Đây là kết luận của các nhà khoa học Australia trong công trình nghiên cứu công bố ngày 13-5, trước thềm hội nghị thường niên của Hiệp hội ung thư lâm sàng Mỹ tại thành phố Chicago vào cuối tháng này.
Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney đã thực hiện nghiên cứu đối với 386 bệnh nhân tuổi từ 30-91, được chẩn đoán mắc ít nhất hai loại ung thư da phổ biến là ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy trong 5 năm trở lại đây.
Những bệnh nhân này được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm, một nhóm được chỉ định uống 500 mg niacinamide (một dạng của vitamin B3) mỗi ngày và nhóm còn lại sử dụng các loại giả dược.
Kết quả cho thấy vitamin B3 có thể giúp giảm 23% nguy cơ mắc thêm các bệnh ung thư da không hắc tố ở nhóm bệnh nhân trên.
Tác dụng ngăn ngừa ung thư da tiến triển bắt đầu thấy rõ sau 3 tháng kể từ khi các bệnh nhân được kê uống vitamin B3, song nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng trở lại trong 6 tháng tiếp theo nếu họ ngừng uống loại thuốc bổ sung này.
Giáo sư Diona Damian - chuyên khoa Da liễu thuộc Đại học Sydney, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định đây là bằng chứng khoa học đầu tiên cho thấy có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư da nhờ uống đều đặn các loại vitamin kết hợp cùng các biện pháp chống nắng đơn giản như sử dụng kem chống nắng.
Tuy nhiên, Giáo sư Damian cũng khuyến cáo việc sử dụng vitamin B3 trong phòng ngừa ung thư da chỉ nên áp dụng ở những người có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.
Mỗi năm tại Mỹ có gần 5 triệu trường hợp mắc bệnh ung thư da không hắc tố, cao hơn tổng số người được chẩn đoán mắc các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, phổi, buồng trứng và vú.
Khoảng 90% các trường hợp này là do thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím (UV) của mặt trời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bệnh này có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận