dấn thân vào con đường đồ họa bởi theo ông nó hợp tính cách của ông hơn và loại hình nghệ thuật này đã, đang và luôn gần gũi với người xem.
Sau 1975, với sự khuyến khích của họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành) ông đã tham gia ngay vào lực lượng họa sĩ biếm họa rất ít ỏi của Sài Gòn bấy giờ và trụ vững cho đến ngày nay. HS biếm Nguyễn Tài là một trong những họa sĩ cộng tác rất sớm với các báo Sài Gòn giải phóng, Lao động... Rất nhiều biếm họa của ông đã để lại dấu ấn ở các báo này.
Nhưng trong hàng chục tờ báo Trung ương và địa phương mà ông cộng tác nói trên, ông vẽ nhiều nhất, gắn bó nhất là tờ Tuổi trẻ cười; tham gia vẽ từ số đầu tiên ngày 1/1/1984, và nhân vật biếm họa của ông được độc giả yêu mến nhất là Linda Kiều, truyện tranh nhiều kỳ, hàng “độc” của báo này trên mười năm nay.
Ban đầu là truyện tranh về ông Hai Nhái (có tật cái gì cũng nhái) và cô con gái tên là Linda Kiều. Hai “cha con” này “ra đời” cùng một ngày nhưng độc giả rất tinh cứ nhằm “cô con gái” mà thích cho nên người ta cho “ông bố” nghỉ hưu non và chỉ còn cưng mỗi mình cô con gái, ngày càng xinh đẹp nõn nà, hấp dẫn hơn, nhất là từ ngày Linda Kiều được in màu.
Trời, trông đôi mắt bồ câu ngây thơ, đôi môi chúm chím, và cái vòng một, vòng hai, vòng ba tuyệt vời... của nàng mà nàng lại trẻ mãi không già thì đến “nam tử hán” cũng chết chứ nói gì đám quý ông có tiền, có quyền lại có “máu dê”!
Có thể xem Linda Kiều là truyện tranh biếm họa nhiều kỳ thành công nhất ở Việt Nam. Độc giả luôn háo hức chờ xem LINDA Kiều ra chiêu “thỏ thẻ” mới nào trong số báo tiếp theo, cho nên dù có vin vào cái cớ “tuổi già sức yếu” họa sĩ Nguyễn Tài cũng không được phép “buông” kiều nữ này. Linda Kiều nổi tiếng đến mức đã được đoàn kịch Tuổi trẻ cười đưa lên sân khấu và người hâm mộ Linda Kiều chắc sẽ rất tự hào vì có thể một ngày gần đây Linda Kiều sẽ được giới thiệu trên màn ảnh bởi một hãng phim có uy tín trong nước.
Đa tài nên ông được trọng dụng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như đạo diễn phim hoạt hình (Hãng phim Giải phóng), dạy đồ họa ứng dụng (Đại học Hoa sen), vẽ truyện tranh... Nhưng ông chọn và quyết trọn đời với biếm họa. Được hỏi vì sao dám quyết tâm chọn biếm họa ngay từ ngày giải phóng, ông cho biết: “Chọn vẽ biếm vì lúc đó biếm họa là một dạng thông tin phổ biến hàng đầu (vì luôn được đăng ở trang đầu các báo!!!). Mặt khác cứ thấy chuyện trái tai gai mắt ngoài đời... là vẽ biếm họa đưa lên báo, vừa có tiếng, vừa đỡ tức... lại có tiền, dù nhuận bút khi đó chỉ đủ vài ly cà phê đá!”
Nói là vậy nhưng ông công nhận đời biếm họa nốt thăng thì ít mà nốt trầm thì thường xuyên, thường trực. Nhưng cuộc đời có hậu, HS biếm Nguyễn Tài là một trong số ít HS biếm ở TP.HCM sống được bằng nghề biếm họa của mình và ông tự hào vì điều đó. Họa sĩ biếm NHỐP, người được họa sĩ Nguyễn Tài trao cho “cái cờ biên tập tranh” rất nặng của mình ở báo Tuổi trẻ cười để “chạy tiếp” đã nhận xét về ông: “Là một con người cực kỳ hài hước trong một con người rất nghiêm túc, lịch lãm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận