21/08/2022 10:21 GMT+7

Vợ chồng đừng để lạnh mới bắt đầu hong lửa

HUỲNH VĂN SƠN
HUỲNH VĂN SƠN

TTO - Cưới nhau đã gần 10 năm, vợ chồng anh S. càng lúc càng xa nhau. Ban đầu cả hai quyết định cưới vì nghĩ là tâm đầu ý hợp, thế nhưng khi có con, người vợ chẳng thiết gì việc duy trì những cảm xúc giản đơn đã từng có bên chồng.

Vợ chồng đừng để lạnh mới bắt đầu hong lửa - Ảnh 1.

Duy trì thói quen đi dạo phố thường xuyên cùng nhau cũng là góp phần "giữ nhiệt" gia đình - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chị bỏ quên những chuyến đi phượt của tuổi trẻ. Hay đơn giản chỉ là thói quen câu cá của anh...

Tổ ấm sẽ trở thành chốn lạnh nếu mỗi người đuổi theo mục tiêu và hứng thú của mình mà quên rằng chúng ta cần nhau, vì nhau và vì những gì chúng ta đã chọn.

Ở gần mà lòng xa

Mỗi khi nhắc đến các chuyến đi, chị phải từ chối vì con còn bé; hay những lần gợi mở của anh về các hoạt động cùng nhóm bạn của anh thì chị cũng thoái thác vì ngán ngại do bạn anh nói quá nhiều.

Ở càng gần nhưng lòng càng xa bởi anh bắt đầu chuyển hướng sang các trò chơi mới, như đá bóng, làm bạn cùng máy tính, trò chơi điện tử, tần suất giao tiếp của vợ chồng càng lúc càng ít, mỗi người cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Là chuyên gia sau khi học tập ở nước ngoài về, anh H. trở thành "ngôi sao" khá có duyên sau khi nổi lên từ mạng xã hội. Ban đầu, người vợ cũng hết lòng ủng hộ, cố gắng sẻ chia với chồng. Thế nhưng, dần dần chị càng cảm thấy khó chịu bởi những gì anh ấy thể hiện thật với người thân và gia đình không giống như lời nói.

Anh vẫn đuổi theo những mục tiêu, phủ sóng nhiều hơn nữa; còn chị lạnh lùng hơn trong tương tác cùng anh; khó chịu ra mặt mỗi khi ai đó nhắc về anh.

Một lần cảm xúc đã lên cao, chị nói với cả gia đình và người thân là sao càng lúc thấy anh giả tạo đến thế trong buổi tiệc làm cho ai cũng bất ngờ. Dường như sự dồn nén của những xúc cảm âm tính làm cho người ta buộc bung mình bằng những câu nói, hành động mà nhiều khi chính mình cũng khó kiểm soát...

Thực ra nhiều cặp đôi chuyển từ tình yêu sang đời sống vợ chồng vẫn bị hẫng hụt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó là sự đổi thay về lối sống, lẽ sống nhanh quá mà mỗi người đều khó thích nghi. Hay cũng có thể là những áp lực của cuộc chung sống cả hai người hay từng người đều chưa thể vượt qua.

Hoặc đôi khi chỉ vì những chuyện rất giản đơn tưởng chừng không là gì mà lại tạo ra nhiều chuyện. Một trong hai dần nhiều tuổi nhưng lại quá trẻ con; một trong hai không chấp nhận sự đổi thay của người còn lại...

Cũng có thể là kiểu sống hết lòng vì bạn bè hay người thân làm cho người còn lại nản lòng; hay kiểu yêu con quá mức làm người ta "ghen tị trẻ con" cố hữu và tuột dần bởi các hành vi ứng xử...

Nhiều cách làm ấm

Các nguyên tắc dưới đây như những gợi ý có thể làm giảm đi các tác động tiêu cực đến bản thân mỗi người cũng như cuộc sống chung:

* Bớt kỳ vọng, hãy chấp nhận cái đang là thay vì phải là...

Thực tế, chẳng phải ai cũng có thể đạt sự kỳ vọng của chúng ta và nhất là người chúng ta chung sống không phải là quá đặc biệt hay quá tài năng... Và ngay cả đó là người có khả năng, cũng đừng nghĩ rằng người ấy có thể đáp ứng tất cả mong mỏi của chính ta.

Bản thân mình cũng không phải là người hoàn hảo cho nên việc muốn người khác phải thế này, thế khác là điều không nên. Nếu có thể, hãy thay đổi chính mình thay vì cứ buộc người khác phải liên tục đổi thay.

Hoặc tư duy so sánh người của mình và người của người khác cũng là cách thức làm cho ta dễ xa nhau khi sự bất an, thiếu hài lòng được dưỡng nuôi bằng tác nhân tiêu cực. Vậy nên, chấp nhận tương đối, yêu cầu vừa phải, đừng quá kỳ vọng tưởng chừng rất ngây ngô mà lại chẳng ngây thơ khi dựng xây tổ ấm...

* Đừng quên nói với nhau về mục tiêu chung sống

Hôn nhân và cuộc sống chung cần có mục tiêu, nếu mục tiêu đó không chỉ là tiền bạc, thăng tiến, trách nhiệm và những gì hư ảo khác thì việc xác lập các mục tiêu chung dựa trên những thói quen, hành vi của cả hai là điều cần thiết.

Trước khi có con, thói quen đi du lịch là động lực thúc đẩy nhau gắn kết. Sau khi có con, đừng quên nói về mục tiêu mới đã được điều chỉnh. Đó là không cãi nhau trước mặt con, vẫn dành cho nhau sự quan tâm dù tận tâm, tận lực hết sức với con cái... Hay nói về việc cần duy trì gia đình như một mục tiêu ưu tiên nhất nếu chúng ta cho rằng tổ ấm này là điều cần thiết và quan trọng nhất.

Việc nói về mục tiêu có thể đa dạng bằng nhiều cách, không cần phải căng thẳng hay lý thuyết hóa bởi một cuộc nói chuyện mà quan trọng vẫn là tâm tình như những người bạn, gieo niềm tin như giao nhiệm vụ một cách khéo léo. Đây là chất keo quan trọng và cũng là cách để nhắc nhở nhau hết mình và hết sức với cuộc sống chung.

* Duy trì các hành vi, thói quen khi yêu lúc chung sống

Sau hôn nhân, từng chặng, từng chặng một, cần xác định các hành vi hay thói quen cần duy trì cho cả hai và biến nó trở thành niềm vui, sự cam kết trong đời sống hôn nhân. Nếu chúng ta vẫn dành cho nhau buổi cuối tuần không nấu cơm để cà phê sáng lúc bình minh và thư giãn sẽ góp phần tránh những xúc cảm của sự thất vọng...

Hoặc thói quen về thăm gia đình hai bên, vẫn đảm bảo điều kiện để anh ấy tụ họp bạn bè... Hay thói quen gọt táo cho cô ấy ăn vẫn duy trì dù có 10 năm hay 20 năm cũng là liều thuốc gia cố cho sự khẳng định về tình yêu thương.

* Tập hứng thú mới cùng nhau

Ở nhiều gia đình, vì sao sân thượng trở thành nơi gắn kết, bởi sự "chiều chuộng" có mục đích của một trong hai. Ban đầu, chưa hẳn cả hai đều thích trồng rau, trồng hoa sân thượng. Thế nhưng nghĩ rằng đó là điều cần làm và cũng là cách gắn kết; nên đồng thuận là như thế. Lẽ nhiên, đừng quá gồng mình, đừng đeo đuổi nửa vời, đừng hứa hẹn mãi non xanh thì có lẽ hành trình chung sống có thêm một dấu ấn tích cực.

Hoặc một vài cặp đôi vẫn cố gắng hằng ngày đi dạo cùng nhau; hoặc cố tình sắp sẵn cặp xe đạp song hành mỗi sáng dù người ấy vẫn còn ngủ nướng do đêm qua tiếp khách vẫn có thể giúp nhau gần hơn từng chút một.

Để nhen lửa ấm chắc chắn không thể sử dụng nguyên tắc bù trừ hay nguyên tắc điểm rơi bất ngờ. Tất cả đều đòi hỏi sự vun vén, thích ứng và thay đổi, sáng tạo trong bối cảnh.

Xin đừng để tổ ấm đã lạnh mới điều chỉnh, sửa sai bởi sự tỉnh táo, thích ứng là năng lực cần có của mỗi người...

Giữ lửa gia đình những ngày giãn cách Giữ lửa gia đình những ngày giãn cách

TTO - Khi nhịp sống bình thường bị đứt gãy, nếu mỗi người không chuẩn bị cho mình các kỹ năng sống để thích nghi với những đổi thay ngoài ý muốn thì sẽ khó tìm ra cách giải quyết ổn thỏa cho bản thân và gia đình mình.

HUỲNH VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên