25/10/2016 17:54 GMT+7

Vô cảm để tránh bị coi là gây rối?

TS.LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH
TS.LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH

TTO - Khi những hành động nghĩa hiệp như việc hành khách ra tay cứu nữ nhân viên sân bay Nội Bài bị coi là gây rối trật tự công cộng thì xã hội sẽ trở nên vô cảm trước những việc bất bình xảy ra.

Hình ảnh

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) đã chia sẻ như vậy. Trong bài phân tích gửi TTO, ông Trạch chỉ ra 3 góc độ cần lưu ý xung quanh vụ cán bộ thanh tra Sở GTVT Hà Nội đánh nữ nhân viên hàng không ở sân bay quốc tế Nội Bài ngày 18-10.

Góc độ thứ nhất: Cơ quan có thẩm quyền quản lý ra sao?

Đặc điểm của nơi xảy ra vụ việc là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, là cổng ra vào của rất nhiều hành khách trong nước và quốc tế, là nơi cần có sự bảo đảm, kiểm tra nghiêm ngặt về vấn đề an ninh, bạo động có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo quá trình quan sát vụ việc, nhân viên an ninh của sân bay đến giải quyết vấn đề quá trễ, từ lúc bắt đầu xảy ra đến khi kết thúc là đủ lâu để có thể xảy ra những sự cố không mong muốn (điều này mới dẫn đến việc hành khách khác bắt buộc phải tham gia vào quá trình can ngăn vụ việc).

Khi vụ việc đã được can ngăn thì nhân viên an ninh mới xuất hiện, trách nhiệm của an ninh sân bay ở đâu khi để xảy ra sự việc này?

Tôi cho rằng ban lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc cần nghiêm túc kiểm tra lại vấn đề quản lý, bảo đảm trật tự, có sự bố trí nhân viên an ninh phù hợp với đặc thù tại sân bay quốc tế Nội Bài. Đặc biệt là khu vực làm thủ tục hàng khách lên máy bay, do tính đặc thù là có sự giao tiếp giữa nhân viên sân bay và hành khách nên thường xuyên xảy ra các vấn đề mâu thuẫn dẫn đến vấn đề an ninh trật tự.

Góc độ thứ hai: Nếu không ghi hình làm sao có chứng cứ?

Nhân viên sân bay là chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh - đội phó đội dịch vụ hàng không chuyến bay đi (thuộc Trung tâm khai thác Nội Bài của Vietnam Airlines) - thực hiện việc quay phim hành khách có hành vi to tiếng cãi vã, chửi bới nhân viên hàng không để báo cáo. Tôi cho rằng hành vi của chị Quỳnh Anh là đúng, phù hợp với thẩm quyền của chị, ngoài ra việc ghi hình được xem là căn cứ để chứng minh cho hành vi vi phạm pháp luật của hành khách trong vụ việc.

Trong trường hợp phát hiện chị Quỳnh Anh có hành vi tự ý quay phim, ông Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn có thể yêu cầu chị Quỳnh Anh xóa đoạn phim, quyền xóa hay không là nằm ở chị Quỳnh Anh. Hai ông này không được thực hiện bất cứ hành vi nào xâm phạm đến chị, cũng như tài sản của chị Quỳnh Anh.

Trong vụ việc, ông Tùng và ông Thuấn đã có hành vi ép buộc ngoài ý chí chị Quỳnh Anh để yêu cầu xóa đoạn phim, dùng hành vi vũ lực đánh chị (cụ thể là một người bóp cổ chị Quỳnh Anh còn người kia liên tục đánh vào đầu chị, dẫn đến chị Quỳnh Anh bị chóng mặt, buồn nôn phải đến bệnh viện kiểm tra).

Cần lưu ý rằng, khu vực đầu và cổ là khu vực trọng yếu, nguy hiểm đến tính mạng nhưng ông Tùng đã liên tục đánh là vô cùng nguy hiểm cho chị Quỳnh Anh, nếu không có "Lục Vân Tiên" can ngăn, chị Quỳnh Anh sẽ ra sao? Hành vi này còn thể hiện tính chất côn đồ tại khu vực cần bảo đảm an ninh cao. Tôi cho rằng hành vi của hai ông này có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích, trong trường hợp này chị Quỳnh Anh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi của ông Tùng và ông Thuấn.

Việc cấm bay đối với ông Tùng và ông Thuấn trong thời gian nhất định chỉ là biện pháp mang tính chất hành chính, chưa thể hiện đủ sức răn đe đối với hành vi nguy hiểm này. Cơ quan có thẩm quyền cần phải tiến hành điều tra, xác minh để xử lý đúng theo quy định pháp luật, bảo đảm tính răn đe đối với cá nhân vi phạm, cũng như sự răn đe chung đối với xã hội.

Góc độ thứ ba: Đối với hành khách ngăn cản vụ việc, cứu nhân viên

Có quan điểm cho rằng cần phải xác minh, xử lý về hành vi gây mất trật tự công cộng đối với hành khách đã can ngăn, tôi cho rằng quan điểm này là chưa thật sự phù hợp.

Bởi lẽ, để cấu thành tội “gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điều 245 Bộ luật hình sự, người thực hiện hành vi phải thỏa mãn đủ các điều kiện: Có hành vi gây rối trật tự công cộng như tập trung đông người gây náo động, đuổi đánh nhau, đập phá các công trình công cộng…; gây hậu quả nghiêm trọng khi làm cản trở, ách tắc giao thông, cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, thiệt hại về tài sản, gây chết người hoặc làm người khác bị thương; đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị xử phạt về tội này mà chưa được xóa án tích.

Trong vụ việc, ta có thể thấy rằng quyền và lợi ích của chị Quỳnh Anh đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng cả về tài sản lẫn sức khỏe và chị đang trong tình cảnh không thể chống cự do sự chênh lệch về sức khỏe giữa một người phụ nữ và hai người đàn ông. Do đó, hành vi của hành khách thực hiện can ngăn được xem là hành vi phòng vệ chính đáng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị Quỳnh Anh, không đủ cơ sở để xử lý đối với hành vi của hành khách này.

Ngoài ra, nếu xử lý hành vi tham gia ngăn cản hành vi đánh nhân viên sân bay của hai ông Tùng và Thuấn thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc phòng chống tội phạm nói chung, dẫn đến người dân sẽ không dám tham gia những vụ việc tương tự do sợ bị ảnh hưởng đến bản thân.

Tôi cho rằng hành vi của anh khách này là một cách ứng xử tích cực, nhưng cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp hơn.

Để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội, chúng ta cần khuyến khích những hành động nghĩa hiệp trong khuôn khổ pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng, lợi ích công cộng bị xâm phạm. Còn với quan điểm của ông Trần Hoài Phương - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc - sẽ làm cho xã hội trở nên vô cảm trước những hành động bất bình như đã xảy ra tại sân bay Nội Bài vừa qua.

May mà còn có "Lục Vân Tiên"

Trong trường hợp này, hai nam hành khách đang trong trại thái kích động do bị rớt chuyến vì đến trễ, bị nữ nhân viên hàng không lấy điện thoại quay lại nên càng kích động hơn và ra tay bạo lực.

Dù là lý do gì đi nữa, thì đàn ông, lại là cán bộ nhà nước, mà đánh phụ nữ là không chấp nhận được. 

Đằng này lại là hai người đàn ông khỏe mạnh cùng hành hung một người phụ nữ ngay trước mặt rất đông người. Lúc đó, sự nóng giận đã khiến họ quên đi rằng mình là đàn ông và phải hành xử sao cho đáng mặt mày râu.

Nếu chứng kiến cảnh tượng đó, ắt hẳn chúng ta cũng rất bất bình. May mắn lúc đấy đã có một anh chàng "Lục Vân Tiên" xông vào giải vây cho cô gái. Dù cách giải vây có hơi bạo lực, tuy nhiên mục đích cũng là để bảo vệ phái yếu, dù sao cũng đáng mặt đàn ông hơn hai người đàn ông kia nhiều.

Ngạn ngữ có câu: "Đừng đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa". Phụ nữ là phái yếu, không có khả năng phản kháng cân xứng với sức mạnh cơ bắp của đàn ông, thế nên đã được gọi là phái mạnh thì phải biết sử dụng sức mạnh của mình để bảo vệ người khác. 

Còn sử dụng cơ bắp để bắt nạt, hành hung phụ nữ chân yếu tay mềm thì người đó tốt nhất nên tự xấu hổ với sức mạnh mà tạo hóa đã ưu ái cho mình.

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu 

 

TS.LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên