25/08/2019 13:10 GMT+7

Vợ chồng đồng lòng làm bạn cùng con

LAM XUÂN
LAM XUÂN

TTO - Mới 5 tuổi, bé Bon biết về các loại tàu vũ trụ, phi hành gia, tàu hơi nước, tàu cao tốc... Và nhiều người quen biết gia đình không lạ với hình ảnh anh Ngọc Tài (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cùng con trai đọc sách, chơi với con.

Vợ chồng đồng lòng làm bạn cùng con - Ảnh 1.

Hai cha con trải nghiệm cung đường Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cha cho con được mạo hiểm, khuyến khích con học hỏi từ trải nghiệm của chính mình trước khi can thiệp để bảo vệ con. Cha có xu hướng dạy con từ những ví dụ trong thực tế với tính kỷ luật nghiêm ngặt; còn mẹ lại thiên về động viên, an ủi. Hai thái cực này kết hợp sẽ tạo nên tác động cân bằng lên sự phát triển của trẻ.

Chất keo gắn kết

Chị Thùy Dương (mẹ Bon) chia sẻ lúc vợ chồng quyết định có con đã thỏa thuận sẽ chủ động nuôi dạy con, mà không nhờ đến sự hỗ trợ của nội ngoại. 

"Ngay từ đầu vợ chồng đã lên danh sách những việc cần làm, những thói quen dần thay đổi, việc nuôi dạy con phải là cả hai. Quan trọng nhất là việc đầu tư thời gian chăm con không chỉ giúp cha - con gắn kết tình cảm, mà còn mang đến những lợi ích về giáo dục cho tương lai của con. Mọi thứ không thể phó thác hết cho mẹ".

Anh Tài cho hay khi tìm hiểu nhiều tài liệu về các lợi ích khi người cha cùng tham gia chăm sóc con, con trẻ mong muốn điều gì ở người cha... anh mới ngộ ra nhiều điều hay không chỉ giúp sự phát triển toàn diện của con mà còn làm gia đình gắn kết, hạnh phúc hơn.

Với gia đình anh Đức Hạnh (quận 7), chính anh còn làm mẹ ruột bất ngờ vì những thay đổi sau khi "lên chức" cha. 

"Mẹ chồng nói không nhận ra đây là con trai bà, suốt hơn ba mươi năm cái gì cũng tới tay mẹ làm cho, vậy mà từ ngày có vợ con, chồng mình tự tay làm hết, từ chăm sóc gia đình, chăm con, chơi với con, làm đồ chơi cho con... Ba mẹ chồng mình đều thấy hạnh phúc về sự "trưởng thành" của con trai họ" - chị Thanh Ngọc, vợ anh Hạnh, tiết lộ.

Hạnh phúc từng ngày

"Tôi có đọc một bài báo nói rằng công việc của một người vợ, người mẹ còn gồm việc của cô nuôi dạy trẻ, đầu bếp, quản gia... Tổng số giờ làm việc gần 92 tiếng/tuần, gần gấp đôi số giờ làm việc trung bình của một người đi làm ở công ty. 

Và tôi đã thử trải nghiệm hoàn thành công việc của vợ trong hai ngày khi cô ấy bệnh, thực sự nó quá vất vả so với những gì tôi làm ở công ty hiện tại..." - anh Hạnh tâm sự về những gánh vác của vợ trong gia đình.

Và không chỉ chia sẻ, anh còn rất khâm phục vợ khi vợ đảm nhiệm việc điều hành công ty riêng của gia đình. Nhưng đâu chỉ chồng nhìn thấy những gì vợ đang đảm nhiệm, chị Thanh Ngọc cũng thấy rằng "chồng thật tuyệt vời, biết san sẻ với vợ, anh luôn cảm ơn những gì vợ làm cho anh, động viên vợ trong những lúc khó khăn". Việc nhìn thấy ưu - khuyết của nhau, đồng cam cộng khổ trong cuộc sống sẽ càng thêm chất xúc tác cho sự đồng lòng nuôi dạy con. 

Nhưng vợ chồng có những lúc trúc trắc, không thể hoàn hảo mãi. "Bọn mình cưới nhau đã 6 năm, đoạn mới cưới cãi nhau suốt đó chứ, bất đồng nhiều thứ. Nhưng từ khi quyết định có con thì mọi thứ thay đổi, chưa bao giờ cãi nhau vì chăm con, kể cả những lúc con ốm đau. Những lúc khó khăn càng động viên nhau nhiều hơn" - vợ chồng anh Tài, chị Dương chia sẻ.

Vậy phải chăng để cho "bếp lửa" gia đình nồng ấm đượm hương thì một phần tất yếu không thể bỏ qua: vợ chồng đồng lòng làm bạn với con bởi như một món quà lớn, con trẻ đến với chúng ta để tất cả cùng nhau "trưởng thành" từng ngày...

Con tự tin, hạnh phúc hơn

Với nhiều việc lặt vặt tỉ mẩn chăm sóc con nhỏ, phần lớn người mẹ luôn muốn con đi theo một quy tắc để tiện việc tạo trật tự, sắp xếp trong gia đình. Nhưng trong mắt người cha lại khác, hành động "phá hoại" của trẻ lại biểu hiện việc khám phá, tìm hiểu cái mới. Sự ủng hộ và khuyến khích của cha rất tốt cho việc kích thích não bộ của trẻ hành động và sáng tạo.

Nhưng nói vậy không phải để phủ nhận tầm quan trọng của người mẹ. Con sẽ phát triển toàn diện cả về nhân cách lẫn trí tuệ nếu các cha mẹ cùng thống nhất quan điểm nuôi dạy con và cùng hướng về nhân sinh quan. Nếu một trong hai phủ nhận nhau, phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bích Phượng

14 năm tìm âm thanh cho con 14 năm tìm âm thanh cho con

TTO - Suốt 14 năm qua, chị Chử Thị Thanh Hương (Hà Nội), hội trưởng Hội Cha mẹ trẻ em khiếm thính Việt Nam, bền bỉ đồng hành cùng con gái khiếm thính để tìm âm thanh, giúp con nghe nói và hòa nhập với cộng đồng.

LAM XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên