NSND Lê Khanh đọc bài thơ "Bàn tay em" của nữ sĩ Xuân Quỳnh trong đêm thơ nhạc tưởng niệm 30 năm ngày mất vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 2018 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Nhiều cái tên văn nghệ sĩ, trí thức, tướng lĩnh nổi tiếng sống không xa ngày nay cũng được đưa vào đặt tên đợt này như: nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Huy Du, nhà văn Nguyễn Minh Châu, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, thượng tướng Hoàng Minh Thảo…
HĐND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân cho tờ trình việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn trước khi trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 12.
Theo tờ trình, thành phố sẽ đặt tên cho 38 đường phố mới, điều chỉnh độ dài 9 tuyến đường và phố.
Đáng chú ý, trong số 38 tên được lấy ý kiến đặt tên đường lần này có trường hợp đặc biệt là vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
TP Hà Nội đề xuất phố Xuân Quỳnh bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại phường Trung Hòa. Phố dài 470m, rộng 10m (trong đó lòng đường rộng 6m, vỉa hè mỗi bên rộng 2m).
Phố Lưu Quang Vũ dự kiến từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện Trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430m, rộng 17,5-26m (lòng đường 7,3-13m, vỉa hè mỗi bên từ 5-6,5m).
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng 10-11 về thông tin này, bà Lưu Khánh Thơ - đại diện gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh - cho biết bà rất vui mừng.
Bà Khánh Thơ cho biết việc đề nghị đặt tên đường với tên của hai tác giả đã được người hâm mộ có ý kiến từ lâu, ngay sau một thời gian ngắn hai tác giả qua đời vào năm 1988.
Năm 2018, Hội Nhà văn Việt Nam cũng có văn bản gửi lên hội đồng đặt, đổi tên đường TP Hà Nội đề nghị đặt tên đường với tên của vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.
Nay TP Hà Nội đưa ra lấy ý kiến người dân về phương án thành phố muốn đặt tên đường mang tên hai tác giả, bà Khánh Thơ cho rằng đây là việc đáp ứng được nguyện vọng của người hâm mộ và gia đình.
Bà Thơ cho biết thêm, ở Quy Nhơn đã có đường Lưu Quang Vũ nhưng chưa có đường Xuân Quỳnh, trong khi TP.HCM có đường Xuân Quỳnh nhưng lại chưa có đường Lưu Quang Vũ.
Riêng thành phố Đã Nẵng quê hương của Lưu Quang Vũ có tên đường cả hai vợ chồng nhưng không nằm gần nhau.
Nay Hà Nội đặt tên hai vợ chồng thi sĩ cho hai con đường gần nhau ở quận Cầu Giấy, gia đình rất vui mừng.
Chỉ có chút "lăn tăn" nhỏ vì nguyện vọng của gia đình và giới văn nghệ sĩ, người hâm mộ là đặt chung tên hai người cho một con đường là đường Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, hoặc tên hai người đặt cho 2 đường phố nối tiếp nhau, hoặc hai con phố giao nhau như trường hợp đường Lạc Long Quân - Âu Cơ ở Hà Nội.
Bởi trường hợp vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh là một trường hợp cặp vợ chồng văn nghệ sĩ rất hiếm hoi khi tên tuổi họ luôn gắn liền với nhau, trở thành "huyền thoại" trong lòng người hâm mộ cả về tài năng lẫn tình yêu. Họ cũng là cặp vợ chồng duy nhất cho đến nay mà cả hai cùng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Tuy vậy, bà Khánh Thơ bày tỏ sự thấu hiểu bởi ở Hà Nội chưa có tiền lệ một đường mang tên cả hai danh nhân và tìm hai đường mới giao cắt hoặc nối tiếp để đặt tên của hai vợ chồng cũng không dễ.
Đợt này, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, liệt sĩ sống cách thời hiện tại không xa cũng được dự kiến đặt tên đường.
Đó là nhà thơ Chế Lan Viên được dự kiến đặt cho một con đường dài 700m, rộng 12,5m tại quận Bắc Từ Liêm. Nhà văn Nguyễn Minh Châu được dự kiến đặt tên đường ở quận Long Biên; nhạc sĩ Huy Du được dự kiến đặt tên đường ở quận Nam Từ Liêm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản được dự kiến đặt tên đường ở quận Cầu Giấy.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân được cùng dự kiến đặt tên đường ở quận Long Biên.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được dự kiến đặt tên cho một con đường dài 2.100m, rộng 60,5m ở quận Bắc Từ Liêm.
Liệt sĩ Hà Văn Chúc (1938-1968) - một phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam, người đã một mình đương đầu với một phi đội máy bay của Không quân Hoa Kỳ - được dự kiến đặt tên đường ở quận Long Biên.
Ông Dương Đức Hiền (1916-1963) - người sáng lập và là tổng bí thư đầu tiên của Đảng Dân chủ Việt Nam - được dự kiến đặt tên cho một con đường ở huyện Gia Lâm.
Doanh nhân hàng đầu thời Pháp thuộc Nguyễn Sơn Hà (1894-1980) - người khai sinh nghề sản xuất sơn dầu ở Việt Nam - được dự kiến đặt tên đường tại quận Hà Đông.
Ngoài ra còn có nhiều danh nhân thời trung đại cũng được dự kiến đặt tên đường phố lần này như Hoàng Giáp Nguyễn Như Uyên, ông tổ nghề vàng quý Kiêu Kỵ Nguyễn Quý Trị, Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh, Dương Trực Nguyên (một nhà thơ, tiến sĩ thời Lê Thánh Tông), Học sĩ viện Hàn lâm các thời Lê sơ Lý Tử Tấn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận