
Cổ phiếu thép "dậy sóng" sau tin Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cổ phiếu thép nổi sóng
Thị trường chứng khoán tiếp tục có phiên giao dịch tích cực ngay phiên đầu tuần (24-2). Khép phiên VN-Index đã tăng gần 8 điểm, leo lên mốc 1.304 điểm.
Việc vượt qua ngưỡng cản mạnh như 1.300 khiến giới đầu tư như "vỡ òa", vì đây là mức đỉnh đã cố gắng nhiều lần nhưng bất thành suốt quý cuối năm ngoái.
Trong phiên hôm nay, thép là tâm điểm thu hút dòng tiền khi "dậy sóng" sau thông tin Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép HRC nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế dao động 19,38 - 27,83%, từ ngày 8-3 tới.
Ghi nhận từ đầu phiên, sắc "xanh tím" xuất hiện đồng loạt với nhóm thép. Trong đó, đáng chú ý có mã HPG của Hòa Phát đã tăng gần 5%, lên vùng giá 27.700 đồng/cổ phiếu.
Tổng khối lượng giao dịch mã HPG cũng rất ấn tượng với gần 74 triệu đơn vị, gấp hơn 3,3 lần bình quân mỗi phiên trong 1 tháng trở lại đây. HPG được đánh giá là doanh nghiệp hưởng lợi hàng đầu từ quyết định mới của Bộ Công Thương.
Hiện Hòa Phát là doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất ở Việt Nam. Đáng chú ý, nhà máy Dung Quất 2 với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn HRC chất lượng cao/năm của HPG sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2025.
Việc thị giá tăng mạnh đã mang lại niềm vui "ngọt ngào" cho các cổ đông nắm giữ cổ phiếu này. Trong đó, người nắm giữ HPG không ai khác chính là gia đình tỉ phú Trần Đình Long - chủ tịch HPG với hơn 2,23 tỉ cổ phiếu (gồm cả cổ phiếu của vợ và con trai Trần Vũ Minh).
Ước tính khối tài sản thông qua mã HPG của gia đình tỉ phú Trần Đình Long đã tăng hơn 2.800 tỉ đồng chỉ sau một phiên hôm nay.
Cổ phiếu FPT, Vietnam Airlines... giảm giá làm "gánh nặng" cho VN-Index
Ngoài HPG, nhóm tôn mạ cũng ghi nhận diễn biến tích cực như NKG của thép Nam Kim (+2,5%), HSG của Hoa Sen (+2%) và GDA của tôn Đông Á (+1,3%).
Một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn còn tăng mạnh hơn như VCA tăng trần (+7%), TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam (+6,8%)…
Tính toàn thị trường, phiên hôm nay ghi nhận gần 380 cổ phiếu tăng giá, 373 cổ phiếu giảm giá, hơn 800 mã không có giao dịch.
Còn trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất tới đà tăng của VN-Index có HPG, VNM, VCB, CTG, REE, HDB, BID, GEE, LPB, STB. Ngược lại, top kéo chỉ số đi xuống có "ông lớn" công nghệ FPT, Vietanm Airlines, Viettel Post…
Liên quan Vietel Post, gần đây nhiều khách hàng nghi ngờ hãng này làm lộ lọt thông tin đặt hàng của họ. Sau đó đại diện Viettel Post cũng thừa nhận thời gian gần đây ghi nhận một số phản ánh của khách hàng về việc nhận được các cuộc gọi giả mạo bưu tá hãng, yêu cầu chuyển tiền thanh toán cước và bưu phẩm.
Viettel Post cũng nói đã chủ động liên hệ và làm việc chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để điều tra, truy vết nguồn gốc các vụ việc giả mạo, xử lý và ngăn chặn hành vi gian lận.
"Mọi kết quả điều tra sẽ được Viettel Post công bố minh bạch, ngay cả trong trường hợp không có vi phạm từ phía doanh nghiệp", phía hãng vận chuyển khẳng định.
Trước đó nhiều chuyên gia dự báo VN-Index có thể tiếp tục vận động hướng lên và thử thách ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm trong tuần nay. Khi VN-Index vượt ngưỡng này, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc tại vùng này khi một bộ phận nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận