Bảng giao dịch chứng khoán ngày 21-4 chứng kiến hàng loạt mã đỏ rực, giảm điểm - Ảnh: BÔNG MAI
Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm tới 28,13 điểm (-3,54%) xuống 766,84 điểm, gần cả trăm cổ phiếu nằm sàn, chỉ có lệnh bán ra chứ không xuất hiện bên mua vào. Điều này chính thức kết thúc chuỗi ngày tăng trưởng khá tốt trong một tháng trở lại đây. Đáng chú ý, dòng tiền giao dịch mua - bán trong ngày khá cao khi đạt gần 6.124 tỉ đồng.
Song song đó, rổ VN30 cũng chìm trong "biển lửa" khi rớt 29,66 điểm (-4,03%) lui về 706,65 điểm. Sự việc ảm đạm là tất cả thành viên trong rổ này đều giảm giá.
Đóng cửa, cả sàn HNX và rổ HNX30 đều giảm lần lượt 4,99 điểm (-4,55%) xuống 104,7 điểm và 10,27 điểm (-4,92%) xuống 198,58 điểm.
Có thể thấy trong hàng trăm mã giảm điểm, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm năng lượng trở thành lực kéo thị trường sụt mạnh. Nếu ba phiên liền trước mã GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam) liên tục tăng giá thì phiên này bị rớt xuống 64.500 đồng/cổ phiếu (-6,25%). Chỉ sau một ngày, vốn hóa GAS "bốc hơi" hơn 8.229 tỉ đồng.
Khốc liệt không kém khi mã PLX (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) giảm cận biên độ 6,95%, nằm sàn với giá 40.850 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến vốn hóa PLX bay hơn 3.631 tỉ đồng.
Không chỉ chịu áp lực bán ra từ cổ phiếu xăng dầu, nhiều gương mặt nổi bật thuộc các nhóm ngành khác nhau cũng đang nằm sàn như mã CTD (CTCP Xây dựng Coteccons), ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros), SBT (CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa)...
Các đơn vị trong ngành hàng không vận tải đều "nóng mặt" trong sắc đỏ giảm điểm, bao gồm cả cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hay VJC (CTCP Hàng không Vietjet).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Dũng Khánh (giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng) nhận định với diễn biến giá dầu thế giới có trường hợp rơi vào số âm, nhà sản xuất vừa bán vừa cho khi cung lớn hơn cầu, không còn đủ chỗ dự trữ, sẽ khiến cổ phiếu dầu khí và các cổ phiếu nhóm ngành sử dụng nhiều mặt hàng này nhiều như hàng không, vận tải… bị ảnh hưởng tiêu cực. Về dài hạn, giá dầu nếu suy giảm tiếp có thể khiến thất thu thuế, hụt ngân sách.
Ông Khánh nhận định thị trường điều chỉnh giảm hơn 28 điểm là điều không khó hiểu khi một tháng nay đã tăng khá tốt rồi, chưa kể Bloomberg còn đánh giá Việt Nam là thị trường tăng mạnh nhất thế giới ở thời gian gần đây.
Cụ thể, theo số liệu tổng hợp từ Bloomberg, VN-Index tăng khoảng 15% từ đầu tới giữa tháng 4, trở thành chỉ số tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu. Do đó, thị trường điều chỉnh là chuyện sớm muộn.
"Đây là cơ hội đẹp để nhà đầu tư chốt lời", ông Khánh nói.
Theo đó, những nhà đầu tư đã mua từ trước, ngắn hạn nên bán ra trong lúc này, nhất là tháng "Sale in May" gần tới. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn với suy nghĩ mua vào thì nên đợi những đợt giảm sâu hơn, vì hôm nay việc giảm có thể chỉ mới bắt đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận