13/10/2024 11:51 GMT+7

Vợ chồng xa nhau, vẫn giữ tình gần

YẾN TRINH
và 1 tác giả khác

Nhiều người tỏ ra hoài nghi về khả năng tồn tại ngôi nhà hạnh phúc của những cặp vợ chồng xa nhau chồng một nơi, vợ một nẻo.

Vợ chồng xa nhau, vẫn giữ tình gần - Ảnh 1.

Yêu nhau, lấy nhau phải hiểu nửa kia và công việc của họ - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Sự xa cách về địa lý dễ dẫn đến kết cục buồn nhiều hơn vui, thế nhưng không ít cặp vợ chồng xa nhau vẫn biết cách vun vén cho gia đình mình.

Anh Hồ Hải và chị Khả Tú (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đều có công việc văn phòng nhẹ nhàng, ổn định. Tính anh thích thử thách, làm hoài một công việc cảm thấy không có sự đột phá, nhất là về tài chính.

Anh nơi xa có nghĩ đến em không...

Vậy là anh Hải nghỉ việc, theo bạn bè mua bán đất, mặt bằng kho bãi ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận... Ban đầu lo lắng, nhưng vì thương chồng, chị Tú động viên anh cố gắng.

Những thói quen có với nhau mỗi ngày giờ đây tạm gác lại. Không còn cảnh cùng ăn sáng, cà phê rồi đi làm. "Những hôm ngồi một mình bên dĩa cơm gần cơ quan, nước mắt tôi chực trào khi nghĩ tới anh. Giờ này đang lặn lội nơi đâu, ăn uống gì chưa. Nắng nôi, mưa gió, lại đau đầu sổ mũi cho coi...", chị tâm sự.

Còn anh có những lúc ngồi thở dốc giữa đồi hoang nhìn về hướng thành phố mây đen kịt, lo lắng vợ có quên không bỏ áo mưa vô cốp xe. Xong việc, anh chạy hơn trăm cây số về với chị. Biết bao chuyện hỉ nộ ái ố tuôn trào bên mâm cơm.

Giọng buồn buồn, chị Trần Thị Hà (quê Ninh Bình, sống ở Hải Phòng) kể hôm đi sinh bé thứ hai, người nhà chưa kịp từ quê ra, chị phải gửi con trai đầu cho hàng xóm trông hộ. Chồng chị lúc này vẫn đang lái tàu viễn dương theo lịch trình chở hàng tận Dubai.

Chị Hà làm giáo viên, chồng đi tàu viễn dương mỗi chuyến 10 tháng tới một năm mới được về nhà nghỉ ngơi.

Mạnh mẽ vì nhau, cho nhau nhiều hơn

Những năm đầu làm dâu, chị Hà thường theo dõi hải trình tàu của chồng trên điện thoại cho bớt nhớ. Giờ chị đã quen với việc xa chồng nhưng lại ngấm thực tế cảnh sống vắng chồng, nhất là mỗi khi gặp sự cố.

"Nửa đêm sốt cao không đi mua thuốc được, con thì còn nhỏ. Không muốn phiền người khác, sáng tôi gọi điện cho hiệu thuốc, nhưng tới tối họ mới mang đến", chị giãi bày. Rồi lần đi mổ cấp cứu ruột thừa, nhà không có người nên tự tay chị ký giấy mổ cho chính mình. Bác sĩ phải thông cảm lắm mới cho phép ký.

Đợt sinh bé thứ hai chị cũng một mình. Nhìn thấy cảnh vợ chồng con cái người ta đi chơi, đi ăn uống cuối tuần, Hà lại chạnh lòng. Chị tự nhủ hôm sau chồng về đoàn tụ, cả nhà vui sau.

Đó là những nỗi niềm như sóng trào, còn tảng băng chìm của chuyện vợ chồng ở xa nhau nói sao cho hết. 

Chị Hà bộc bạch: "Lấy chồng lái tàu viễn dương không phải lo nhiều về chuyện kinh tế, cơm ăn, áo mặc, con cái học hành. Nếu gặp chồng tiết kiệm thì cứ lo vợ ở nhà ăn tiêu hoang phí, nhiều lúc nói những câu đến đau lòng: nhà chồng mua, vợ chỉ là người ở nhờ".

Chuyện tình cảm vợ chồng do đó có hai mặt. Mặt tích cực là vợ chồng gặp nhau ít nên không bị nhàm chán, nguội lạnh khi kết hôn lâu. Còn mặt tiêu cực là những điều tiếng.

Chị Hà đi làm, đồng nghiệp và người quen hay rỉ tai nhau: "Dân đi tàu bao nhiêu bến đỗ, mỗi bến một cô không biết sẽ mấy vợ, mấy con". Chồng đi tàu thì đồng nghiệp chồng bảo: Vợ ở nhà không ai quản lý nên "dễ bồ bịch, đem tiền hết cho trai".

Không có lửa làm sao có khói. Tuy nhiên theo Hà, mỗi người mỗi tính, ai có thói trăng hoa thì ở đâu, làm gì cũng có. Yêu nhau, lấy nhau phải hiểu nửa kia và công việc của họ.

Ở nơi chị sống, nhiều phụ nữ cũng lấy chồng làm nghề lái tàu, thủy thủ tàu. Chỉ tính cơ quan chị cũng vài ba cô giáo. Bà Bùi Thị Trinh, mẹ chị, ở với con gái từ khi chị sinh bé đầu rồi bé thứ hai vì nhà nội neo người. Bà tâm tình: "Nghề lái tàu cũng là một nghề, yêu thương thì lấy, chỉ có điều có ông bà nội ngoại, anh em họ hàng ở gần còn đỡ. Một mình vất vả, nhiều lúc bố mẹ ở quê không yên tâm".

Với Khả Tú, dù quen việc chồng đi làm xa nhưng đôi lúc chị tủi thân rồi dỗi hờn. Có những lần anh đi 2 - 3 tuần mới về. Chị còn trẻ, vắng chồng sẽ chạnh lòng, nhưng vì việc làm ăn của anh đang khả quan nên đành chấp nhận.

Chị cho rằng tuy cách xa nhưng vợ chồng một mực thương yêu, tin cậy nhau. Nhưng vườn hạnh phúc cũng lắm ngày mưa, trái trên cành cũng lắm trái chua, có những lúc cả hai nổi "máu khùng" với nhau vì họ mơ hồ sợ người kia xao lòng.

Thi thoảng thấy Facebook vợ có mấy đồng nghiệp, khách hàng lời lẽ đong đưa, anh Hải liền bực bội, bất an. Ngược lại, chị Tú nhắn tin lâu thấy chồng trả lời thì cũng "nghi nghi". Chị lo chồng phong độ, ăn nói hút hồn, ra ngoài sẽ lắm cô dòm ngó.

Thương vợ nên khi đi làm xa, anh rất ý tứ, giữ khoảng cách với người khác phái. Anh đi nhiều, gặp nhiều người, cơm hàng cháo chợ, ngủ nhà nghỉ khách sạn. Tới đâu anh chụp hình dính số phòng, địa chỉ rồi gửi Zalo như ngầm thông báo "chồng trong sạch, vợ yên tâm". 

Anh tin rằng nếu thật lòng muốn giữ hoa trái hạnh phúc, các cặp vợ chồng dù ít thời gian gần gũi cũng sẽ biết chăm bón, thu xếp vì nhau.

Vợ chồng xa nhau, vẫn giữ tình gần - Ảnh 2.Vợ chồng son cùng đi gìn giữ hòa bình ở châu Phi

Đội mũ nồi xanh, vai đeo ba lô, vợ chồng đại úy Hoàng Hữu Công Thành và thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Nguyệt Hà cùng các đồng đội Đội công binh số 3 lên đường đi gìn giữ hòa bình ở Abyei.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên