Bởi trong nhiều trường hợp, khi đã hết yêu thương, người ta có thể dùng mọi thủ đoạn để giành giật đến đồng xu với người đã từng đầu gối tay ấp...
Dốc lòng cho đi hết, liệu có ổn? Làm sao có điểm tựa mà đứng dậy khi không may vấp ngã?
Vợ chồng có nên phòng thủ?
Theo chị Ngọc Mai (38 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) thì khi bước vào hôn nhân ai lại không mong gia đình mình ấm êm, hạnh phúc. Nhưng cũng khó nói trước điều gì, có thể hôm nay "cơm lành canh ngọt" nhưng ngày mai lại là chuyện khác.
Có những phụ nữ dù đang chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống gia đình nhưng vẫn không dám ly hôn vì sống phụ thuộc, hoặc bị kìm hãm về kinh tế từ phía chồng. Sau ly hôn thì cuộc sống của người phụ nữ thường chông chênh, gặp nhiều khó khăn hơn đàn ông, nên chuyện phụ nữ "tích cốc phòng cơ" cũng chẳng hề sai.
Chị Mai cho biết: "Bạn tôi rời khỏi nhà chồng với đứa con gái chưa tròn 3 tuổi và vali quần áo cùng ít tiền trong túi. Bạn tôi đau khổ nói rằng cái "ngu" lớn nhất trong cuộc hôn nhân này là nghỉ việc ở nhà chăm con, cái "ngu" thứ hai là không có bất cứ khoản tiền riêng nào, để khi ra đi phải bắt đầu từ con số 0".
Ở chiều ngược lại, anh Chí Cường (34 tuổi, Q.5, TP.HCM) một mực phản đối chuyện phòng thủ trong hôn nhân từ chính kinh nghiệm của gia đình mình. Trước kia, khi vợ chưa sinh em bé, mỗi tháng anh đều đưa cho vợ 2/3, còn 1/3 thì giữ để lấy tiền ăn sáng, đổ xăng, cà phê.
Nhưng từ khi vợ sinh và nghỉ làm để ở nhà chăm con, tiền lương mỗi tháng anh đưa hết cho vợ. Vậy mà có lần anh thấy rất thất vọng khi biết được vợ mình đang lập quỹ đen phòng khi vợ chồng anh chia tay theo lời khuyên của bạn bè.
Anh trầm tư chia sẻ: "Tôi luôn sẵn lòng để cô ấy dùng tiền tôi đưa để chăm sóc bản thân, làm đẹp, giải trí, mua sắm thoải mái... Nhưng đằng này cô ấy lại dùng chính đồng tiền mà tôi vất vả làm ra để giữ làm của riêng với lý do phòng thủ khi ly hôn khiến tôi bực mình không chịu nổi.
Bởi vợ chồng đang sống với nhau đàng hoàng, tử tế mà lại có suy nghĩ như thế khác nào không tin vào chồng, vào hạnh phúc mình đang có, như vậy là đang không tôn trọng tôi, không tôn trọng mối quan hệ này".
Không tin nhau, khó sống
Phòng thủ hay không thì cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình chứ không nên "phòng thủ bất chấp".
Nhiều người xem việc thủ là cách để tránh những tổn thương không đáng có cho phụ nữ khi gia đình có biến. Trong nhiều trường hợp, khi đã hết yêu thương, người ta có thể dùng mọi thủ đoạn để giành giật đến đồng xu với người đã từng đầu gối tay ấp.
Thực tế cho thấy vấn đề "phòng thủ trong hôn nhân" luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người gật gù, ủng hộ. Bởi lẽ, trong xã hội Việt Nam hiện tại, bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn khá nhiều vấn đề bất cập.
Và phụ nữ chính là người thiệt thòi hơn hẳn. Nếu trong gia đình "có chuyện" khiến họ phải ra khỏi nhà, họ không thể tìm đến "nhà tạm lánh", và pháp luật, xã hội vẫn chưa đứng ra bảo vệ họ ngay lập tức.
Nếu không dựa vào gia đình cha mẹ ruột, phụ nữ phải có "sổ tiết kiệm" riêng để phòng thân, nghĩa là cần có sự độc lập nhất định về kinh tế, công việc.
Nhưng cũng có nhiều người phản bác rằng: Trong cuộc sống gia đình, có vợ hay chồng phòng thủ thì sẽ mất niềm tin lẫn nhau, nghi ngờ lẫn nhau sẽ tự làm khổ bản thân và cả người khác...
Sao lại phải phòng thủ với chính người thương yêu mình chứ?
Hãy nghĩ, nếu có phòng thủ thì chỉ là để khi chồng gặp bất trắc trong chuyện làm ăn hoặc ai đó nằm viện phải cần đến số tiền lớn. Chứ nếu nghĩ phòng thủ để khi ly dị có "của để dành" thì chính người trong cuộc tự đẩy mình vào hoàn cảnh éo le.
Trong hôn nhân khi "cơm lành canh ngọt", việc "phòng thủ trước đối tác" là xa xỉ đối với mọi cặp vợ chồng. Hầu như mọi người đều thuộc làu câu "của anh, của em, của chúng ta", nhưng khi ra tòa ly hôn hoặc chia tài sản sau ly hôn thì họ hay so đo "của anh, của em ai công sức nhiều hơn, ai xứng đáng được chia nhiều hơn?".
Tin tưởng và trân trọng lẫn nhau
Theo các chuyên gia pháp lý, khi kết hôn, hai người cần phải yêu và tin tưởng "đối tác" nhưng lòng tin phải có tri thức và đạo đức bảo vệ thì mới mong bền vững.
"Đối thủ" muôn đời của đạo đức là lòng tham, sự sân si tiềm ẩn trong mỗi con người, chỉ cần một phút yếu lòng, một cơn sân si bùng lên là có thể thổi bay những giá trị chuẩn mực và tình cảm tốt đẹp đã gầy dựng.
Muốn hạn chế sai lầm, trước khi quyết định chỉ cần bạn tự vấn để trả lời vài câu hỏi như: "Mình được, thì người khác ra sao?", "Cái không phải của mình cố đòi thì liệu có ổn không và mình giữ gìn nổi không?". Nhưng quan trọng nhất vẫn là: Mọi quyết định của chúng ta đều có những hậu quả tương ứng và mỗi hành vi của chúng ta đều có mối quan hệ nhân - quả của nó.
Tình yêu vốn không có chỗ cho những toan tính thiệt hơn.
Phòng thủ hay không, đó là lựa chọn riêng của mỗi người trong từng hoàn cảnh sống. Chỉ biết rằng bao giờ nền tảng cho tình yêu, cho đời sống vợ chồng vẫn luôn là lòng tin tưởng, trân trọng lẫn nhau...
Theo quy định của điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận