Kết phiên ngày 7-2, cũng là phiên giao dịch cuối cùng năm Quý Mão 2023, VN-Index leo lên mốc 1.198,53, tăng hơn 10 điểm. Riêng sàn HoSE có hơn 350 mã tăng điểm...
Nhà đầu tư cầm "cổ" nào hồ hởi nhất
Tính từ cuối năm 2023 đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 6%. Trên khung đồ thị tháng, chứng khoán có chuỗi tăng điểm tháng thứ 3 liên tiếp, đi lên từ ngưỡng 1.020 điểm được thiết lập vào đầu tháng 11-2023.
Sang đến tháng 1-2024, thị trường dồn sự tập trung vào cổ phiếu ngân hàng. Đây cũng là nhóm ngành đóng góp vào đà tăng điểm tích cực cho chỉ số.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý 4-2023 của một số nhóm ngành tích cực hơn so cùng kỳ đã cải thiện tâm lý của nhà đầu tư.
Thêm nữa, khối ngoại quay trở lại mua ròng cũng là chất xúc tác cải thiện thanh khoản thị trường. Trước đó, khối ngoại đã rút ròng khoảng 1 tỉ USD trong 2023.
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Hiền Phương - giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt, cho biết, phấn khởi nhất vừa qua là nhóm nhà đầu tư cầm cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, một số mã ngành thép, logistics, vật liệu xây dựng cũng tăng giá.
Tuy nhiên, trong số nhóm ngành trên, nhiều mã không phải tâm điểm nhiều nhà đầu tư. Do vậy, điểm số tăng nhưng không tạo quá nhiều hưng phấn cho thị trường.
Nhìn chung, thanh khoản ngoài nhóm ngân hàng không có quá nhiều sự cải thiện trong thời gian vừa qua, cũng bởi vậy điểm số chịu áp lực điều chỉnh ở một vài thời điểm khi nhóm cổ phiếu ngân hàng thể hiện sự suy yếu.
Vậy thị trường năm mới được dự báo ra sao?
Trả lời câu hỏi trên với Tuổi Trẻ Online, bà Vũ Thị Chân Phương - chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng, thị trường chứng khoán 2024 sẽ được hỗ trợ bởi một số yếu tố tích cực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chủ động, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; gỡ khó thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, miễn giảm và gia hạn thuế phí…
Do đó, bà Phương cho rằng xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì trong nhiều ngành và lĩnh vực. Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt sau sự kiện nâng cấp quan hệ lên hợp tác chiến lược toàn diện với Mỹ vừa qua.
Tuy nhiên, thị trường cũng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động phức tạp, khó lường - lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán lo ngại.
Trong đó, lạm phát toàn cầu tuy đã được kiểm soát nhưng lạm phát cơ bản được dự báo sẽ vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế.
Bàn về giải pháp năm nay, bà Phương nhấn mạnh, sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành chính thức trong thời gian sớm nhất. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường.
Cũng theo bà Phương, sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho thị trường bền vững, công khai, minh bạch.
Đồng thời đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, các tổ chức xếp hạng để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận