26/04/2025 11:33 GMT+7

Vợ chồng chia sẻ việc nhà, cùng hạnh phúc

Gia đình hạnh phúc luôn cần sự nỗ lực từ hai phía, thấu hiểu và sẻ chia trách nhiệm.

việc nhà - Ảnh 1.

Chị năm nay bốn mươi lăm tuổi, sành điệu và hiện đại trong cách nói năng, ăn diện và đối nhân xử thế. Nhìn chị, bao người ao ước được cảnh xinh đẹp, lịch sự ra khỏi nhà, thong dong khắp lối, tối làm muộn về nhà có cơm lên mâm ngon lành, nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp.

Sự thảnh thơi trong nếp nghĩ, nếp nhà giúp chị níu giữ thanh xuân trên khuôn mặt trẻ trung và vóc dáng thon thả khiến bạn bè cùng trang lứa phải ghen tị. 

Hỏi chị "Bí quyết được chồng chăm sóc là gì?", chị cười ha hả bảo mình rút kinh nghiệm từ mẹ ruột. Mẹ chị đã khổ một đời bởi chiều chuộng và cung phụng chồng đến tận bây giờ vẫn… khổ!

Bí quyết trẻ đẹp

Đàn ông quê chị ngày trước thường gia trưởng. Ba chị bê nguyên xi nếp nhà gia phong vào quan hệ vợ chồng. Phụ nữ trong nhà phải ăn cơm ở mâm dưới, phải nữ công gia chánh chu toàn việc nhà bên nội, phải chăm con dạy con hơn người…

Bao nhiêu chữ "phải" là bấy nhiêu gánh nặng đè lên vai người phụ nữ và khép dần tiếng nói phản biện, ý kiến luận bàn của người "giữ lửa".

Mẹ chị đã nhẫn nhịn suốt một đời như thế. Chị chứng kiến tất cả nên thấy thương mẹ vô cùng. Chị bảo ba chị quá sướng, sướng quá nên vô tâm và vô cảm hết mức. Ngày giỗ kỵ, mẹ chị cắm mặt trong bếp xoay xở tất tần tật mọi thứ từ đêm hôm trước. Khi mâm cỗ tươm tất trên bàn thờ gia tiên, ba chị mới thay áo vào thắp hương khấn vái. Thế mà hễ thiếu chén nước mắm hay đĩa thức ăn chưa rải ngò là lập tức ba nhắc nhở, đe nẹt mẹ chị.

Thấy mẹ quá khổ vì nhẫn nhịn chồng nên đôi ba lần chị em gái trong nhà cũng góp ý nhưng lại bị ăn mắng vì cái tội "trứng dám khôn hơn vịt", con cái mà dám "mặc áo quá cổ". Riết rồi chẳng ai dám ý kiến, mà chị em ủ mưu "điều chỉnh chồng từ thuở bơ vơ mới cưới" và chị đã thành công vượt ngoài sức mong đợi.

Vợ chồng cùng làm, cùng hạnh phúc

Ngày mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, chị cũng bị dồn ứ bao nhiêu là việc nhà không tên. Nhưng chị quyết không khuất phục. Lúc cứng rắn phân bua, lúc tỉ tê tâm sự, chị dần dà thuyết phục được chồng tham gia cùng công việc nhà, phụ giúp chị nấu cơm, rửa chén, quét nhà… mỗi khi chị đi làm về muộn.

Có lần mẹ chồng thấy chị đang rửa chén còn chồng chị loay hoay lau chùi bếp gas, bà có vẻ không vui. 

Lúc ấy là mùa đông, chén bát rửa xong vẫn còn ủ mùi, chị cất tiếng nhờ chồng lấy giúp bình thủy nước nóng để tráng lại chén. Mẹ chồng chị liền mắng vốn: "Đàn ông làm việc lớn chứ cứ để vợ sai vặt vậy còn gì là nếp nhà?!".

Chồng chị chỉ cười cười rồi ôm vai mẹ thủ thỉ hòng làm mẹ nguôi giận. Lắng nghe lời phân bua của chồng với mẹ về sự sẻ chia việc nhà giúp san sẻ gánh nặng cho người phụ nữ cũng như gắn kết tình cảm gia đình, chị biết mình đã thành công nhưng vẫn sẽ còn một đoạn đường dài phía trước chờ chị.

Chị phải thuyết phục mẹ chồng, bố chồng thay đổi quan điểm về vai trò người vợ trong nhà, về trách nhiệm của người đàn ông. "Giữ lửa" cho gia đình tất nhiên đừng ích kỷ đẩy về một phía nào cả! Cùng chung tay, chị sẽ thắng, bởi "mưa dầm thấm lâu", chỉ sợ nói sai chứ nói đúng thì có gì mà không xoay chuyển được!

Và sau bao nỗ lực, cuộc "cách mạng" nho nhỏ trong gia đình mình đã gặt hái được quả ngọt. Chị đang tận hưởng niềm hạnh phúc của một người vợ được chồng yêu thương, trân trọng và sẻ chia mọi thứ.

Gia đình được vun vén từ nỗ lực của hai phía bao giờ cũng ngọt ngào hơn, ấm áp hơn, gắn kết hơn hẳn.

Này con trai, nhìn ba con đi mà sau này chăm vợ! - Ảnh 2.Vợ chồng thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương

Thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ, nhưng có một điều khó đổi thay, đó chính là tình cảm vợ chồng mà những người yêu nhau dành cho nhau. Dù cao tuổi, tình cảm nhiều cặp vợ chồng vẫn luôn nồng nàn như thuở ban đầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên