Bà nội trợ tìm hiểu thông tin về các sản phẩm an toàn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là sự kiện quy mô lớn nhằm giúp các bà nội nâng cao hiểu biết về an toàn thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam do Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM phối hợp với hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ tổ chức.
Bà nội trợ nào cũng lo thực phẩm bẩn
Từ sáng sớm khu vực nơi diễn ra sự kiện đã đông đúc các cô, các chị và các bà. Hơn ai hết, đây là những "bà chủ" của các gian bếp gia đình, vì vậy bất kỳ tở những nơi nào có thông tin nào về dinh dưỡng, về chất lượng thực phẩm đều trở nên được quan tâm.
Chị Mỹ Thương, ngụ Q.Tân Bình, cho biết từ trước đến giờ chỉ dám mua đồ ở siêu thị để an tâm. Giá trong siêu thị có nhiều món đắt hơn chợ gần nhà nhưng mình không phải lăn tăn về mức độ an toàn.
"Hôm nay đến ngày hội, tôi mong sẽ nhận được thêm thông tin làm sao phân biệt được thực phẩm không an toàn, thực phẩm bẩn cũng như mua được ở đâu", chị Mỹ Thương nói.
Các chia sẻ của chuyên gia thực phẩm, dinh dưỡng hấp dẫn các chị em - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, với vai trò quản lý của cơ quan Nhà nước, TP.HCM cũng rất trăn trở làm sao để người dân TP có thể an tâm, an toàn với các mặt hàng thực phẩm.
Là thị trường hơn 13 triệu dân song TP.HCM hiện vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nông sản, thủy hải sản mà phải nhận nguồn cung từ các vùng lân cận và nhập khẩu nước ngoài.
"Chúng ta chắc chắn làm được thực phẩm sạch, thể hiện qua con số hàng ngàn tỷ USD hàng nông sản xuất khẩu mỗi năm, kể cả sang thị trường rất khó tính. Tuy nhiên, quay lại với thị trường TP.HCM, người dân vẫn phải sống chung với thực phẩm bẩn, lẫn lộn giữa thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch", bà Lan trăn trở.
Hiện ban Quản lý ATTP TP.HCM đang triển khai nhiều chương trình cung cấp và đẩy mạnh sử dụng thực phẩm sạch, cụ thể: đề án trang trại, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn từ nông trại sạch đến bàn ăn kết hợp với Sở Y tế TP.HCM với hơn 150 đơn vị tham gia, tổng sản lượng ước đạt 150 nghìn tấn; kết hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM khuyến khích và bắt buộc các trường học trên địa bàn thành phố phải có nguồn cung thực phẩm sạch, đạt chuẩn.
"Chúng tôi vừa xây dựng thực sạch, vừa chống thực phẩm bẩn", bà Lan nói.
Tuy nhiên, với bếp ăn gia đình, bà Lan thừa nhận cơ quan quản lý không đủ sức mạnh, lực lượng để len lỏi đến từng ngóc ngách, từng gia đình, vì thế ý thức chủ động chọn mua, sử dụng thực phẩm sạch từ bản thân mỗi gia đình là rất quan trọng trong công tác đẩy lùi thực phẩm bẩn và khuyến khích ăn sạch sống xanh.
Sau khi tìm hiểu các thông tin về thực phẩm sạch, an toàn, các bà nội trợ tham gia màn thi nấu ăn Hội thi “Sạch tươi ngon, cùng con khôn lớn” - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều thực phẩm VN "rớt từ vòng gửi xe"
Theo bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện chỉ có 18% các nhà sản xuất nông sản trong nước đạt chuẩn Viet G.A.P, dù đây vẫn chưa là tiêu chuẩn để hàng nông sản Việt có thể xuất khẩu ra thế giới.
Nhiều sản phẩm tốt nhưng chịu cảnh "rớt từ vòng gửi xe" vì "siêu thị trong nước không chấp nhận hàng hóa không đạt chuẩn Viet G.A.P, và các nhà bán lẻ thế giới cũng không thu mua sản phẩm không đạt Global G.A.P", bà Hạnh cho biết.
Toạ đàm về thực phẩm sạch thu hút nhiều câu hỏi của các bà nội trợ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Sở Công thương TP.HCM, tổng doanh thu hàng hóa bản lẻ TP.HCM từ đầu năm đến nay ước đạt 1 triệu tỉ đồng.
TP.HCM cũng sở hữu hệ thống phân phối lớn nhất cả nước gồm 204 siêu thị, 44 trung tâm thương mại, 2.300 cửa hàng tiện lợi, 3 chợ đầu mối...
Vẫn còn một bộ phận không ít người tiêu dùng mua thực phẩm tại các chợ tự phát không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại các quầy hàng trong chợ, được ban quản lý chợ kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, không nên mua tại các quầy, sạp hàng vỉa hè, lề đường.
Bà Nguyễn Thị Hồng, phó tổng giám đốc phụ trách chuỗi cửa hàng Vinmart+, thông tin đến nay có hơn 1.600 cửa hàng Vinmart+ và hơn 100 siêu thị Vinmart trên toàn quốc.
Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới bán lẻ, Vingroup còn đầu tư 33 phòng thí nghiệm đạt chuẩn châu Âu để kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa bán tại hệ thống Vinmart, Vinmart+.
Việc tuyển chọn nhà cung cấp trong nước cung cấp hàng vào kinh doanh tại các cửa hàng, tập đoàn cũng đầu tư vào các nhãn hàng riêng.
Đến nay đã có 14 trang trại VinEco tại một số tỉnh, thành với diện tích hơn 3.000 ha, có khả năng cung ứng khoảng 3.000 tấn rau củ, trái cây cho hệ thống Vinmart, Vinmart+.
Cũng trong tháng này, dòng sản phẩm thức ăn nhanh Vinmart Good (gồm các loại trái cây sấy…) sẽ ra thị trường.
"Trong tháng 12, hệ thống sẽ khai trương 100 cửa hàng tại TP.HCM. Đó là những địa chỉ đáng tin cậy mà các bà nội trợ có thể lựa chọn", bà Hồng nói thêm.
"Từ ăn sạch đến sống xanh" là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động cộng đồng nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Vincommerce và Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM.
Việc hợp tác nhằm triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền kiến thức bổ ích về "ăn sạch, sống xanh" góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tổ chức triển khai các chương trình an sinh xã hội thiết thực trong giai đoạn 2018-2019.
Thông qua các hoạt động đồng hành với Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM, nhà bán lẻ VinMart & VinMart+ mong muốn phối hợp cùng với các đơn vị ban ngành và người tiêu dùng để tuyên truyền, giúp người tiêu dùng tăng cường hiểu biết và cách thức lựa chọn thực phẩm an toàn, xây dựng phong cách tiêu dùng "Ăn sạch - Sống xanh" trong cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận