07/07/2016 06:00 GMT+7

Vô cảm hay nghĩa hiệp ngoài đường?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Ra đường thấy người gặp tai nạn nhiều người chỉ đứng lại xem chứ không ra tay giúp đỡ. Tại sao? Ngày nay người ta còn sống đẹp, sống nghĩa hiệp hay cảnh giác đến mức vô cảm?

Giúp người bị tai nạn xe máy trên cầu Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH

Giúp người bị tai nạn xe máy trên cầu Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH

Có nhiều lý do khiến nhiều người ngại giúp đỡ khi bắt gặp những hoàn cảnh khó khăn trên đường phố: vì sợ muộn giờ, sợ bị lừa, nghĩ rằng đã có người khác giúp rồi, nghĩ rằng đó không phải việc của mình, sợ vạ lây...

Nhiều người gặp người bị nạn chỉ ngoái lại nhìn rồi thản nhiên đi tiếp. Phải chăng sự vô cảm xuất phát từ sự cảnh giác cố hữu của người dân thành thị?

Vô cảm là đặc trưng đời sống đô thị?

Theo đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân), sự vô cảm xảy ra phần nhiều ở đô thị.

“Khác với nông thôn là nơi mọi người gắn bó với nhau rất nhiều về mặt tình cảm, đô thị là môi trường mà sự gắn kết cộng đồng đang dần lỏng lẻo, cho nên sự giúp đỡ lẫn nhau cũng trở nên xa lạ” - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nói.

Ông Đỗ Cảnh Thìn cho rằng tính hướng thiện và lòng trắc ẩn bao giờ cũng tiềm ẩn trong mỗi con người, chỉ khi gặp môi trường thuận lợi, nơi con người chịu nhiều ràng buộc với nhau thì lòng tốt mới bộc lộ.

Còn trong những môi trường mà các thiết chế tự nhiên vốn điều chỉnh hành vi con người như thiết chế gia đình, cộng đồng, văn hóa và đạo đức không được coi trọng thì lòng tốt của con người cũng khó phát huy.

“Điều này là lẽ tự nhiên, mang tính quy luật, không thể trách xã hội hay một cá nhân nào được. Đây cũng chưa hẳn là một biểu hiện của một xã hội đang dần xấu đi” - ông Đỗ Cảnh Thìn nhận xét.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, phó viện trưởng Viện VH-NT quốc gia, tính vô danh ở đô thị là một nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm khi nó tạo điều kiện cho người ta chỉ tập trung vào cái tôi của mình mà không lưu tâm đến lối sống, thái độ của người khác.

Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác đến từ gia đình như con cái được nhận sự quan tâm quá mức dẫn đến tâm lý ích kỷ, không quan tâm đến người khác ngoài chính bản thân mình. Từ nhà trường do chủ yếu quan tâm đến truyền đạt tri thức mà ít quan tâm đến việc rèn luyện nhân cách. Rồi từ các phương tiện truyền thông đại chúng lôi kéo con người tập trung vào hưởng thụ cá nhân.

TS Lý Tùng Hiếu - giảng viên khoa văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng sự vô cảm chưa hẳn là mặt trái về tính cách của người đô thị mà phần nhiều là do tính cảnh giác.

Môi trường đô thị có nhiều cạm bẫy, người hào phóng cũng có mà kẻ gian manh cũng nhiều. Chính vì vậy người dân ở các đô thị lớn thường có sự cảnh giác rất cao.

Vô cảm vì ngại phiền phức?

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, hiện nay có rất nhiều trường hợp ngay gian bất phân định, thật giả lẫn lộn, người dân bình thường rất khó để biết đâu là nỗi đau thực sự, đâu là sự giả vờ.

Một số đối tượng lợi dụng lòng tốt để dàn cảnh tai nạn nhằm mục đích lừa đảo, những câu chuyện như vậy vẫn xảy ra khiến nhiều người dù không rơi vào hoàn cảnh đó nhưng chứng kiến hoặc nghe kể lại cũng dần trở nên cảnh giác.

“Lòng tốt của những người có tâm nhiều khi không được thể hiện vì sự nghi ngờ của xã hội. Tội phạm hiện nay quá lộng hành, nhiều người tốt bị lợi dụng, điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi ngoài đường phố của mọi người. Khi đã mất dần cảm xúc tốt thì người ta sẽ trở nên vô cảm, sợ bị liên lụy, ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nhiều người khi giúp đỡ người khác, ví dụ như trong những vụ tai nạn trên đường phố, còn sợ đụng phải những vấn đề pháp lý, sợ bị cơ quan chức năng mời gọi, hỏi hoặc thậm chí là nghi ngờ.

Nhiều trường hợp người ngay lại phải sợ kẻ gian vì những hành vi xấu chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao, nhiều người tốt phải chịu hệ lụy còn kẻ gian thì thoát khỏi vòng pháp luật.

“Điều này cũng làm cho người ta dần mất đi tinh thần nghĩa hiệp” - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nhận xét.

Người làm việc nghĩa hiệp phải được bảo vệ

Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, công tác bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người giúp đỡ, người đấu tranh chống tội phạm hiện nay chưa được chú trọng.

Ông Đỗ Cảnh Thìn nêu ví dụ về những bất cập chưa được giải quyết trong phong trào hiệp sĩ hiện nay.

Thứ nhất, phòng trào hiệp sĩ còn mang tính tự phát, người làm hiệp sĩ chưa được huấn luyện nhiều về kỹ năng và kiến thức pháp luật.

Thứ hai, chính sách bồi dưỡng cho hiệp sĩ cũng chưa rõ ràng, cụ thể. Nếu trong quá trình làm hiệp sĩ họ bị thương thì cần có sự hỗ trợ.

Bên cạnh đó cũng cần phối hợp với chính quyền địa phương để động viên về mặt tinh thần, giúp đỡ họ về công ăn việc làm nếu gia đình họ khó khăn.

Thứ ba, cơ quan pháp luật nên đưa ra những văn bản cụ thể, quy định và việc làm cụ thể để xã hội thấy những hành vi nghĩa hiệp được tôn vinh và bảo vệ về mặt quyền lợi, người ta mới có lòng tin để làm chuyện nghĩa hiệp.

"Người khác nhìn vào nếu thấy sự ghi công của xã hội đối với những người tốt sẽ có ý thức công dân hơn, mới khuyến khích được người dân có lòng nghĩa hiệp, tạo lòng tin để họ làm việc tốt.

Việc bảo vệ người tốt không nên chỉ gói gọn chỉ trong ý thức của người thực thi pháp luật mà phải được cụ thể bằng các quy định, bằng các văn bản pháp luật. Nếu người tốt, làm việc nghĩa hiệp được bảo vệ thì sẽ khơi dậy được ý thức giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn của người dân” - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nói.

Mặt khác, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cũng cho rằng nên có sự đầu tư và chú trọng hơn trong công tác giáo dục ý thức công dân và ý thức pháp luật cho mọi người, vì trách nhiệm của công dân là khi gặp người bị nạn phải giúp đỡ.

"Những hành vi tốt hiện nay vẫn chưa đủ sức lan tỏa mà còn mang tính cá biệt. Sự tuyên truyền cũng chưa rộng rãi về việc thực hiện trách nhiệm công dân" - ông Đỗ Cảnh Thìn nói.

 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: 

>> TS Lý Tùng Hiếu: 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục