Một ngôi nhà ở xã Nặm Păm bị lũ cuốn mất một nửa - Ảnh: HÀ THANH |
Ngày 7-8, vượt qua nhiều địa điểm bị sạt lở, chúng tôi đến được xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Lũ qua đi nhưng nỗi đau mất mát còn ở lại. 142 ngôi nhà ở đây đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Người chết, người mất tích, nhà vùi trong lũ, cảnh tượng tang thương trong nước mắt.
“Chỉ muốn chết theo vợ con”
Từ bản Hua Nặm đi vào trung tâm xã Nặm Păm chỉ thấy trơ sỏi đá khi nhà cửa bị nước lũ cuốn trôi, người dân ngồi thất thần trên những mỏm đá còn trơ lại sau dòng nước lũ. Những hộ dân bị mất nhà cửa đang được bộ đội giúp đỡ, dựng lán ở tạm. Nhưng trong họ vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng khi trận lũ lịch sử quét qua đêm 2-8.
Ngồi trong lán dựng tạm, anh Cà Văn Uẩn (thôn Huổi Liếng, 30 tuổi) không còn khóc được nữa. Trước mặt anh là ba bát nhang cho vợ và hai con. “Vợ con bị nước lũ cuốn trôi, chết hết rồi. Mấy hôm trước tìm được xác, chôn ba mẹ con nó tạm trên rừng, phải lập tạm bàn thờ ở đây. Nhà cửa không có, vợ con không có, không muốn sống nữa đâu, chỉ muốn chết theo thôi” - anh Uẩn xót xa.
Hàng xóm anh Uẩn kể hôm nước lũ lên, tràn vào nhà, chỉ có mình anh Uẩn chạy kịp, còn lại ba người bị lũ cuốn mất...
Lên cao nữa là thôn Bản Hốc, chị Cà Thị Vặt nằm bất động, nước mắt cứ trào ra. Nỗi đau mất chồng, mất con khiến chị không đủ sức gượng dậy. Sợ chị chết theo chồng con, hàng xóm cứ túc trực bên chị động viên, chăm lo sức khỏe cho chị.
Chồng chị là Quàng Văn Năm và con trai là Quàng Văn Nhợp (18 tuổi) bị nước lũ cuốn trôi, đang mất tích. Người dân cho hay đau đớn hơn là Nhợp vừa thi xong THPT, giấy báo vừa được gửi về...
Gặp em Quàng Thị Xuân (15 tuổi) đi dọc bờ suối, khóc lên khóc xuống trên đường cố gắng đi để tìm kiếm cha và anh trai, Xuân nói trong nước mắt: “Em tìm bố và anh ở thủy điện Hòa Bình nhưng không được. Hôm trước em mơ thấy bố bị đất đá vùi lấp. Em không cần gì hết, chỉ muốn bố sống, anh sống, muốn gia đình đủ người”.
Bà Tòng Thị Chơn (35 tuổi, thôn Huổi Liếng) nhớ lại khi 2h sáng nước lũ về, cả nhà cứ chạy lên cao, không kịp mang theo cái gì, chỉ biết di chuyển từ nhà này sang nhà kia. “Giờ không biết làm lại thế nào nữa, nhà trôi hết, quần áo không có mặc, mình cần nhà lắm” - bà Chơn nghẹn ngào.
6 chó nghiệp vụ tìm kiếm người mất tích
Thống kê mới nhất cho thấy huyện Mường La có 10 người chết (trong đó xã Nặm Păm có 6 người), 5 người mất tích, 12 người bị thương. 398 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 176 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 191 nhà hư hỏng nặng và 31 nhà bị sạt lở, vùi lấp...
Ông Nguyễn Thành Công, bí thư Huyện ủy Mường La, cho biết sau sáu ngày lũ quét qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La còn mưa nhỏ, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh, công an, biên phòng vẫn tập trung công tác khắc phục hậu quả ở vùng lũ.
Ông Công cho biết hiện đã tìm kiếm được 10 thi thể của người bị lũ cuốn, đã chôn cất và hỗ trợ theo chính sách Nhà nước. 12 người bị thương đang được chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ thuốc tối đa để đảm bảo sức khỏe.
Hiện Mường La còn 5 người bị mất tích, ông Công cho hay các lực lượng tiếp tục tìm kiếm liên tục tại hạ lưu sông Đà, dòng suối Nặm Păm. “Sáng nay có sáu chó nghiệp vụ của Bộ tư lệnh Biên phòng chuyển lên cùng chúng tôi đi tìm kiếm dọc tuyến này” - ông Công nói.
Theo ông Công, hiện khó khăn nhất ở Mường La là hạ tầng giao thông, tuyến đường huyết mạch nối Nặm Păm với huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) bị cắt đứt nên khó khăn trong tiếp cận cứu trợ. Xe chở hàng cứu trợ đến địa điểm sạt lở rồi sau đó phải sử dụng sức người chuyển vào. Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi, nếu tiếp tục mưa lớn thì lượng nước rất lớn, lũ lên thì khó tiếp cận với người dân.
Phải cảnh báo sớm lượng mưa để dân phòng lũ Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, thiên tai trên cả nước đã làm 106 người chết và mất tích, 1.019 ngôi nhà bị sập, trôi. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 5.000 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng thiệt hại ở hai tỉnh Sơn La, Yên Bái qua trận lũ vừa qua đã lên tới hơn 800 tỉ đồng. “Việc chỉ đạo ứng phó thời gian tới cần nhận diện và thay đổi ra sao để giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai có yếu tố dị thường như các trận mưa lớn gây lũ ống, lũ quét thời gian qua?” - phóng viên hỏi. Ông Thắng trả lời: “Đúng là những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu trong chỉ đạo ứng phó thời gian tới phải có thay đổi”. Theo ông Thắng, có ba điều cần làm: - Thứ nhất là phải nhận diện được những vùng chịu tác động về thiên tai như trên. Đó là những vùng có các đặc điểm về địa hình, địa chất, khả năng tạo ra dòng chảy nếu có mưa lớn, việc này chúng ta có thể nhận diện được. - Thứ hai, cần thực hiện lắp đặt các thiết bị đo mưa để cảnh báo sớm, việc này hoàn toàn có thể làm được với chi phí không cao. Tuy nhiên, theo tôi, việc đầu tiên là phải rà soát, đánh giá lại các vùng có nguy cơ rủi ro dựa trên các yếu tố đã nói để có giải pháp cảnh báo sớm cho bà con. - Thứ ba, cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng một cách phù hợp để giúp bà con phòng, tránh rủi ro khi có thiên tai. Ngoài ra, phải tăng cường biện pháp gọi là quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng, tức là trang bị cho chính quyền địa phương, người dân những kiến thức để phòng, tránh rủi ro”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận